Vận tải biển sụt giảm nghiêm trọng những ngày cuối năm
Giá cước vận tải tiếp tục giảm, sản lượng hàng hóa thấp khiến vận tải biển gặp khó dịp Tết Nguyên đán.
Cước thuê tàu, hàng hóa sụt giảm mạnh
Những ngày giáp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023, chia sẻ với Báo Giao thông, một lãnh đạo Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cho biết thị trường vận tải biển hiện đang rất kém.
Hàng hóa trên cả các tàu chạy tuyến nội địa và tuyến quốc tế đều suy giảm, dẫn tới giá cước và giá cho thuê tàu đều giảm mạnh. “Hàng hóa hiện giờ chỉ còn bằng khoảng 10% so với năm ngoái”, vị này cho hay.
Ông Tạ Tiến Luật - Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải biển và Xuất nhập khẩu HTK khẳng định, thị trường vận tải biển hiện nay đang sụt giảm hơn cả thời điểm dịch Covid-19. Trong thời gian ngắn trước mắt, diễn biến thị trường không có nhiều khả quan.
“Hiện nay, cước thuê tàu cỡ panamax (tàu chở hàng có trọng tải trong khoảng từ 55.000 DWT đến 80.000 DWT và chiều rộng không vượt quá 32,2m) chỉ còn 2000 - 3000 USD/ngày, trong khi trước đây mức giá có thể ở mức 20.000 USD/ngày. Thậm chí, một số tàu cỡ khác còn giảm hơn thời điểm trước Covid-19”, ông Luật cho biết và đánh giá thêm, nguyên nhân có thể do Trung Quốc gỡ bỏ chính sách Zero Covid, mở cửa thị trường dẫn tới việc “bung” tàu, khiến thị trường dư cung.
Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc “mở cửa” gây ảnh hưởng ít nhiều tới vận tải biển. Đặc biệt trong thời điểm hiện tại, quốc gia này cũng nghỉ Tết Nguyên đán gây ảnh hưởng tới việc sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, càng làm cho lượng hàng hóa sụt giảm. Cộng thêm các yếu tố lạm phát, kinh tế suy thoái và việc thị trường vận tải biển dư cung dẫn tới cạnh tranh giá cước vận chuyển, giảm giảm giá cước. “Dự báo, tình hình có thể cuối quý I/2023 mới có thể dần phục hồi”, lãnh đạo HTK nhận định.
Thị trường quốc tế sụt giảm mạnh
Dữ liệu từ nền tảng nghiên cứu thị trường hàng hải Drewry, chỉ số container tổng hợp toàn cầu tiếp tục giảm và hiện đã giảm 79% so với cùng thời điểm năm 2022.
Theo đó, Chỉ số tổng hợp Drewry WCI hiện là 2.079 USD/container 40 feet, thấp hơn 80% so với mức đỉnh 10.377 USD đạt được vào tháng 9/2021. Con số này cũng thấp hơn 23% so với mức trung bình 10 năm là 2.694 USD và cho thấy thị trường vận tải biển đangc ó xu hướng quay trở lại mức giá bình thường. Tuy nhiên, chỉ số trên vẫn cao hơn 46% so với mức trung bình năm 2019 (trước đại dịch) là 1.420 USD.
Ở các tuyến vận tải chính thế giới, giá cước vận chuyển trên tuyến Thượng Hải - New York giảm 5%, xuống 3.432 USD/feu. Giá cước giao ngay trên tuyến Thượng Hải - Rotterdam cũng giảm 4%, xuống còn 1.808 USD/feu và giá trên tuyến New York - Rotterdam giảm 3% xuống còn 1.211 USD/container 40 feet.
Đáng chú ý, nhiều tuyến vận tải Á - Âu cũng đang bị cắt bỏ. Theo Alphaliner, 27% chuyến tàu của 3 liên minh lớn thế giới sẽ bị cắt giảm trong 7 tuần đầu năm 2023.
Trong điều kiện bình thường, trên 18 tuyến Viễn Đông - Bắc Âu và 10 tuyến Viễn Đông - Địa Trung Hải sẽ có tổng cộng 196 chuyến tàu trong giai đoạn từ 1/1- 17/2.
Cụ thể, liên minh 2M giảm 29% chuyến tàu trong 7 tuần đầu năm 2023. Tính cả tuyến Châu Á - Địa Trung Hải, liên minh 2M giảm 24%, liên minh OCEAN Alliance giảm 23%. Liên minh The Alliance cắt giảm với 36% chuyến tàu,
Số liệu này dựa trên các chuyến tàu thực tế đã diễn ra trong thời điểm đầu năm 2023, cũng như lịch tàu được công bố trong các tuần tiếp theo.
Cũng theo Alphaliner, chỉ có 69 tàu bắt đầu hành trình đến Bắc Âu hoặc Địa Trung Hải từ Viễn Đông trong giai đoạn từ ngày 1/1-20/1, trong khi theo lịch trình thông thường của các liên minh, phải có đến 84 chuyến tàu chạy trong giai đoạn này.
Các chuyên gia cho rằng, các hãng vận chuyển lớn cắt giảm chuyến không chỉ để điều chỉnh nguồn cung do nhu cầu hàng hóa giảm, còn để tránh giá cước vận chuyển bị giảm thêm. Việc hủy bỏ các chuyến tàu trước Tết Nguyên Đán cho thấy nhu cầu hàng xuất từ Châu Á không hồi phục.