Văn Quan Lạng Sơn phát triển nuôi cá lồng đặc sản chinh phục thị trường
Những năm gần đây, huyện Văn Quan, Lạng Sơn phát triển nuôi cá lồng đặc sản dần có tiếng trên thị trường bởi chất lượng ngon và sạch, thời gian tới địa phương tiếp tục tìm kiếm các giải pháp mở rộng thị trường tăng đầu ra cho sản phẩm.
Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, huyện Văn Quan có hệ thống sông suối dày đặc và phân bố khá đồng đều, được coi là "thủ phủ" của nghề nuôi thủy sản tại địa phương. Những năm gần đây, đặc sản cá lồng Văn Quan dần có tiếng trên thị trường bởi chất lượng ngon và sạch, là món ăn hấp dẫn với du khách thập phương.
Gia đình ông Hứa Thế Cương (thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan) có nghề nuôi cá lồng đã hơn 30 năm. Theo kinh nghiệm của ông Cương, nuôi cá lồng tuy không mất nhiều thời gian và công chăm sóc, nhưng cũng đòi hỏi các kỹ thuật nghiêm ngặt và kiểm soát lượng thức ăn đủ để cá phát triển và không bị bệnh. Thông thường, sau thời gian nuôi từ 16-24 tháng, trọng lượng cá đạt từ 1,8 - 3 kg/con, thậm trí có thể lên đến hơn 4kg/con. Mỗi năm gia đình ông thu hoạch khoảng 30 - 34 tấn cá với giá bán 100.000 - 120.000 đồng/kg.
“Gia đình tận dụng địa thế tự nhiên và có cái hồ to, nếu không có hồ nuôi ở sông chảy xiết cũng rất khó. Gia đình cũng muốn duy trì nghề truyền thống này để hằng năm có cái thu hoạch. Dù cá không bán được cùng 1 lúc, nhưng mọi người ở đây làm nghề này đều có đồng ra đồng vào để chi tiêu trong cuộc sống”, ông Cương cho biết.
Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ nuôi cá lồng, huyện Văn Quan đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn về quy trình, kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc cá, thay đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi kết hợp rau, cỏ và bổ sung thêm thức ăn tinh cho cá. Bà Hoàng Thị Linh, Chủ tịch UBND thị trấn Văn Quan cho biết, ngoài đôn đốc, hướng dẫn các hộ chủ động theo dõi, phòng chống bão lũ, dịch bệnh,... địa phương cũng tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng để yên tâm sản xuất.
“Từ năm 1992 nhiều bà con trong thị trấn đã bắt đầu nuôi cá lồng. Ban đầu các mô hình còn nhỏ lẻ, sau thấy có lợi ích đem lại các hộ đã phát triển đều đặn, tăng dần số hộ nuôi và số lồng cá. Sau khi thành lập HTX, các hộ đã liên kết thành các chuỗi chăn nuôi, từ khâu chọn mua con giống đến tiêu thụ sản phẩm. Đến năm 2020, sản phẩm cá lồng Văn Quan đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận Nhãn hiệu tập thể”, bà Linh thông tin.
Hướng tới đưa cá lồng thành món đặc sản “níu chân” du khách thập phương, người dân Văn Quan đã tìm tòi, chế biến nhiều món ẩm thực hấp dẫn với những hương vị riêng mang đặc trưng của núi rừng và sông suối hòa quyện. Anh Hoàng Văn Diện, chủ 1 nhà hàng tại thị trấn Văn Quan chia sẻ, cá lồng Văn Quan là loại thực phẩm được nhiều thực khách yêu thích bởi thịt chắc, ngọt và giàu chất dinh dưỡng.
“Đặc sản ở Văn Quan đặc trưng riêng có là cá lồng. Hầu như các du khách từ xa tới đây nhà hàng đều giới thiệu ẩm thực này để du khách trải nghiệm. Khách cũng rất hài lòng về những món cá được chế biến, qua đó nhà hàng cũng muốn quảng bá cho người dân, giúp bà con tiêu thụ được lượng cá nhiều hơn, không chỉ ở trong huyện mà còn ra rộng hơn nữa, làm sao để mỗi khi nhắc đến Văn Quan, người ta sẽ nhớ tới đặc sản cá lồng”, anh Diện tự hào kể.
Hiện trên địa bàn huyện Văn Quan có khoảng 250 lồng cá gồm các loại cá chủ yếu như trắm cỏ, trắm đen, chép, mè… Mặc dù sản phẩm cá lồng cũng nổi tiếng và có chất lượng ngon hơn so với thời điểm trước, tuy nhiên đầu ra sản phẩm vẫn đang chủ yếu ở quy mô hộ gia đình mà chưa có đơn vị nào đứng ra liên kết bao tiêu sản phẩm.
Ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Quan cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường công tác quảng bá, tìm đầu ra ổn định cho người dân có động lực hơn, tập trung hơn trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Để phát triển cá lồng theo đúng quy định, Phòng định hướng tuyên truyền vận động các hộ dân nuôi cá lồng, HTX thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định.
“Huyện cũng thực hiện tuyên truyền cho người dân quy trình nuôi cá theo hướng hữu cơ, trong đó có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị để tiêu thụ sản phẩm. Song song với đó, huyện khuyến khích các hộ dân, cơ sở thực hiện việc sơ chế, chế biến các sản phẩm từ cá lồng để phong phú, đa dạng hơn. Thời gian tới, huyện sẽ tích cực đưa sản phẩm cá lồng tham gia các chương trình hội chợ, quảng bá xúc tiến thương mại để nhiều người biết đến”, ông Tùng nêu định hướng.
Từ lâu, Văn Quan đã là điểm đến hấp dẫn của du khách với những danh thắng nổi tiếng như Thung lũng Nà Lùng, đập Bản Quyền, hồ Suối Mơ. Cùng những nét độc đáo của văn hóa truyền thống Tày - Nùng, những phong tục tập quán tốt đẹp, lễ hội truyền thống... những món ẩm thực độc đáo sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch để đời sống kinh tế xã hội nơi đây ngày càng phát triển.