Vạn Thọ - mảnh đất nặng nghĩa tình với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Gần 60 năm đã trôi qua, nhưng những dấu ấn của chàng sinh viên Văn khoa, đảng viên trẻ Nguyễn Phú Trọng nơi mảnh đất Vạn Thọ (Đại Từ) vẫn không hề phai nhạt. Trong tâm thức của không ít người dân nơi đây, hình bóng người đảng viên cộng sản kiên trung, một lòng vì dân, vì nước ấy, như vẫn còn đâu đây.

Gần 60 năm đã trôi qua, nhưng những dấu ấn của chàng sinh viên Văn khoa, đảng viên trẻ Nguyễn Phú Trọng nơi mảnh đất Vạn Thọ (Đại Từ) vẫn không hề phai nhạt. Trong tâm thức của không ít người dân nơi đây, hình bóng người đảng viên cộng sản kiên trung, một lòng vì dân, vì nước ấy, như vẫn còn đâu đây.

Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Vạn Thọ đã lập bàn thờ tại Nhà Văn hóa xã để người dân đến thắp hương, tỏ lòng thành kính với người đảng viên cộng sản kiên trung đã về với cõi vĩnh hằng.

Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Vạn Thọ đã lập bàn thờ tại Nhà Văn hóa xã để người dân đến thắp hương, tỏ lòng thành kính với người đảng viên cộng sản kiên trung đã về với cõi vĩnh hằng.

Thành tâm tưởng nhớ

Nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhân dân xã Vạn Thọ vô cùng đau xót, tiếc thương. Tại nhà văn hóa xã, bàn thờ đồng chí Tổng Bí thư được lập trang trọng. Những nén hương thơm luôn đỏ để tỏ lòng thành kính với người đảng viên cộng sản kiên trung đã về cõi vĩnh hằng. Đồng chí Nguyễn Thị Huyền, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vạn Thọ, chia sẻ: Vạn Thọ là mảnh đất rất đặc biệt khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có 2 năm ở và học tập thời là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thể theo nguyện vọng nhân dân, Đảng bộ, chính quyền xã đã xin ý kiến cấp trên lập bàn thờ đồng chí tại nhà văn hóa xã để nhân dân đến thắp hương, tỏ lòng thành kính.

Đến thắp hương tại bàn thờ Tổng Bí thư ở nhà văn hóa xã, ông Nguyễn Văn Ngọ, 70 tuổi, ở xóm 1, xã Vạn Thọ, tâm sự: Nhà tôi sát nhà anh Trọng ở hồi sinh viên nên tôi có thời gian dài được gặp, nói chuyện với anh ấy. Dù sau này, anh Trọng trở thành Tổng Bí thư, nhưng tôi vẫn cảm thấy anh giản dị, mộc mạc như ngày nào. Nhận được tin anh mất, tôi và nhiều người dân khác chỉ mong thắp nén nhang, thành tâm cầu nguyện cho anh yên giấc ngàn thu, phù hộ cho đất nước, nhân dân an bình thịnh vượng.

Yêu thương, gắn bó

Đồng chí Tổng Bí thư đã đi xa, nhưng những kỷ niệm xưa vẫn còn trong tâm thức người dân xã Vạn Thọ. Ông Nguyễn Văn Ngọ kể: “Chính anh Trọng là một trong những người đứng lên cùng bố tôi khi ấy là Chủ nhiệm Hợp tác xã và ông Thử, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã, huy động nhân lực vần đá tảng đá lớn trên núi xuống đắp, xây dựng đập Vai Say khoảng năm 1966, dẫn nước về phục vụ tưới tiêu đất nông nghiệp của xã. Đập Vai Say nay đã được xây dựng bằng gạch, bê tông, kiên cố, nhưng những tảng đá lớn vẫn nằm dưới chân đập như chứng tích của tình đoàn kết sinh viên, nhân dân một thời.”

Năm 1966, khi đang là sinh viên sơ tán tại xóm Tràng Dương, xã Vạn Thọ (Đại Từ), đồng chí Nguyễn Phú Trọng và các sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã cùng với nhân dân khuân đá, đắp đập Vai Say, phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm ha đất nông nghiệp của xã.

Năm 1966, khi đang là sinh viên sơ tán tại xóm Tràng Dương, xã Vạn Thọ (Đại Từ), đồng chí Nguyễn Phú Trọng và các sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã cùng với nhân dân khuân đá, đắp đập Vai Say, phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm ha đất nông nghiệp của xã.

Ông Ngọ bảo: Ngày đoàn sinh viên Trường Đại học Tổng hợp về sơ tán tại xã, tôi 14 tuổi. Tôi nhớ như in anh Nguyễn Phú Trọng bởi anh được bố tôi sắp xếp ở nhà ông Bân, ngay cạnh sát nhà tôi. Một thời gian sau, chuyển sang nhà tôi ở 15 ngày. Nhà tôi lúc đó khá rộng nhưng đang có 3 chị sinh viên nữ ở 1 phòng, 3 sinh viên nam ở một phòng. Anh Trọng sang phải ở ghép với 3 sinh viên nam là 6 người 1 phòng. Do quá chật nên 15 ngày sau, anh Trọng và 2 anh sinh viên chuyển sang ở nhà ông Thử.

