Văn Yên sẽ phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch
Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.
Đó là thông tin tại Hội nghị đối thoại và sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án trồng dâu nuôi tằm năm 2024 UBND huyện Văn Yên vừa tổ chức hôm nay (26/4). Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới điểm cầu 09 xã vùng trồng dâu nuôi tằm gồm xã Xuân Ái, Yên Thái, Yên Hợp, Yên Phú, Đại Phác, An Thịnh, Tân Hợp, Đông Cuông, An Bình.
Xác định trồng dâu nuôi tằm là chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp quan trọng của huyện với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình trồng dâu nuôi tằm; mở rộng vùng nguyên liệu trên địa bàn, đến nay, huyện Văn Yên đã trồng mới được 55,472 ha dâu, đạt 46,3% kế hoạch, trong đó diện tích đã cho thu hoạch để nuôi tằm là 45,5 ha. Dự kiến từ nay đến cuối năm, một số xã sẽ đạt và vượt tỷ lệ cao so với kế hoạch được giao như Yên Thái sẽ trồng mới 15 ha, Xuân Ái 15 ha.
Các địa phương đã từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ để nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng lá dâu và kén tằm, làm thay đổi tư duy từ sản xuất thuần nông sang tư duy sản xuất hàng hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới ổn định và bền vững.
Cùng với đó, UBND huyện Văn Yên cũng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái để thúc đẩy sự hợp tác trong kỹ thuật, cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm kén tằm trên địa bàn huyện; tổ chức các đoàn đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm tại các xã trồng dâu nuôi tằm trọng điểm của huyện Trấn Yên cho 267 lượt người, thành phần là lãnh đạo, cán bộ và người dân trồng dâu của 9 xã.
Đặc biệt, đến nay huyện Văn Yên đã triển khai đăng ký sửa chữa 22 nhà tằm lớn, xây mới 53 nhà, 86 bộ né; đăng ký xây mới 1 nhà nuôi tằm con; 2 nhà tằm tiêu chuẩn và nhiều hạng mục khác để nuôi tằm; thành lập mới 1 hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm tại thôn Quyết Hùng, xã Xuân Ái để đăng ký thực chuỗi liên kết giá trị năm 2024.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, huyện sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất tại 3 xã: Yên Thái, Đại Phác và An Thịnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án trồng dâu nuôi tằm năm 2024, nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Thời gian tới, UBND huyện Văn Yên sẽ tiếp tục hướng dẫn thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm theo quy định, đảm bảo sản xuất ổn định, bền vững; đặc biệt chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm kén, tơ tằm trên địa bàn; về lâu dài hướng dẫn xây dựng, áp dụng nhãn hiệu cho sản phẩm tơ tằm của huyện.
Cùng với đó, Văn Yên sẽ thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề về trồng dâu nuôi tằm cho hộ trồng dâu để nâng cao chất lượng lao động về trồng dâu nuôi tằm các xã trong vùng thực hiện Đề án; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.