Vào HTX để 'đi xa' với cây ca cao ở Ea Kar
Chất lượng tốt và được định giá cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế, cùng những khởi sắc mới đang tạo cơ hội để ngành hàng ca cao Đắk Lắk, trong đó có huyện Ea Kar, hồi sinh và phát triển. Đặc biệt, khu vực kinh tế hợp tác, nòng cốt là các HTX và tổ hợp tác, đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn, liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar Thái Đăng Đàm cho biết, giá ca cao hiện tăng gấp 3 lần so với những năm trước. Trung bình 1ha, nông dân thu được 400 - 450 triệu đồng, nên họ rất phấn khởi.
Bài học về tư duy sản xuất
Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk, cây ca cao có mặt ở Việt Nam khá sớm (khoảng cuối thế kỷ XIX), trong đó có Đắk Lắk. Nhưng mãi đến năm 2007, khi Dự án phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ được triển khai thì ca cao mới thực sự có chỗ đứng trên vùng đất bazan màu mỡ này. Đến nay, Đắk Lắk có khoảng 1.200ha và chất lượng ca cao được khẳng định bởi Tổ chức Ca cao Quốc tế (ICCO).

Đắk Lắk hiện có khoảng 1.200ha và chất lượng ca cao được khẳng định bởi Tổ chức Ca cao Quốc tế.
Tuy nhiên, cây ca cao rất khó phát triển mạnh mẽ như nhiều loại cây khác, bởi phải cạnh tranh với nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao. Có một giai đoạn dài, giá ca cao xuống thấp, sâu bệnh hại nhiều khiến người dân chặt bỏ bớt để trồng xen những cây trồng khác.
Tại Đắk Lắk, cây ca cao du nhập và được trồng thử tại huyện Lắk từ Dự án phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ do Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ thông qua Tổ chức ACDI/VOCA từ năm 2007.
Chỉ 5 năm đầu triển khai (2007 - 2011), dự án đã thu hút hơn 2.000 nông hộ tham gia, thành lập được 45 câu lạc bộ trồng ca cao và đã có hơn 240ha ca cao được trồng thuần tại các nông hộ. Thời gian đầu, cây ca cao sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất khá cao. Những vườn cây trĩu quả đã nhen nhóm niềm tin về một cuộc sống ấm no hơn cho người dân vùng đất lúa này.
Thế nhưng, sự bấp bênh của thị trường, giá ca cao trượt dốc đã nhanh chóng dập tắt ngọn lửa nhiệt huyết ban đầu của người nông dân. Tư duy sản xuất ngắn hạn, quen với việc thấy cây nào có giá thì đổ xô trồng lại trỗi dậy. Những vườn ca cao không được chăm sóc, tái đầu tư dần trở nên xơ xác, rồi bị chặt bỏ không thương tiếc để nhường chỗ cho những cây trồng có giá hơn ở thời điểm đó. Thống kê cho thấy, từ hàng trăm héc ta ban đầu, diện tích ca cao ở huyện Lắk chỉ còn 52ha, sản lượng năm 2024 đạt 92 tấn.
Từ thực tế trên cho thấy, câu chuyện "trồng - chặt" trong sản xuất nông nghiệp nói chung, cây ca cao nói riêng không chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần, mà còn là câu chuyện về tư duy sản xuất của người nông dân. Nó không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình mà còn tác động đến sự ổn định của cả nền nông nghiệp và sự phát triển bền vững của nông thôn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng điệp khúc “trồng - chặt" là một trong những thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của hàng triệu nông dân. Việc tìm ra giải pháp căn cơ cho vấn đề này là vô cùng quan trọng để nâng cao đời sống nông dân và phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Giữ vững niềm tin nhờ "điểm tựa" HTX
Khác với nhiều vùng trồng ca cao trong tỉnh Đắk Lắk, huyện Ea Kar nổi lên như một điểm sáng trên bản đồ ca cao Việt Nam. Không có cảnh "trồng - chặt" đầy bất ổn, nơi đây đang chứng kiến một cuộc "thức giấc" mạnh mẽ của cây ca cao, đặc biệt là hướng đi theo tiêu chuẩn hữu cơ, mang lại lợi nhuận "khủng" đến trên 300 triệu đồng/ha cho người nông dân liên kết.

Các HTX đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành hàng ca cao theo hướng bền vững.
Tiêu biểu như HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhất Tâm (xã Ea Đar) có 200 hộ dân cùng 150ha liên kết, với tổng sản lượng ước tính đạt 300 tấn hạt ca cao khô.
Đáng chú ý, không chỉ tập trung vào chế biến, HTX còn là cầu nối vững chắc với các doanh nghiệp sản xuất chocolate. Việc bảo đảm đầu ra ổn định giúp bà con nông dân yên tâm canh tác, không còn lo cảnh “được mùa mất giá”.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar cho biết, người dân Ea Kar vẫn đang duy trì chăm sóc diện tích ca cao trồng từ các dự án cách đây gần 20 năm.
Đặc biệt, trong khoảng 4 năm trở lại đây, do giá ca cao liên tục tăng, nông dân bắt đầu đi vào thâm canh, cũng như quản lý vườn ca cao tốt hơn, từ đó đẩy năng suất, giá trị vườn cây tăng lên.
