Vẫn nóng chuyện chiết khấu 0 đồng bán lẻ xăng dầu

Kéo dài thời gian điều hành, chiết khấu 0 đồng, thậm chí âm khi tính thêm chi phí vận chuyển… đang là nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu xảy ra nhiều bất ổn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Kịch bản này dù đã được đặt ra từ trước nhưng chưa có giải pháp giải quyết căn cơ.

Trước thực trạng giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng khi giá thế giới tăng mạnh, nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa, 19 giờ ngày 30/1, Bộ Công Thương đã quyết định điều hành tăng gần 1.000 đồng đối với mặt hàng xăng dầu trong nước. Tuy vậy, quyết định này vẫn chưa đủ để ổn định được thị trường xăng dầu trong những ngày vừa qua.

Tái cảnh cửa hàng hết xăng dầu

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, những bất ổn trên một phần xuất phát từ nguyên nhân là do cơ quan điều hành kéo dài thời gian điều chỉnh giá bán lẻ, dẫn tới giá bán lẻ bán thấp dưới giá cơ sở, từ đó doanh nghiệp đầu mối lỗ, cắt chiết khấu đối với khâu bán lẻ, chiết khấu 0 đồng, thậm chí âm khi tính thêm tiền vận chuyển từ 200 - 300 đồng/lít.

Tái hiện cảnh cửa hàng xăng dầu đóng cửa trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Tái hiện cảnh cửa hàng xăng dầu đóng cửa trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

“Do cơ quan điều hành không điều chỉnh theo đúng diễn biến trên thị trường nên ảnh hưởng tới quá trình, hiệu quả hoạt động kinh doanh xăng dầu làm cho doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ nặng nề”, ông Tây phàn nàn.

Theo quy định, doanh nghiệp bán lẻ dù lời hay lỗ vẫn buộc phải bán hàng. Thực tế suốt thời gian dài vừa qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng nhưng các cửa hàng vẫn phải duy trì kinh doanh.

"Nhà phân phối muốn cho chiết khấu bao nhiêu thì cho. Dù là 500 đồng, 200 đồng hay 100 đồng, hoặc thậm chí là 0 đồng nhưng chúng tôi cũng phải chấp nhận để có hàng. Thêm nữa là chúng tôi chỉ được lấy hàng từ một nguồn nên không được quyền thỏa thuận, ở vào thế rất bất lợi", ông Tây than thở.

Thực tế này, theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, doanh nghiệp bán lẻ bị triệt tiêu cạnh tranh về chiết khấu, quan hệ giao dịch, ở vào thế bất lợi. Chưa kể các chi phí phát sinh, doanh nghiệp còn phải chịu trách nhiệm rủi ro pháp lý, không thể bảo toàn nguồn vốn, lợi nhuận để bán hàng.

Một đại diện doanh nghiệp bán lẻ khác tại TP.HCM cũng cho biết, việc doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ vẫn phải bán hàng giống với tình thế "đường cùng", vì nếu đóng cửa thì bị phạt, mà mở bán cũng không đành vì thua lỗ.

Bất cập ở cơ chế quản lý

Cộng đồng các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu (chiếm trên 50% tổng số cửa hàng bán lẻ trên cả nước – tương đương 9.000 cửa hàng) vừa gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ góp ý về việc sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95, bảo đảm chuỗi cung ứng xăng dầu ổn định, hài hòa và công bằng lợi ích.

Diễn biến giá xăng dầu thời gian gần đây.

Diễn biến giá xăng dầu thời gian gần đây.

Theo các doanh nghiệp, qua thời gian thực hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu có nhiều quy định về quản lý xăng dầu chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn… gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu.

Trong đó, về vấn đề chiết khấu, theo quy định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên dù lời hay lỗ, doanh nghiệp vẫn buộc phải bán hàng, nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt. Và thực tế thời gian qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng, nhà cung cấp tự kê phí vận chuyển lên quá cao so với phí vận chuyển thực tế nên dù đang lỗ rất nặng nhưng các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn phải duy trì kinh doanh.

Cùng với đó, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. Kể cả sau 1, 2 năm đổi nhà phân phối khác thì vẫn bị chèn ép chiết khấu.

Bởi nhà phân phối biết rằng nếu doanh nghiệp bán lẻ không lấy hàng của họ thì cũng không thể lấy hàng của nhà phân phối khác, nên “doanh nghiệp bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu”, các doanh nghiệp nêu.

Trong khi đó, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, nhưng theo các doanh nghiệp, những sửa đổi, bổ sung của dự thảo Nghị định này không thay đổi được gì với thực trạng của doanh nghiệp bán lẻ hiện nay...

Vì vậy, doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị nên quy định chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.

Về mua hàng từ nhiều thương nhân nhập khẩu, phân phối, doanh nghiệp bán lẻ muốn lấy hàng nơi khác thì phải thanh lý hợp đồng, xử lý, bồi thường các bảng biểu và logo liên quan, phải đăng ký giấy đủ điều kiện kinh doanh với Sở Công Thương… Nhưng do quy định doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng ở một nơi nên nếu có chuyển qua nhà cung cấp khác một thời gian thì cũng bị chèn ép như vậy.

Theo đó, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng, Nghị định 83 và Nghị định 95 quy định cho doanh nghiệp bán lẻ chỉ lấy hàng một nơi để quản lý chất lượng là không thuyết phục. Vì vậy, các doanh nghiệp đề nghị được mua xăng dầu từ 3 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu theo hợp đồng mua bán xăng dầu, áp dụng đối với cả doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu...

Liên quan tới vấn đề xăng dầu, GS. Trần Thọ Đạt, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, vấn đề này đang nằm ở sự bất cập của thể chế, cải cách và sửa đổi các quy định kinh doanh không còn phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn.

“Tại sao nguồn cung xăng dầu được cơ quan quản lý khẳng định đáp ứng đủ nhu cầu lại vẫn xảy ra tình trạng đứt gãy, cửa hàng bán lẻ treo biển hết xăng dầu? Điều này cho thấy vấn đề nằm ở cơ chế quản lý theo thị trường còn nhiều bất cập. Năm 2022, dường như những cải cách sửa đổi về thể chế đang bị chững lại”, GS. Trần Thọ Đạt nêu gốc rễ của vấn đề.

Giá xăng dầu sẽ được điều hành vào ngày 13/2 tới

Chiều ngày 1/2, cơ quan quản lý không điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo quy định của Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu (điều chỉnh vào các ngày 1, 11, 21 hằng tháng). Nguyên nhân là do trước đó, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá vào ngày 30/1.

Theo cơ quan điều hành, việc không điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 1/2 đã được Liên Bộ Công Thương - Tài chính thống nhất trên cơ sở báo cáo các cấp có thẩm quyền và được đồng ý. Dự kiến, lần điều hành tới sẽ được thực hiện vào ngày 13/2, do ngày 11/2 rơi vào thứ Bảy.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/van-nong-chuyen-chiet-khau-0-dong-ban-le-xang-dau-1090580.html