Vấn nạn ngộ độc thực phẩm: Khi bữa ăn trở thành mối nguy

Chỉ trong hơn một tháng, tại TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong môi trường học đường với gần 100 học sinh bị ảnh hưởng. Những vụ việc xảy ra tại trường học khiến phụ huynh hoang mang, đặt ra yêu cầu cấp bách về việc siết chặt quản lý, giám sát an toàn thực phẩm trong nhà trường.

Tình trạng ngộ độc thực phẩm học đường không còn là hiện tượng cá biệt mà đã trở thành vấn đề nhức nhối trên phạm vi rộng. Tại Trường Tuệ Đức (TP Thủ Đức), nhiều học sinh có biểu hiện đau bụng sau khi ăn sáng, trưa, xế tại trường, nghi ngộ độc thực phẩm. Trong khi đó, tại Trường THCS Tân Túc (huyện Bình Chánh), các em học sinh bị ngộ độc sau khi tham quan Công viên Văn hóa Đầm Sen và ăn bánh mì mua tại một nơi bán ở quận 6. Riêng tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7), suất ăn công nghiệp do nhà trường hợp đồng với công ty cung cấp đã khiến nhiều em có biểu hiện bất thường sau giờ ăn bán trú.

Dù nguyên nhân từng vụ việc đang tiếp tục được điều tra, nhưng điểm chung có thể dễ dàng nhận thấy là sự chủ quan trong khâu lựa chọn đơn vị cung cấp, quy trình giám sát lỏng lẻo, điều kiện chế biến và bảo quản chưa bảo đảm. Bếp ăn trường học - nơi phục vụ hàng trăm đến hàng ngàn suất ăn mỗi ngày, đang trở thành “điểm mù” trong quản lý an toàn thực phẩm. Mặc dù ngành an toàn thực phẩm hàng năm vẫn tổ chức tập huấn cho nhà trường, kiểm tra bếp ăn trong trường học, nhưng vẫn xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Cơ quan chức năng kiểm tra bữa ăn tại một trường học trên địa bàn huyện Củ Chi.

Cơ quan chức năng kiểm tra bữa ăn tại một trường học trên địa bàn huyện Củ Chi.

Phần lớn học sinh tiểu học và THCS đều sử dụng dịch vụ ăn trưa tại trường. Điều này khiến bếp ăn tập thể trở thành một mắt xích then chốt trong hệ thống bảo vệ sức khỏe học đường. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng trên diện rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe cả trăm em nhỏ.

Đáng lo ngại hơn, việc xử lý sau các vụ ngộ độc thường chỉ dừng lại ở kiểm điểm nội bộ hoặc thay đổi nhà cung cấp, mà chưa tạo ra sự thay đổi căn cơ về hệ thống giám sát và trách nhiệm liên ngành.

Điều đáng nói, đây không chỉ là vấn đề của riêng TP Hồ Chí Minh, nhiều địa phương khác cũng đã ghi nhận các vụ ngộ độc tương tự, cho thấy đây là hiện tượng có tính hệ thống, cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc và toàn diện.

Trước thực trạng đáng báo động, Tháng hành động vì ATTP năm 2025 (từ ngày 15/4 đến 15/5/2025) mang theo kỳ vọng sẽ góp phần kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm học đường. Chủ đề năm nay là “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của ngành chức năng đến nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Bà Phạm Thị Xuân Hồng, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền thông, Sở ATTP TP Hồ Chí Minh cho biết, năm nay thành phố không tổ chức lễ phát động rầm rộ, thay vào đó tập trung vào các hoạt động tuyên truyền thực chất như treo băng rôn, chạy xe loa, cấp phát tài liệu, tổ chức lớp tập huấn tại các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Đặc biệt, Sở ATTP TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai các đoàn kiểm tra liên ngành đến tận bếp ăn trường học, cơ sở sản xuất, chợ truyền thống, siêu thị, chuỗi cung ứng để đánh giá điều kiện bảo quản, vận chuyển, giấy chứng nhận ATTP và nguồn nguyên liệu. Việc kiểm tra sẽ tập trung vào nhóm “nhạy cảm” như bếp ăn tập thể tại trường học, nhà máy và quán ăn vỉa hè – những nơi có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Những địa phương buông lỏng quản lý hoặc có cơ sở tái phạm sẽ bị ghi nhận và xem xét trách nhiệm hành chính.

Các trường học có bếp ăn tập thể sẽ được kiểm tra toàn diện về điều kiện chế biến, bảo quản thực phẩm, nguồn nguyên liệu và hồ sơ pháp lý của đơn vị cung cấp. Đồng thời, nhà trường cũng phải chủ động rà soát lại đối tác cung cấp suất ăn, đảm bảo tiêu chí chất lượng và minh bạch nguồn gốc.

Một điểm mới trong chiến dịch năm nay là việc TP Hồ Chí Minh công khai thông tin về các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và “điểm mặt chỉ tên” các cơ sở vi phạm để người dân chủ động tránh xa, đồng thời tạo cơ chế giám sát xã hội mạnh mẽ. Đây là biện pháp mạnh nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời tạo áp lực xã hội đối với những cơ sở kinh doanh thiếu đạo đức và không đảm bảo vệ sinh.

Song song với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, vai trò giám sát của nhà trường và phụ huynh cũng cần được nâng cao. Các trường học phải chủ động rà soát lại toàn bộ hợp đồng cung cấp suất ăn, kiểm tra định kỳ điều kiện nhà bếp, quy trình chế biến, đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong việc kiểm tra mẫu thực phẩm lưu, huấn luyện nhân viên bếp ăn về vệ sinh ATTP.

Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ ngộ độc đều có thể phòng tránh được nếu quy trình kiểm soát thực phẩm được thực hiện nghiêm túc. Chính vì vậy, chiến dịch năm nay đặt mục tiêu cao về công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng.

Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp đồng bộ với các sở, ban, ngành để lan tỏa thông điệp: Đảm bảo ATTP là trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Từ việc chọn mua nguyên liệu đến quá trình chế biến, bảo quản và phân phối, mỗi khâu đều cần được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đặc biệt, trong môi trường học đường, điều này càng phải được đặt lên hàng đầu bởi sự an toàn của trẻ nhỏ là nền tảng cho tương lai xã hội.

Việc phòng chống ngộ độc thực phẩm không thể dừng ở các biện pháp kiểm tra hành chính. Để giải quyết tận gốc vấn đề, cần sự phối hợp đồng bộ giữa ngành chức năng, đồng thời tuyên truyền cần được triển khai sâu rộng, không chỉ dưới dạng khẩu hiệu mà thông qua các hoạt động cụ thể: Đưa nội dung giáo dục ATTP vào chương trình học, tổ chức cho học sinh và phụ huynh tham quan chuỗi cung ứng thực phẩm, xây dựng các mô hình “bếp ăn mẫu” trong trường học.

Đặc biệt, phụ huynh cần được tham gia vào quá trình giám sát thực phẩm trong trường học. Việc thành lập các Ban giám sát thực phẩm học đường với sự tham gia của đại diện phụ huynh, giáo viên và chính quyền địa phương sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro từ khâu đầu vào, phát hiện kịp thời các vi phạm.

Song song đó, mỗi người dân cũng cần ý thức rõ vai trò của mình trong việc sử dụng và lựa chọn thực phẩm an toàn, bởi đây không chỉ là câu chuyện của nhà trường hay ngành chức năng, mà là trách nhiệm của toàn xã hội đối với thế hệ tương lai.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/van-nan-ngo-doc-thuc-pham-khi-bua-an-tro-thanh-moi-nguy-i765399/