Hiện nay, huyện Ea Kar có khoảng 1.000ha ca cao, trong đó có khoảng 600ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt từ 7 - 8 tấn hạt ướt/ha.
Huyện đã hình thành 4 HTX hỗ trợ kỹ thuật cũng như thu mua sản phẩm ca cao trực tiếp cho bà con. Tất cả đã cho thấy sự chuyển biến trong tư duy sản xuất, hướng đến sự bền vững và hiệu quả kinh tế lâu dài.
Theo đánh giá, tham gia HTX, nông dân ngày càng gắn bó hơn với nhau, cùng trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Đây là tiền đề để mở rộng vùng liên kết sản xuất theo hướng ổn định, bền vững, đồng thời cũng là nền tảng để HTX phát triển cả về năng lực và quy mô hoạt động.
“Hồi sinh” và phát triển bền vững
Hiện nay, giá ca cao tăng mạnh do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nguồn cung, giúp cây ca cao trở nên hấp dẫn hơn về mặt kinh tế. Nhờ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, năng suất và chất lượng ca cao tại Đắk Lắk đã được cải thiện đáng kể.
Chia sẻ sau khi vừa đem bán hạt ca cao tươi tại HTX ca cao Nhất Tâm (xã Ea Đar, huyện Ea Kar), nông dân Nguyễn Đức Thành bày tỏ sự phấn khởi vì giá bán đã tăng khoảng 4 lần trong vài năm qua, từ mức chỉ 20.000 - 30.000 đồng/kg hạt ướt lên đến 80.000 đồng/kg.
HTX Nhất Tâm hiện đang thu mua hạt ca cao tươi của nông dân trong vùng với cam kết về giá tối thiểu để nông dân yên tâm canh tác.
Giám đốc HTX Nguyễn Hồng Thương cho rằng, ngành hàng ca cao ở Đắk Lắk nói chung, huyện Ea Kar đang đứng trước cơ hội hồi sinh và lớn mạnh. Điều đó không chỉ bởi những tín hiệu tích cực trên thị trường thế giới, mà còn nhờ các doanh nghiệp, HTX đã tiến một bước dài trong đa dạng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường.
Nếu như trước đây, năng suất ca cao chỉ đạt khoảng 1,3 tấn hạt khô/ha, nay nhiều vườn đạt trên 2 tấn, có khi tới 3 tấn. Trước đây, sản phẩm ca cao đa số chỉ dừng ở hạt khô đã lên men và bột ca cao, nay nhiều doanh nghiệp đã chiết tách được bơ ca cao và chế biến được chocolate. Phần cơm ca cao chiếm 30% trọng lượng hạt ướt trước đây hầu như bỏ phí, nhưng nay được chế biến thành nước lên men hấp dẫn người tiêu dùng, giá bán có lúc đến 200.000 đồng/lít. Chất lượng tốt, chuỗi sản phẩm đa dạng đã giúp các doanh nghiệp, HTX có lợi nhuận khá, có nguồn lực để đầu tư bài bản hơn cho sản xuất, giúp mối liên kết nhà nông - doanh nghiệp - HTX trở nên bền vững, thực chất.
“HTX quan tâm tới tất cả các khâu, từ chăm sóc vườn cây, xử lý sâu bệnh hại và nâng cao năng suất. Cuối năm, HTX có tiền thưởng cho những bà con làm tốt. Hết mùa thu hoạch, HTX sẽ đi từng gia đình, nhất là những hộ có năng suất kém để hướng dẫn kỹ thuật, cho bà con vay phân, vay thuốc để sản xuất kịp thời vụ cho cacao đạt năng suất cao", Giám đốc HTX Nhất Tâm cho biết.
Đặc biệt, thời gian qua, chính quyền địa phương và các ban ngành chức năng của trung ương, của tỉnh cũng đã rất quan tâm đến phát triển các mô hình liên kết sản xuất ca cao theo chuỗi giá trị, sản xuất sạch, sản xuất tuần hoàn. Trong đó, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp và thông qua Liên minh HTX tỉnh có nhiều hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm chi phí, tiếp cận nguồn vốn, giới thiệu sản phẩm, nhất là trên các kênh thương mại điện tử, nền tảng số…
Sự phát triển của khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Đắk Lắk nói chung, huyện Ea Kar nói riêng. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Ea Kar giảm còn 5,79%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 6,38%, tương đương hơn 900 hộ. Năm 2025, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống dưới 3%; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 4-5%/năm; tại các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 6-8%/năm.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông tin, tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý chủ trương xây dựng Đề án phát triển ngành hàng ca cao, với mục tiêu là rà soát lại vùng trồng, các khâu từ sản xuất, chế biến đến thị trường, chính sách hỗ trợ. Trên cơ sở đó, các chuyên gia sẽ đánh giá và đưa ra giải pháp thúc đẩy ngành hàng ca cao phát triển một cách bền vững, bảo đảm ổn định đầu ra, giúp nông dân yên tâm canh tác và gắn bó lâu dài với loại cây trồng này.