Về Bình Định nghe 'đặc sản' Hát Bội

Chịu ảnh chung bởi đại dịch Covid-19, trong một thời gian dài phải “ngủ đông” thật lâu, giờ đây di sản nghệ thuật Hát Bội (còn gọi là nghệ thuật tuồng Hát Bội) ở Bình Định đã được “sống lại” và vang vọng giữa những làng xóm, vùng biển… Nhạc điệu sân khấu của các đoàn gánh hát bội âm vang trong không gian cộng đồng, vì thế luôn cuốn hút người dân và khách du lịch.

Hát Bội Bình Định đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL ngày 25.8.2014. Nghệ thuật Hát Bội có từ thời Trần (1226 - 1399), thịnh hành ở khu vực miền Trung, đặc biệt là Bình Định. “Hát Bội” là lối hát có tám sân khấu đấu lưng nhau với các kép, nghệ sĩ tạo thành sân khấu tám mặt, hát chung một tuồng (vở) cùng lúc. Hướng Tây Bắc (thuộc cung Càn, tượng trưng cho Trời) dành cho vua, hoàng thân quốc thích và các quan đại thần thưởng lãm; các cửa sân khấu khác dành cho các hạng tùy tùng theo thứ bậc, phẩm hàm và cho thứ dân ai cũng được xem. “Bội” là gấp lên, nhân lên, để sân khấu trở thành tám tấm gương phản chiếu cuộc đời thực.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, trong đó có đoàn tuồng vẫn đang hoạt động, lưu giữ, trình diễn những vở Hát Bội cổ truyền. Ngoài ra, còn có 12 đoàn Hát Bội không chuyên, liên tục trình diễn và truyền dạy loại hình nghệ thuật truyền thống này cho các thế hệ trẻ.

Ở các vùng nông thôn, những nhóm hát bội thường xuyên trình diễn trong các sự kiện mang tính cộng đồng của làng, xóm hay các dịp hiếu hỉ của gia đình. Trải qua hàng trăm năm, Hát Bội vẫn được người dân Bình Định liên tục duy trì, thực hành và truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp.

Năm lên 13 tuổi, ông Nguyễn Ngọc Minh đã đi gánh Hát Bội truyền thống cùng gia đình. Nối nghiệp từ gia đình ngoại (ông tổ là Chánh Ca Đựng – Võ Đựng) và đam mê hát bội từ nhỏ, cho nên năm 1996 ông Minh đã gầy dựng, khôi phục lại cũng như thành lập đoàn Hát Bội không chuyên Phước An (do ông làm trưởng đoàn), thuộc huyện Tuy Phước. “Đoàn có 22 thành viên. Hằng năm, từ tháng Giêng đến tháng Tám âm lịch, thì đoàn thường xuyên đi gánh hát, lưu diễn nhiều nơi để phục vụ bà con. Có lúc, vào các tỉnh phía trong như Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận… để hát. Tuy nhiên, hát rộ nhất là từ tháng Giêng cho đến tháng Ba”, ông Minh chia sẻ.

Theo ông Minh, tùy theo sở thích của người dân từng vùng miền, có đêm hát vở tuồng truyện, tuồng đồ, tuồng tiểu thuyết… Những bài mà đoàn tuồng thường xuyên biểu diễn cũng như mà bà con yêu cầu đó là: Giọt lệ chung tình, Ngũ hổ bình nam, Ngọn lửa hồng sơn… Riêng tuồng sử thì chỉ dành các đoàn tuồng chuyên nghiệp biểu diễn tuyên truyền, còn đoàn không biểu diễn và người dân cũng không ưa chuộng lắm, vì thế chúng tôi không thực hiện.

Trong những ngày Miếu Bà ở khu vực 4, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn tổ chức lễ hội cầu ngư và có nghe thuê đoàn tuồng ở Phước An về hát ở miếu để phục vụ cho bà con trong 4 đêm, vì thế sau buổi cơm chiều chị Võ Thị Diễm thúc giục con cái ăn mặc khang trang để đi xem hát tuồng. Chị Diễm vui chia sẻ: Thuở nhỏ sống gần miếu, nên tôi rất thích và say mê nghe hát tuồng. Giờ đã lập gia đình, tôi muốn đưa các con đi nghe hát, để sau này các con thấm nhuần trong ca từ của các vở hát tuồng sẽ học được cách quan hệ gắn kết tình làng nghĩa xóm, yêu thương đùm bọc lẫn nhau…

Từ tháng Giêng đến tháng Tám âm lịch hằng năm, tại vùng nông thôn, vùng biển ở Bình Định, người dân thường tổ chức lễ hội cầu ngư, cúng thanh minh... đây là dịp để các nghệ thuật Hát Hội pho diễn kỹ năng cơ bản là hát và múa võ. Ca từ Hát Bội phản ánh tình cảm của con người, như: cha con, mẹ con và bạn hữu... Các tuồng Hát Bội thường có nội dung răn dạy, giáo dục lễ nghĩa, cách đối nhân xử thế, ca ngợi cái tốt đẹp, cao cả và phê phán thói hư, tật xấu. Hát Bội cũng được trình diễn trong các lễ hội, để cầu xin thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, gặp điều may mắn.

Hoài Hương (theo vanhoa.vn)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/79341/ve-binh-dinh-nghe-%E2%80%9Cdac-san%E2%80%9D-hat-boi.html