Vàng bình ổn cho... người giàu?

Tùy theo hoàn cảnh và nội lực nền kinh tế, việc bình ổn giá có những sự điều chỉnh thích hợp. Không thể phủ nhận, công cụ bình ổn giá từng góp phần hỗ trợ cho lợi ích của cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Ban đầu, phong trào bình ổn giá được áp dụng vào những dịp lễ, tết nhằm giúp những đối tượng yếu thế trong cộng đồng được mua sắm vật tư thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Lâu dần, không cần chính quyền kêu gọi, các hệ thống siêu thị cũng triển khai nhiều đợt bán hàng bình ổn giá, với mục đích chia sẻ thành quả lao động cùng khách hàng.

Đỉnh cao của các đợt bình ổn giá là các cuộc “giải cứu” nông sản. Khi những vụ mùa thu hoạch mà người trồng trọt gặp khó khăn về xuất khẩu, người dân đô thị lập tức chung tay giúp đỡ.

Biện pháp bình ổn giá cũng được quy định chặt chẽ bởi Nghị định 117/2013 và Nghị định 149/2016 của Chính phủ. Về mặt nhận thức, ai cũng biết rằng, biện pháp bình ổn giá được đưa ra khi giá mua hoặc giá bán trên thị trường tăng quá cao, hoặc giảm quá thấp, giảm bất hợp lý trong các trường hợp xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, địch họa, khủng hoảng kinh tế - tài chính, mất cân đối cung - cầu tạm thời…

Nói cách khác, bình ổn giá hướng đến đối tượng thụ hưởng quan trọng nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, người cư ngụ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện ứng phó với những biến động đột ngột.

Khi Luật Giá được Quốc hội thông qua vào tháng 6-2023, cũng đã nêu rõ 9 mặt hàng ưu tiên bình ổn giá, bao gồm xăng dầu thành phẩm, khí dầu mỏ hóa lỏng, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thóc tẻ gạo tẻ, phân bón, thức ăn chăn nuôi, vaccine phòng bệnh cho gia súc gia cầm, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hiện nay, Quỹ bình ổn giá xăng dầu thường xuyên được đề cập. Thế nhưng, hoạt động bình ổn giá xăng gần đây cũng nảy sinh không ít bất cập.

Vậy ngoài sự ưu tiên cho các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá có nên áp dụng cho thị trường vàng không? Tất nhiên vàng không phải mặt hàng thiết yếu như cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Khi giá vàng trong nước tăng vọt so với giá vàng thế giới, nhiều ý kiến lo ngại cũng đã đặt ra.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định không thiếu vàng và có đủ nguồn lực để thực hiện quyết tâm bình ổn thị trường. Thực tế, những ngày vừa qua cho thấy hình ảnh người dân xếp hàng “rồng rắn” để mua vàng bình ổn. Thậm chí, đã có ngân hàng thương mại triển khai bán vàng online. Người có nhu cầu có thể đặt mua vàng online và nhận vàng ngay tại địa chỉ yêu cầu, mà không phải đến trực tiếp ngân hàng để lấy số giao dịch.

Hạ nhiệt giá vàng trong nước cũng là một nhiệm vụ phải quan tâm, nhưng không thể vì bình ổn giá vàng mà ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối khi xuất ra để nhập vàng. Người cầm tiền đi mua vàng chắc chắn không phải người nghèo. Mặt khác, tích trữ vàng miếng như một giải pháp ẩn trú an toàn cho tài sản cá nhân, dường như không phải lựa chọn đầu tư hay đầu tư khôn ngoan.

Một câu hỏi đáng lưu ý, trong hàng ngàn người xếp hàng đăng ký mua vàng, có bao nhiêu người đang có nhu cầu sử dụng vàng miếng thật sự, hay là đang xuất hiện “nghề” đứng tên mua dùm vàng miếng cho những kẻ có sẵn nguồn tiền nhàn rỗi? Hãy nhớ rằng, các giao dịch thương mại hiện nay đã nghiêm cấm thanh toán bằng vàng giữa cá nhân với cá nhân.

Hãy nhìn kỹ những thước phim và hình ảnh ghi lại trên các phương tiện truyền thông những người xếp hàng rồng rắn để mua vàng, họ chấp nhận dưới cái nắng như thiêu đốt của mùa hè để chờ đến lượt từ ngày này sang ngày nọ không mệt mỏi. Thử hỏi người dân có tích lũy vài triệu đồng có chịu bỏ công ăn việc làm để mua vài chỉ vàng hay không? Những người có tiền trăm tiền tỷ có chịu đội nắng cả tuần để đầu cơ vàng hay không?

Suy cho cùng, bình ổn giá vàng không có giá trị với những người lao động chân chính, chỉ là sự chờ đợi của những người nhiều tiền và dòng tiền không rõ ràng có ý định đầu cơ sinh lợi mà thôi.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/vang-binh-on-cho-nguoi-giau-post114874.html