Văn Lãng: Đánh thức tiềm năng du lịch

Văn Lãng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều phong cảnh đẹp, … Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng huyện Văn Lãng đã tập trung nhiều nguồn lực, nhiều giải pháp để 'đánh thức' tiềm năng du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Múa sư tử tại lễ ra mắt CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Nùng xã Thành Hòa, huyện Văn Lãng

Múa sư tử tại lễ ra mắt CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Nùng xã Thành Hòa, huyện Văn Lãng

Huyện Văn Lãng là 1 trong 5 huyện miền núi, biên giới của tỉnh. Huyện cách thành phố Lạng Sơn khoảng 30 km, có tổng diện tích tự nhiên 563,3 km2, gồm 19 xã và 1 thị trấn, trong đó có 5 xã biên giới với đường biên giới dài hơn 36 km. Huyện có 3 cửa khẩu (Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình) là điều kiện để thu hút khách du lịch tham quan, mua sắm, phát triển dịch vụ du lịch và thương mại.

So với nhiều huyện trong tỉnh, Văn Lãng là huyện có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch như: giao thông kết nối thuận tiện với trung tâm thành phố; có hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động ở khu vực cửa khẩu; nhiều đền, chùa, di tích lịch sử, lễ hội tại các xã, thị trấn; bản sắc văn hóa dân tộc phong phú, đậm chất văn hóa của đồng bào các dân tộc địa phương...

Là quê hương của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ. Cùng với đó, nơi đây còn có những dấu ấn lịch sử một thời được lưu giữ tại các điểm di tích như: Trường Đon Đình Biên, Ga Bản Trang, chợ Háng Van, đồi Khau Bay... Trên địa bàn huyện có 4 dân tộc chính (Tày, Nùng, Kinh, Hoa) cùng sinh sống, các di sản văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn góp phần làm phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, là điểm đến trong hành trình của nhiều du khách địa phương và ngoài tỉnh.

Cùng đó, Văn Lãng còn là huyện có nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức vào dịp đầu xuân, hằng năm mỗi xã tổ chức từ 1 đến 3 lễ hội, đều là các lễ hội dân gian gắn liền với đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của người dân. Các lễ hội chủ yếu tổ chức cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian thu hút sự tham gia đông đảo của người dân. Một số lễ hội thu hút khách hằng năm như: lễ hội chùa Tân Thanh (xã Tân Thanh) thu hút khoảng 10 nghìn lượt khách; lễ hội chùa Thanh Hương (xã Tân Mỹ) thu hút gần 3 nghìn lượt khách; lễ hội chùa Nà Cưởm (thị trấn Na Sầm) thu hút khoảng 2 nghìn lượt khách; lễ hội Báo Slao cổ truyền ngày 27/3 âm lịch (xã Hội Hoan);… Đó là nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, chứa đựng tiềm năng phát triển du lịch của huyện.

Anh Nguyễn Nhật Hoàng, du khách đến từ tỉnh Bắc Giang cho biết: Hằng năm, gia đình tôi đều tổ chức đi du lịch, đi lễ chùa đầu năm và năm nay đã đi nhiều điểm của tỉnh Lạng Sơn, trong đó may mắn được dự lễ hội chùa Tân Thanh. Ngày lễ hội diễn ra đông đúc, tấp nập du khách nhưng công tác tổ chức, tiếp đón cũng như phần lễ, phần hội được địa phương tổ chức chu đáo, gia đình rất hài lòng và sẽ còn trở lại nhiều lần nữa.

Trải nghiệm lưu thông trên khu vực lòng hồ thủy điện Thác Xăng, xã Bắc La

Trải nghiệm lưu thông trên khu vực lòng hồ thủy điện Thác Xăng, xã Bắc La

Xây dựng các điểm du lịch gắn với bảo tồn di tích

Hiện nay, huyện Văn Lãng có 43 điểm, khu di tích, trong đó có 22 di tích lịch sử, 11 di tích danh lam thắng cảnh và 10 di tích kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt, có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ) và 8 di tích cấp tỉnh.

