Vang lên từ bóng tối

Việc sinh viên Nguyễn Đức Thiện được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương là một trong 35 thanh niên khuyết tật tiêu biểu, có nhiều hoạt động vì cộng đồng tại chương trình 'Tỏa sáng nghị lực Việt' năm 2023 mới đây là sự ghi nhận cho nỗ lực vượt khó, vươn lên của em trong 16 năm qua.

Nguyễn Đức Thiện (ngoài cùng bên phải) cùng ban nhạc “Nắng mới” biểu diễn trên phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nguyễn Đức Thiện (ngoài cùng bên phải) cùng ban nhạc “Nắng mới” biểu diễn trên phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Sinh viên 23 tuổi này bị khiếm thị từ nhỏ, tuy vậy, âm nhạc mà Thiện học được từ Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) đến Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đang làm đẹp cho cuộc sống của em cũng như những người chung quanh em.

Tôi đã có dịp chứng kiến ban nhạc của Thiện bước xuống từ chiếc ô-tô cũ kỹ để chuẩn bị cho buổi biểu diễn tại phố đi bộ Hoàn Kiếm vào một chiều cuối tuần. Từ đầu phố Tràng Tiền giao với phố Ngô Quyền, sáu người bọn họ cứ thế đi bộ đến số 62 Tràng Tiền, vai đeo nào túi, nào nhạc cụ.

Và trong khi thầy Trần Bình Minh, người từng dạy sáo trúc cho Thiện tại Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, vẫn còn loay hoay làm nốt những công việc của mình, giai điệu rộn rã của bài Feliz Navidad (Chúc mừng Giáng sinh) vang lên qua tiếng sáo trúc của Minh Tú, phần organ của Thiện và phần trống của Hoàng Chung. Không cần giới thiệu, ba người cứ thế biểu diễn liên tục năm, sáu bài mà không biết rằng, sự có mặt của ban nhạc “Nắng mới” đã làm sôi động cả con phố Tràng Tiền.

Thực ra thì được biểu diễn hằng tuần tại phố đi bộ Hoàn Kiếm là niềm vui khó diễn tả bằng lời của Thiện và ban nhạc “Nắng mới”. Việc lãnh đạo thành phố Hà Nội tạo điều kiện cho ban nhạc có địa điểm biểu diễn thật nhân văn. Ban nhạc được thầy Trần Bình Minh thành lập năm 2016 nhưng chỉ khi Thiện và một vài người bạn tốt nghiệp Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu sau đó một năm, họ mới hoạt động ổn định.

Sau đó, Thiện và các bạn may mắn gặp Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh (Hải Phòng), học trò cuối cùng của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Tháng 8/2020, Câu lạc bộ hát xẩm Tâm Việt được thành lập và đến tháng 7/2022 thì ra mắt chính thức sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế.

Thú vị là từ ban nhạc “Nắng mới” đến Câu lạc bộ hát xẩm Tâm Việt, Thiện không chỉ tự mày mò học cách chơi nhị, gõ phách hay piano bên cạnh sở trường là sáo trúc để có thể biểu diễn, em còn hướng dẫn, chỉ bảo cho nhiều người khiếm thị và cả những người không khiếm thị có năng khiếu, đam mê, mong muốn sau này đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, đấy cũng là một trong những cách giúp Thiện và các bạn có thêm thu nhập trong hành trình vượt khó, vươn lên từ nghịch cảnh.

