Vẫn thiếu gần 70 ha đất giao thông làm cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT về tình hình thực hiện dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.
Đã bổ sung 301,6 ha vẫn thiếu gần 70 ha
Thông tin về tình hình thực hiện dự án, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), dự án đã bàn giao cọc GPMB tuyến chính và tuyến nhánh kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam cho UBND các huyện, thành phố để triển khai công tác GPMB; Doanh nghiệp dự án (DNDA) chưa bàn giao cọc GPMB của mỏ đất đắp và vị trí bãi đổ thải, đoạn chỉnh tuyến.
Chính quyền địa phương đã bàn giao mặt bằng đạt 8,5/60 km toàn tuyến, đạt 14,17%; Khu tái định cư hiện nay đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến tổ chức lựa chọn nhà thầu trong quý II/2024;
Theo đánh giá của UBND tỉnh Lạng Sơn, dự án được tổ chức khởi công từ ngày 21/4/2024, hiện nay DNDA đang thực hiện khảo sát, thiết kế kỹ thuật các đoạn còn lại trên tuyến (đã thẩm định, phê duyệt được 3/60 km chiều dài tuyến, còn lại 57/60 km đang triển khai khảo sát, thiết kế kỹ thuật). Với mặt bằng hiện có đủ đáp ứng cho tiến độ thi công của DNDA;
UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngày 12/3/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 227/QĐ-TTg điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 điều chỉnh đến năm 2025, trong đó đất giao thông được bổ sung cho tỉnh Lạng Sơn là 504 ha.
Tiếp đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 764/QĐ-UBND ngày 25/4/2024 điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh Lạng Sơn cho các huyện, thành phố, trong đó đã bổ sung 301,6 ha cho dự án (hơn 200 ha còn lại được bố trí cho dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh).
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, chỉ tiêu đất giao thông của dự án đang còn thiếu 69,75 ha (trong đó huyện Chi Lăng 14,6 ha; huyện Cao Lộc 50,06 ha; huyện Văn Lãng 5,07 ha, TP.Lạng Sơn đủ);
Hiện nay, dự án chưa có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về chuyển mục đích sử dụng rừng và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác nên khó khăn trong thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng (diện tích đã bàn giao 88,5 ha cho DNDA được thực hiện từ năm 2018).
Ngày 26/4/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Tờ trình số 57/TTr-UBND trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích 208,291 ha (tổng diện tích trồng rừng thay thế là 290,123 ha).
Đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa hiện nay chưa được nhà đầu tư đề xuất dự án/DNDA thực hiện, UBND tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư đề xuất dự án/DNDA hoàn thiện các thủ tục, phối hợp với tỉnh để sớm trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chuyển mục đích đất trồng lúa theo quy định.
Về tình hình thi công, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, DNDA đã tổ chức khởi công dự án vào ngày 21/4/2024, hiện nay đang bắt đầu thi công các hạng mục trên tuyến trong phạm vi 3/60 km đã đủ thủ tục. Khối lượng thi công từ ngày khởi công đến nay chưa đáng kể.
Kiến nghị bổ sung chỉ tiêu đất giao thông cho dự án
Thông tin về những khó khăn, vướng mắc của dự án, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, do chỉ tiêu sử dụng đất giao thông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn của 2 dự án cao tốc trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 còn thiếu 181,75ha, trong đó dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT thiếu 69,75 ha và dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn) thiếu 112 ha nên cũng làm ảnh hưởng tới việc lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án; lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất (đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng).
Đồng thời, dự án chưa có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về chuyển mục đích sử dụng rừng và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác nên khó khăn trong thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng. Hiện nay, UBND các huyện, thành phố đang thực hiện các công việc chuẩn bị cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân đồng thuận, nhận tạm ứng và tự nguyện bàn giao trước mặt bằng để triển khai dự án; khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện các thủ tục theo đúng quy định hiện hành.
Ngoài ra, doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư mới thành lập và ký kết hợp đồng với UBND tỉnh Lạng Sơn, trong khi các thủ tục pháp lý bước thực hiện dự án chuẩn bị cho lựa chọn nhà thầu xây lắp khá nhiều nên cần có thêm thời gian để thực hiện.
Để tháo gỡ các khó khăn, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bổ sung chỉ tiêu đất giao thông còn thiếu là 181,75 ha cho 2 dự án cao tốc để UBND tỉnh Lạng Sơn đủ cơ sở để triển khai công tác giải phóng mặt bằng của dự án.
Đồng thời, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, tổ chức thẩm định và sớm trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích 208,291 ha để thực hiện dự án như Tờ trình số 57/TTr-UBND ngày 26/4/2024 của UBND tỉnh Lạng Sơn.
Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng đầu tư theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT được thực hiện trên địa bàn các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP. Lạng Sơn. Trên tuyến bao gồm đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17 m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam dài 17 km, với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 14,5 m.
Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án gồm: 5.495 tỷ đồng (3.500 tỷ đồng ngân sách Trung ương, 2.000 tỷ đồng ngân sách địa phương); vốn nhà đầu tư thu xếp là 5.529 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026, thời gian thu phí và vận hành khai thác là 25 năm 8 tháng.