Trên địa bàn huyện có hơn 103 câu lạc bộ văn nghệ, thể thao với khoảng 1.500 thành viên; trên 30 câu lạc bộ hát then, đàn tính. Đáng chú ý, hiện nay, huyện Văn Lãng đang đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Dự án số 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, đẩy mạnh việc xây dựng và hỗ trợ các thiết bị nhà văn hóa các thôn; hỗ trợ đạo cụ, trang phục dân tộc; tổ chức truyền dạy các làn điệu dân ca truyền thống; hỗ trợ các câu lạc bộ truyền thống…

Năm 2024, UBND huyện cấp 1,18 tỷ đồng cho UBND các xã để hỗ trợ kinh phí xây dựng, mua trang thiết bị cho 11 nhà văn hóa thôn. Cùng với đó, Phòng Văn hóa Thông tin huyện cũng phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát các di tích để hướng dẫn làm thủ tục cấp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát kiểm kê các di tích; tiếp tục tuyên truyền quảng bá các điểm du lịch trên địa bàn, nhằm thu hút đông đảo du khách đến với huyện tham quan trải nghiệm.

Bà Hứa Quỳnh Nga, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Văn Lãng cho biết: Thời gian qua, phòng chuyên môn đã tham mưu cho huyện xây dựng và hình thành 3 tuyến du lịch, trong đó có 2 tuyến trong huyện và 1 tuyến liên huyện, thành phố; toàn huyện có khoảng 20 cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách du lịch gần xa đến với huyện. Bên cạnh đó, huyện Văn Lãng đang tập trung quảng bá những điểm du lịch tâm linh, du lịch mua sắm tại các xã: Tân Mỹ, Tân Thanh, Hoàng Văn Thụ, thị trấn Na Sầm; khảo sát các điểm du lịch tại xã Hoàng Văn Thụ (Khu lưu niệm Hoàng Văn Thụ, đập Nà Pàn,…); xã Bắc La (lòng hồ thủy điện Thác Xăng, danh thắng Thác Mây,…) nhằm xây dựng các tuyến du lịch, in tập gấp quảng bá các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Đây sẽ là cơ hội để huyện Văn Lãng lan tỏa các giá trị văn hóa tới khách du lịch.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Như, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội chia sẻ: Dịp hè vừa rồi gia đình tôi có chuyến du lịch về nguồn ở Lạng Sơn, trong đó, gia đình đã đến Khu lưu niệm Hoàng Văn Thụ để dâng hương; tham quan lòng hồ thủy điện Thác Xăng ở xã Bắc La (huyện Văn Lãng); tham quan khu du lịch Đồng Lâm, làng du lịch cộng đồng ở Hữu Liên (huyện Hữu Lũng). Chuyến đi ý nghĩa vì cả gia đình tôi không chỉ được tham quan cảnh đẹp mà còn được thưởng thức ẩm thực đặc sắc của Xứ Lạng. Tôi nghĩ sẽ còn nhiều dịp quay lại để đi thêm nhiều điểm hơn nữa.

Bà Bế Thị Vẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: Nhờ thực hiện tốt công tác quảng bá, lượng khách du lịch đến với huyện Văn Lãng tăng dần từng năm. Đơn cử năm 2023, huyện đã thu hút lượng khách du lịch đến với huyện ước đạt 50 nghìn lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt trên 10 tỷ đồng; năm 2024, tổng lượt khách du lịch trên địa bàn huyện từ đầu năm đến tháng 12/2024 ước đạt trên 58 nghìn lượt, doanh thu ước đạt khoảng trên 28 tỷ đồng.

Để tạo đà cho du lịch huyện Văn Lãng phát triển, hiện nay, huyện đang tích cực triển khai thực hiện Dự án số 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch". Thực hiện tốt Dự án 6 sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao; góp phần quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của huyện, phục vụ phát triển du lịch của địa phương…

Cùng với đó, huyện thường xuyên đôn đốc nhắc nhở ban quản lý các điểm di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và các tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn chủ động xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch trong mùa lễ hội. Đồng thời tăng cường quản lý, kịp thời nắm bắt thông tin; kiểm tra xử lý các hành vi, vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, bảo đảm bình ổn về giá cả, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ; xây dựng phương án bảo vệ, phòng, chống, ngăn chặn kịp thời các hoạt động, dịch vụ trái phép. Qua đó nhằm tạo môi trường du lịch văn minh, văn hóa, an toàn, thu hút du khách xa gần đến với huyện Văn Lãng.

THANH HUYỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-lang-bao-ton-va-phat-huy-van-hoa-dan-toc-thieu-so-gan-voi-phat-trien-du-lich-5031254.html