Vào rừng hái quýt, nông dân đều tay kiếm vài chục triệu
Người dân huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) những ngày này đang đi hái quả quýt rừng, mang lại thu nhập cả chục triệu đồng.
Quýt rừng còn gọi (quýt hôi) là cây mọc tự nhiên ở trong rừng đặc dụng trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, có từ rất lâu đời.
Theo người dân địa phương, trước đây cây quýt mọc tự nhiên rất nhiều, do đặc trưng của quả quý này không ngọt, lại có mùi hăng hăng nên không ai vào hái quả. Qua thời gian, loại cây này dần bị thu hẹp diện tích. Đến nay, quýt rừng chỉ còn lác đác trong vườn rừng của các hộ dân.
Chị Ngân Thị Phiều, dân tộc Mường, bản Pà Ban (xã Thành Sơn), cho biết, trong khu rừng nhà chị rộng vài hecta có rất nhiều cây quýt mọc tự nhiên. Loại cây này có từ khi nào chị cũng không biết rõ, chị chỉ biết rằng lớn lên đã thấy.
“Trước chẳng ai quan tâm đến loại cây này, quả rụng xuống đất đỏ gốc. Mấy năm gần đây, cứ đến mùa, các thương lái đến mua về làm dược liệu, mang lại thu nhập cho người dân. Hiện gia đình tôi có khoảng 50 gốc cây, mỗi vụ cho thu nhập 20-30 triệu đồng”, chị Phiều chia sẻ.
Anh Hà Văn Phơi cho biết, nhờ có cây quýt rừng mà năm nào gia đình anh cũng có cái Tết sung túc.
Theo anh Phơi, cây quýt thường cho quả từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 1 năm sau. Quả quýt khi thu hoạch to bằng chén trà loại nhỏ, lúc chín ngả màu vàng cam, vỏ hơi sần sùi rất dễ bóc, giá bán dao động khoảng từ 15.000-20.000 đồng/kg.
Ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, thông tin, trên địa bàn huyện Bá Thước có khoảng 60ha quýt hôi, trong đó được trồng tập trung tại các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao, Cổ Lũng, Lũng Niêm.
Nhận thấy quả quýt hôi mang lại thu nhập cao cho người dân bản địa, UBND huyện đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Từ Liêm - Hà Nội) nghiên cứu, phục hồi và phát triển giống quýt hôi trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện đã lồng ghép các chính sách từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững, hỗ trợ cho nông dân cây giống, phân bón để phát triển cây quýt trên địa bàn.
“Những năm gần đây, nhờ chăm sóc tốt, mỗi năm 1ha quýt có thể cho sản lượng 6 tấn, thu nhập 90 triệu đồng/ha. Cá biệt, có một số vườn quýt sản lượng trên 10 tấn, cho thu nhập 150-180 triệu đồng/ha".
Đầu ra của quýt hôi đang được Công ty TNHH Puluong Cuisine thu mua để chế biến ra thành phẩm trà quýt hôi, đây là sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ông Khoa chia sẻ.