Về Châu Thành mùa nước nổi

Ai từng đến Châu Thành và đi thuyền trên sông sẽ cảm nhận nét đẹp thơ mộng ở hai bên bờ Vàm Cỏ Đông. Dọc theo miền đất này có những bến sông rất nổi tiếng đã đi vào lịch sử, như bến Tầm Long, Băng Dung, Gò Nổi, Lồ Cồ, Đồi Thơ…

Ngư dân trên rạch Xóm Khách.

Ngư dân trên rạch Xóm Khách.

Châu Thành là huyện thuộc phía Tây của tỉnh, gồm 1 thị trấn và 14 xã chia làm hai phần xấp xỉ nhau ở hai bờ tả hữu của sông Vàm Cỏ Đông. Chính vì địa thế như vậy, vào mùa mưa, một phần diện tích đất không nhỏ của Châu Thành bị chìm trong nước, cảnh tượng này không khác gì hình ảnh đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi.

Nếu tính diện tích đất tự nhiên, Châu Thành hiện có 580,9km2, tức là chỉ bằng một nửa diện tích của huyện Tân Châu cùng tỉnh. Nhưng trong quá khứ, Châu Thành là vùng đất vô cùng rộng lớn bao quanh trung tâm tỉnh lỵ, gồm cả Bến Cầu, Hòa Thành, Dương Minh Châu và cả Tân Biên, Tân Châu hiện nay.

Trước đây, Châu Thành vốn có tên là quận Thái Bình, từ năm 1942 đổi lại là Châu Thành, gồm 7 tổng, 33 làng. Từ sau năm 1975, diện tích huyện Châu Thành ổn định cho tới ngày hôm nay.

Xem trên bản đồ Tây Ninh (TL 1:70.000), ta thấy sông Vàm Cỏ Đông chảy dọc từ đầu cho tới cuối huyện. Nếu tính từ ngã ba Vàm Trảng Trâu, sông Vàm vốn đã nhận nước từ hai dòng lớn là Cái Bắc và Cái Cạy đổ vào, rồi tiếp theo lại nhận thêm nước từ rạch Sóc Om, rạch Nàng Dình và rất nhiều con suối khác, cho nên vào mùa mưa dòng chính và các dòng phụ đều tạo thành biển nước. Các xã chịu ngập lụt chủ yếu là các xã cặp ven hai bên bờ sông.

Lũ về, mang theo phù sa về cho đồng ruộng, tẩy đi mầm sâu bệnh và đặc biệt là đem về lượng tôm cá rất lớn. Nếu như trước mùa lũ, bà con ở đây chủ yếu trồng lúa, thì chuẩn bị mùa nước nổi, họ chuyển qua trồng các loại khác như bắp nếp, đậu xanh, dưa leo, cây công nghiệp ngắn ngày và các loại rau nước như nhút, sen, súng, điên điển... Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình chuyển từ nghề trồng lúa sang giăng lưới bắt cá, đặt lợp tép, vớt ốc… gọi chung là các nghề mưu sinh mùa nước nổi.

Ai từng đến Châu Thành và đi thuyền trên sông sẽ cảm nhận nét đẹp thơ mộng ở hai bên bờ Vàm Cỏ Đông. Dọc theo miền đất này có những bến sông rất nổi tiếng đã đi vào lịch sử, như bến Tầm Long, Băng Dung, Gò Nổi, Lồ Cồ, Đồi Thơ… Đứng trên cầu Phước Trung, nhìn hoàng hôn buông dần bên nước bạn, trong lòng khó mà ngăn được nỗi niềm hoài cảm về một cõi biên thùy, một cảm giác bồi hồi khó tả.

Châu Thành là huyện có rất nhiều di tích văn hóa như ngôi chùa Nam tông Khmer ở các xã Ninh Điền, Thành Long và Hòa Thạnh có lối kiến trúc rất đẹp, như chùa Svay có khu vườn mộ độc đáo, chùa Phụm Ma có hàng cây xoài cổ thụ rất lớn, che mát tượng Phật nằm sát đường vành đai biên giới, chùa Phước Quang thì mới xây dựng lò thiêu hoành tráng để phục vụ cho nghi lễ vòng đời cuối cùng của bà con Khmer.

Men theo đường 786 cặp rạch Tây Ninh ra tới vàm Cái Răng thuộc xã Thanh Điền. Hiện tại trong phạm vi xã Thanh Điền, giới nghiên cứu đã khai quật, phát lộ được tổng cộng 11 di tích đền tháp có niên đại thời văn hóa hậu Óc-eo. Di tích rõ nét và dễ thấy nhất là khu gò tháp chùa Cổ Lâm gồm nền móng tháp gạch, bàu vuông và khá nhiều tượng thần, các mảnh vỡ của biểu tượng yoni - linga.

Một điều đặc biệt là hệ thống di tích khảo cổ ở khu vực rất dày, khoảng cách mỗi điểm khai quật cách nhau chừng 500m. Điều đó cho thấy văn hóa Phù Nam hiện diện khá sớm ở vùng đất này.

Bên cạnh các di tích cổ xưa, về Châu Thành là về với vùng đất có nhiều địa chỉ đỏ như Rừng Cầy Hòa Hội - căn cứ của bộ đội Sivotha do Ngô Thất Sơn lãnh đạo, hay di tích Đồng Khởi ở xã Đồng Khởi.

Đặc biệt, Châu Thành đã đón nhận hai di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là “Địa điểm thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần” và “Địa điểm vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn”. Địa điểm thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần được thành lập vào ngày 3.2.1930, nay thuộc ấp Long Đại, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành.

Hoạt động của cơ sở Đảng Giồng Nần đã thức tỉnh tinh thần đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, từ đó dẫn đến sự ra đời và phát triển của các cơ sở Đảng khắp nơi trong tỉnh sau này.

Còn địa điểm vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn được hình thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là nơi đế quốc Mỹ chọn để xây dựng căn cứ quân sự loại lớn, vừa là hậu cần cho nhiều căn cứ khác như Đồng Pan, Thiện Ngôn, vừa là căn cứ chỉ huy tiền phương nhằm triệt phá căn cứ của cách mạng của ta.

Trước mưu đồ của đế quốc Mỹ, cuối năm 1965, Tỉnh ủy Tây Ninh chủ trương thành lập thế trận bao vây xung quanh căn cứ Trảng Lớn và tạo thành vành đai diệt Mỹ. Từ tháng 10.1965 đến tháng 4.1972, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tây Ninh đã lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng cách mạng toàn miền Nam làm thất bại âm mưu hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” của kẻ thù xâm lược.

Về Châu Thành mùa nước nổi để cảm nhận và thấu hiểu được cuộc sống của một bộ phận người dân nơi đây. Đó là những con người sống lênh đênh trên những chiếc xuồng nhỏ bé, những ngôi nhà chìm phân nửa ven sông, từ bao đời nay họ vẫn bám đất bám làng, tùy theo mùa nắng mưa mà bươn chải.

Đào Thái Sơn

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ve-chau-thanh-mua-nuoc-noi-a138258.html