Vành đai 3 TP.HCM và thời khắc quyết định

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, các địa phương có Vành đai 3 TP.HCM đi qua vẫn đang nỗ lực để đảm bảo tiến độ chung. Đến tháng 1/2026, trước Đại hội Đảng toàn quốc sẽ thông xe kỹ thuật.

Vành đai 3 TP.HCM là dự án trọng điểm quốc gia, được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích về kinh tế - xã hội cho TP.HCM và khu vực Đông Nam bộ. Do đó dự án nhận được nhiều sự quan tâm của Trung ương, các địa phương trong vùng và từng được đánh giá là có tiến độ “thần tốc” trong triển khai. Hiện dự án này đang bước vào giai đoạn quyết định đến tiến độ chung nhưng vẫn đang khó khăn về nguồn cát. Các bên có liên quan vẫn đang nỗ lực quyết tâm, phấn đấu giữ nguyên tiến độ hoàn thành là thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 1/2026.

Chủ động mua cát để đảm bảo tiến độ

Dự án Vành đai 3 TP.HCM dài 76 km đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, quy mô 4 làn cao tốc cùng đường song hành, tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng. Trong đó, đoạn Vành đai 3 đi qua TP.HCM dài 47 km.

Toàn dự án gồm 10 gói thầu xây lắp, trong đó 4 gói thầu xây lắp chính khởi công hồi tháng 7/2023 đã đạt 22% tổng khối lượng; trong khi 6 gói thầu khởi công vào tháng 2/2024 đã đạt gần 10%.

Đến hết tháng 8/2024, TP.HCM phải đưa về 2 triệu m3 cát để đảm bảo cao độ cắm bấc thấm cũng như bắt đầu quá trình xử lý nền đất yếu (ảnh Hà An)

Đến hết tháng 8/2024, TP.HCM phải đưa về 2 triệu m3 cát để đảm bảo cao độ cắm bấc thấm cũng như bắt đầu quá trình xử lý nền đất yếu (ảnh Hà An)

Theo kế hoạch, đến cuối tháng 8/2024, TP.HCM phải đưa về 2 triệu m3 cát để đảm bảo cao độ cắm bấc thấm cũng như bắt đầu quá trình xử lý nền đất yếu. Phía chủ đầu tư cho biết, đến ngày 10/8, lượng cát đưa về các công trình mới chỉ đạt 800.000 m3 và các nhà thầu, đơn vị thi công đang nỗ lực để giải quyết bài toán hơn 1 triệu m3 cát còn lại.

Ông Phạm Đăng Huyên, đại diện liên doanh nhà thầu thi công gói thầu số 3 dự án Vành đai 3 trên địa bàn bàn TP Thủ Đức cho biết, để đảm bảo tiến độ thi công, nhà thầu đã chủ động tìm các nguồn cát, trong đó có cả cát từ Campuchia. Gói thầu này nhập cát từ nước bạn hơn một tháng qua và hiện nay lượng cát tạm thời vẫn đủ để bơm, xử lý các các vị trí đường song hành.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, hiện nay bài toán nguồn cát vẫn đang được nhà thầu, đơn vị thi công chủ động giải quyết để đảm bảo tiến độ chung.

Tín hiệu đáng mừng là sau các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các đoàn công tác Chính phủ và sự hỗ trợ, phối hợp của các địa phương, từ tháng 9/2024, 3 tỉnh miền Tây là Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long đã thực hiện cam kết và đang khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư hoàn tất thủ tục liên quan để từ tháng 9 bắt đầu cung cấp cát cho các công trường với tổng khối lượng đảm bảo khoảng 10 triệu m3.

Cụ thể, Tiền Giang sẽ cung cấp tổng cộng 6,6 triệu m3, Vĩnh Long là 1,4 triệu m3 và Bến Tre là 2 triệu m3 và tổng số cát cung cấp cho Vành đai 3 TP.HCM trong năm 2024 là gần 5 triệu m3.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, từ tháng 9/2024, cát về các công trường sẽ ổn định (ảnh Hà An)

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, từ tháng 9/2024, cát về các công trường sẽ ổn định (ảnh Hà An)

“Sau khi vượt qua tháng 8, nguồn cát chắc chắn sẽ đi vào ổn định và quá trình gia tải sẽ được bắt đầu. Bên cạnh việc đảm bảo cho công tác xử lý nền đất yếu thì chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cũng đã chuẩn bị các giải pháp xử lý kỹ thuật cục bộ tại những khu vực mà thời gian gia tải có thể kéo dài, có thể là điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật để giữ đúng tiến độ là 4 tháng cuối năm 2025 tập trung công tác xử lý sau gia tải và đảm bảo tổng tiến độ hoàn thành của dự án vẫn không thay đổi” - Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết.

Tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, khó khăn về nguyên vật liệu là 1 trong 3 khó khăn mà dự án Vành đai 3 TP.HCM đang gặp cùng với giải phóng mặt bằng ở 4 địa phương, trong đó nhiều nhất là ở Đồng Nai và tiến độ của một số hạng mục. Tuy nhiên, các địa phương có Vành đai 3 đi qua vẫn đang nỗ lực để đảm bảo tiến độ chung. Đó là đến tháng 1/2026, trước Đại hội Đảng toàn quốc sẽ thông xe kỹ thuật và quý II năm 2026 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án Vành đai 3.

Cần có giải pháp đột phá

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ĐHQG Hà Nội, hiện nay cả Trung ương và địa phương đang rất khẩn trương, giải quyết khó khăn về nguồn cát cho các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là Vành đai 3 TP.HCM.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, cần phải có những giải pháp đột phá hơn như giao cho các chủ đầu tư, nhà thầu chủ động đề xuất hoặc làm việc với các địa phương để nhanh chóng bổ sung quy hoạch về các mỏ đất thuận tiện và có thể phục vụ ngay lập tức cho các dự án giao thông thay vì chờ các địa phương.

“Cần có những phương pháp chủ động hơn, cho phép nhà thầu hoặc chủ đầu tư được quyền cùng phối hợp với địa phương để triển khai công tác quy hoạch; cũng như kết hợp với người dân hoặc các cơ sở ở địa phương để khai thác. Còn về dài hạn cũng nên có giải pháp để sử dụng các loại vật liệu mới, kể cả những giải pháp liên quan đến tro xỉ hoặc cát biển” TS Nguyễn Quốc Việt phân tích.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (ảnh Hà An)

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (ảnh Hà An)

Dự án Vành đai 3 TP.HCM đang ở giai đoạn quyết định và yêu cầu bắt buộc và phải tập kết đủ cát về các công trường để hoàn thành việc xử lý nền đất yếu, gia tải. Việc này thường tốn khoảng 10 – 12 tháng và bắt buộc phải hoàn thành đúng tiến độ, qua đó mới đảm bảo thông xe 4 làn chính vào tháng 1/2026. Do đó, quan trọng là tất cả các bên cần phải nỗ lực tối đa, không để dự án chậm về đích vì lý do thiếu cát.

Hà Khánh/VOV TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vanh-dai-3-tphcm-va-thoi-khac-quyet-dinh-post1115996.vov