Thành công của ban nhạc “Nắng mới”, trong đó có việc họ tham dự Festival âm nhạc dân tộc dành cho người khiếm thị tại Thái Lan (năm 2018) cũng như nhiều sự kiện do Hội Người mù Việt Nam, Hội Người mù thành phố Hà Nội tổ chức và đặc biệt là Câu lạc bộ hát xẩm Tâm Việt với nhiều giải thưởng tại hai Liên hoan Hát xẩm mở rộng năm 2022 và 2023 (năm 2022 giành một giải A, một giải C, một giải khuyến khích; năm 2023 giành được một giải B, một giải C và một giải khuyến khích) thật sự là kết quả ấn tượng của 13 năm cố gắng không ngừng của bản thân Thiện sau những ngày đầu vất vả khi em rời thôn Dương Xá, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Bị khiếm thị bẩm sinh do mẹ gặp tai nạn trong quá trình mang bầu, chàng trai sinh năm 2000 đã sống xa gia đình từ lúc 7 tuổi khi em bước chân vào mái trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Không ở gần bố mẹ, cũng chưa bao giờ sống xa bố mẹ đến vậy, Thiện rất nhớ nhà và như em tâm sự, em mất rất nhiều thời gian để làm quen, thích nghi và dần từ bỏ những suy nghĩ thiếu tích cực của bản thân.

Thế nhưng, khó khăn vẫn chưa dừng ở đó. Mất một năm học chữ nổi braille, năm 8 tuổi vào lớp 1, lúc này Thiện lại phải làm quen với môi trường mới (có các bạn không khiếm thị) để hòa đồng với bạn bè, xóa đi sự tự ti và cảm giác bị kỳ thị. Điều tuyệt vời là trong hoàn cảnh đó, cậu bé người Hà Nam luôn cố gắng và nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu năm 2017, em vừa thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, vừa theo học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố.

Lúc này, âm nhạc dần trở thành hy vọng và giúp em thay đổi cuộc đời. Từ chiếc organ ngày nào mẹ em (vốn là một giáo viên dạy môn âm nhạc trường trung học cơ sở) mua cho để nghịch chơi, âm thanh của các nhạc cụ đã cuốn hút Thiện. Với những người khiếm thị, họ rất nhạy cảm với âm thanh nhưng không thể phủ nhận rằng, Thiện thật sự có năng khiếu về âm nhạc, để em có thể chơi tốt cả sáo trúc, organ, piano hay nhị dù không nhìn thấy gì, dù vẫn chỉ học theo cách truyền miệng, và chỉ dùng tai nghe rồi ghi nhớ.

Vậy mà Thiện vẫn ước có thể kéo lại thời gian để học được nhiều loại đàn hơn, một mặt giúp bản thân có cơ hội nghề nghiệp, hỗ trợ gia đình, một mặt là giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Đó là áp lực rất lớn nhưng cũng là động lực để Thiện luôn cố gắng, đặc biệt khi em bây giờ không chỉ sống cho bản thân mà còn vì gia đình nhỏ của mình với người vợ cũng bị khiếm thị và một bé gái mới chào đời.

Bằng khen Gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu tham gia chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023 đến với Thiện một cách bất ngờ nhưng nhờ đó, em được gặp gỡ, kết nối với cộng đồng người khuyết tật trong cả nước.

Mục tiêu trước mắt của Thiện là hoàn thành chương trình học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, ban nhạc “Nắng mới” có những địa điểm biểu diễn mới hay chỉ đơn giản em hy vọng người khiếm thị sẽ có những cuốn nhạc lý cơ bản để học. Và Thiện cũng không mơ ước mình có thể trở thành những nghệ sĩ khiếm thị nổi tiếng như Stevie Wonder, Ray Charles của Mỹ, Văn Vượng, Hà Chương, Nguyễn Thanh Bình của Việt Nam mà muốn trở thành một nhà sản xuất âm nhạc. Nói như người thầy của Thiện, Trần Bình Minh thì với những người khuyết tật như Thiện, Hoàng Chung, Minh Tú, Đức Quân, Thảo Xuân, Thảo Đan, Thanh Thảo, Quốc Thanh, An Như hay Mái ấm Đông Đô của họ nói chung, nếu họ không yêu thương nhau, giúp đỡ nhau thì đừng mong xã hội giúp đỡ họ. Đấy cũng là một cách thể hiện trách nhiệm của họ với xã hội bởi họ không chỉ biết nhận mà cũng phải biết cho đi, đóng góp một phần tài năng, công sức cho cộng đồng, cho xã hội.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vang-len-tu-bong-toi-post788926.html