Lịch sử còn ghi, khoảng từ năm 1965 đến 1967, khoa Ngữ Văn khóa 8, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ Thủ đô sơ tán lên xã Vạn Thọ. Giảng viên, sinh viên được các gia đình nơi đây cho mượn một gian buồng hoặc nhà ngang để ở, học tập. Tuy cuộc sống khó khăn, nhưng các giảng viên, sinh viên không ngại vất vả. Các giảng viên tích cực tăng gia, sản xuất, nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau, còn các sinh viên rất tích cực, chăm chỉ học hành. Ngoài giờ học, các sinh viên còn giúp nhân dân các công việc thường ngày. Địa điểm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán tại xã Vạn Thọ đã được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh vào tháng 12-2021.

Những kỷ niệm không quên

Xã Vạn Thọ còn lưu cuốn sách “Từ mái trường này” in bài viết của các sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày ấy. Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Những ngày ở Tràng Dương (Vạn Thọ - Đại Từ - Bắc Thái) là những ngày có biết bao sự kiện dội vào tâm hồn, ký ức của chúng tôi. Leo núi, luồn rừng, chặt cây lấy nứa về làm nhà, dựng lán. Công việc thật là mới mẻ và hấp dẫn, nhưng cũng đầy ắp những nguy hiểm, gian truân. Những ngày nắng còn đỡ. Những ngày mưa mà leo ngược dốc, trèo lên núi cao, đường trơn, vực thẳm, vắt muỗi, gai cào… thật là không đơn giản. Ăn thì chỉ có bột mì luộc hoặc cơm 3 phần độn ngô với canh rau muống suông… Ngày đi luồn rừng, leo núi, nhưng tối về vẫn phải học rất khuya. Tôi còn kiên trì chép tay được gần một chục tập Thơ mới.”

 Lãnh đạo xã Vạn Thọ giới thiệu về những bức ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm xã.

Lãnh đạo xã Vạn Thọ giới thiệu về những bức ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm xã.

“Có lẽ vì thế mà đồng bào rất thương và quý chúng tôi, cưu mang, đùm bọc chúng tôi như con em trong nhà. Gia đình nào cũng nhượng cho chúng tôi cả gian buồng để vài ba anh em ở. Thỉnh thoảng lại mời cơm, mời sắn. Hợp tác xã có nhờ cắt lúa, gánh thóc đóng thuế, đắp đập, vác gỗ làm nhà… thì lại cho gạo, cho xôi.”… “Chúng tôi xác định phải cố gắng vừa học tốt, vừa giúp đỡ đồng bào. Tối tối đi phát thanh thông báo tin thời sự; tổ chức triển lãm tranh ảnh tuyên truyền những chủ trương của Đảng và Nhà nước; biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con…”– Đồng chí Tổng Bí thư viết.

Đặc biệt, một kỷ niệm không thể nào quên của đồng chí Nguyễn Phú Trọng nơi mảnh đất Vạn Thọ là được kết nạp vào Đảng ngày 19/12/1967, khi đồng chí vừa tròn 23 tuổi, đang học năm thứ tư. Thời đó được đứng trong hàng ngũ của Đảng là ước mơ, niềm vinh dự, tự hào của các sinh viên. Với đồng chí Nguyễn Phú Trọng, vào Đảng là bước ngoặt lớn để sau này cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Vạn Thọ khắc ghi lời Tổng Bí thư

Nặng tình nghĩa với mảnh đất yên bình dưới chân núi Tam Đảo, năm 2005, khi là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng các sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày ấy đã về thăm xã Vạn Thọ. Bức ảnh đồng chí cùng những người bạn đeo khăn quàng đỏ bước đi trên mảnh đất Vạn Thọ được treo trang trọng trong phòng làm việc của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã.

Tháng 11-2005, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội về thăm lại xã Vạn Thọ (Đại Từ), nơi đồng chí đã từng sinh sống, học tập trong những năm 1965 -1967.

Tháng 11-2005, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội về thăm lại xã Vạn Thọ (Đại Từ), nơi đồng chí đã từng sinh sống, học tập trong những năm 1965 -1967.

Trở về nơi gắn bó hai năm thời đại học, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm hỏi những gia đình đồng chí đã ở nhờ nhà thời sơ tán, trồng cây lưu niệm trong khuôn viên trụ sở xã và trò chuyện với cán bộ, nhân dân địa phương. Đồng chí Trần Quang Trung, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Thọ, kể lại: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã ân cần hỏi thăm tình hình xây dựng Đảng, kinh tế - xã hội địa phương. Đồng chí động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vạn Thọ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Cây vú sữa do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng tại khuôn viên UBND xã Vạn Thọ trong lần về thăm địa phương vào năm 2005 luôn được cán bộ, đảng viên và người dân xã Vạn Thọ chăm sóc xanh tốt.

Cây vú sữa do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng tại khuôn viên UBND xã Vạn Thọ trong lần về thăm địa phương vào năm 2005 luôn được cán bộ, đảng viên và người dân xã Vạn Thọ chăm sóc xanh tốt.

Gần 20 năm kể từ ngày đồng chí Nguyễn Phú Trọng về thăm xã Vạn Thọ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây vẫn khắc ghi lời động viên ngày ấy đoàn kết, xây dựng địa phương phát triển giàu mạnh. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (giai đoạn 2021-2025) trên địa bàn xã chỉ còn 2,42% (giảm 3,58% so với năm 2022); thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người (tăng 9 triệu đồng/người so với năm 2022)… Được lựa chọn là 1 trong 15 xã của huyện Đại Từ xây dựng và “về đích” nông thôn mới nâng cao trong năm nay, hiện Vạn Thọ đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí, đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định xã nông thôn mới nâng cao. Đây là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân địa phương./.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-moi/202407/van-tho-manh-dat-nang-nghia-tinh-voi-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-6073099/