Vàng vừa hồi giá sau báo cáo lạm phát Mỹ, SPDR Gold Trust đã xả ngay gần 3 tấn
Lực mua ở vùng giá tương đối thấp đã đưa giá vàng tăng trở lại sau khi giảm 2,6% trong phiên ngày thứ Hai...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Giá vàng thế giới hồi phục trên mốc 3.200 USD/oz trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (13/5), khi nhu cầu bắt đáy của một bộ phận nhà đầu tư giúp giá kim loại quý này không xuyên thủng mốc hỗ trợ quan trọng. Ngoài ra, triển vọng lãi suất giảm gia tăng cũng là một yếu tố quan trọng đưa giá vàng “xanh” trở lại sau phiên bán tháo dữ dội trước đó.
Lúc hơn 8h sáng nay (14/5) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 7,9 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, tương đương giảm 0,24%, giao dịch ở mức 3.243,3 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 102,1 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng qua.
Cùng thời điểm, website Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 25.750 đồng (mua vào) và 26.140 đồng (bán ra), giảm 10 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
Đóng cửa phiên ngày thứ Ba tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay đạt 3.251,2 USD/oz, tăng 24,5 USD/oz so với chốt phiên trước, tương đương tăng gần 0,8%. Giá vàng giao ngay trên sàn COMEX tăng 0,6%, đóng cửa ở mức 3.247,8 USD/oz.
Lực mua ở vùng giá tương đối thấp đã đưa giá vàng tăng trở lại sau khi giảm 2,6% trong phiên ngày thứ Hai. Vàng bị bán tháo trong phiên đầu tuần sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận tạm hoãn phần lớn thuế quan đối ứng áp lên hàng hóa của nhau trong vòng 90 ngày. Tâm lý ham thích rủi ro gia tăng đã khiến nhu cầu đối với những tài sản an toàn như vàng giảm sút.
“Giá vàng đã điều chỉnh mạnh vào ngày thứ Hai sau khi có tin Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận. Tuy nhiên, thuế quan 30% mà Mỹ áp lên Trung Quốc vẫn là một trở ngại đối với nền kinh tế nước này”, chiến lược gia Bart Melek của công ty TD Securities nhận xét.
Do Trung Quốc còn bị Mỹ áp thuế quan 30% và không ai dám chắc trong vòng 90 ngày “đình chiến”, hai bên có được một thỏa thuận để chấm dứt mâu thuẫn thương mại hay không. Bởi vậy, nhiều nhà đầu tư xem việc giá vàng giảm sâu là cơ hội để mua.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát tháng 4 ở nước này yếu hơn dự báo. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất 4 năm và thấp hơn mức dự báo tăng 2,4% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Sau khi số liệu trên được công bố, khả năng Fed cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7 tăng lên mức 32,5% - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME. Vàng là tài sản không mang lãi suất nên Fed càng sớm giảm lãi suất bao nhiêu thì sẽ càng có lợi cho vàng bấy nhiêu.
Tuy nhiên, giới đầu cơ hiện vẫn đang đặt cược nhiều hơn vào khả năng đến tháng 9 Fed mới bắt đầu hạ lãi suất, thay vì giảm trong tháng 6 hoặc tháng 7.

Diễn biến giá vàng thế giới 5 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
“Báo cáo CPI mang lại một chút lực hỗ trợ cho thị trường vàng, vì không phải là một báo cáo mang tới thêm lý do để Fed trì hoãn việc cắt giảm lãi suất”, nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của trang Kitco Metals nhận định trong một báo cáo.
Đồng USD giảm giá sau khi báo cáo CPI Mỹ được công bố, tạo thêm hỗ trợ cho giá vàng - tài sản được định giá bằng đồng bạc xanh. Chỉ số Dollar Index chốt phiên ngày thứ Ba ở mức 101 điểm, giảm từ mức 101,8 điểm của phiên trước. Sáng nay, chỉ số tiếp tục giảm, có lúc còn 100,9 điểm.
Quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng 2,6 tấn vàng trong phiên ngày thứ Ba, giảm khối lượng nắm giữ về mức 936,5 tấn vàng - theo dữ liệu từ website của quỹ. Hôm thứ Hai, khi giá vàng giảm sâu, quỹ mua ròng 1,2 tấn vàng. Trong vòng gần 1 tháng trở lại đây, xu hướng của quỹ là bán ròng, nhất là sau khi giá vàng lập kỷ lục trên 3.500 USD/oz trong tháng 4.