Về đất tổ của nghề rối nước
Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 20 km, giữa không gian linh thiêng của chùa Thầy, múa rối nước vẫn sống động như thuở ban đầu - chân thật, gần gũi và đầy chất thơ dân gian.

Bà Nguyễn Thị Mùi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ rối nước Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. (Ảnh: Hương Giang)
Bà Nguyễn Thị Mùi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ rối nước Sài Sơn (huyện Quốc Oai) cho biết, múa rối nước là nghệ thuật truyền thống đã nở rộ trong cung đình từ thế kỷ XI và phổ biến ở các làng quê Việt Nam.
Tương truyền rằng, trên đường hành đạo, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã truyền dạy nghề múa rối nước cho nhiều vùng, trong đó có Thái Bình, Ninh Bình và đặc biệt là làng Ra (nay là làng Phú Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Khi đi qua làng Ra, bị thu hút bởi cảnh trí và tình yêu văn nghệ của người dân, thiền sư đã dạy họ nghệ thuật múa rối nước. Ông cũng để lại cho dân làng ba mẫu ruộng để duy trì nghề. Sau mỗi vụ cấy gặt, người dân biểu diễn múa rối nước như một trò vui dân gian trong giai đoạn nông nhàn.
Ngày nay, không chỉ riêng Phường rối nước làng Ra, mà Câu lạc bộ rối nước Sài Sơn cũng có vinh dự biểu diễn tại Thủy đình trước chùa Thầy. Nơi đây được xem là cái nôi của nghề múa rối nước, ghi dấu công lao của thiền sư Từ Đạo Hạnh với loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo.
Sức mạnh từ tình yêu
Theo bà Nguyễn Thị Mùi, luyện tập múa rối trên cạn đòi hỏi rất nhiều công sức, nhưng khi xuống nước, mức độ khó khăn lại tăng lên gấp bội.
Người điều khiển con rối phải khéo léo để giữ cho sào cân bằng, đồng thời điều khiển những sợi dây phức tạp sao cho con rối có thể ngụp lặn, vui đùa và phun nước một cách tự nhiên.
Không chỉ dừng lại ở việc điều khiển con rối, người biểu diễn còn phải di chuyển nhịp nhàng, phối hợp từng động tác ra vào sao cho khớp với lời ca, tiếng nhạc. Đây là quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và công phu luyện tập. “Mùa Đông lạnh buốt là lúc vất vả nhất vì phải ngâm mình dưới nước”, bà Mùi chia sẻ. Nhưng với bà, mỗi lần biểu diễn là một lần được tiếp thêm sức mạnh từ tình yêu nghề và lòng tự hào với văn hóa truyền thống của quê hương. Đó cũng là cách để bà tiếp nối di sản, góp phần giữ gìn tín ngưỡng văn hóa được thiền sư Từ Đạo Hạnh khơi nguồn và trao truyền qua bao thế hệ.
Chung mong muốn gìn giữ nghề tổ như bà Nguyễn Thị Mùi, ông Nguyễn Văn Mộng, diễn viên Câu lạc bộ rối nước Sài Sơn, đã theo học múa rối nước tại Nhà hát múa rối Thăng Long từ năm 2014. Ngoài các dịp lễ hội chùa Thầy, từ tháng 10/2024, đoàn rối Sài Sơn của ông biểu diễn định kỳ ba buổi mỗi tuần tại Thủy đình giữa hồ Long Trì, phục vụ người dân và du khách.
Với các nghệ nhân như ông Mộng, việc giữ nghề không chỉ là lưu giữ loại hình nghệ thuật dân gian, mà còn là cách gìn giữ một phần di sản văn hóa dân tộc cho thế hệ sau. Theo ông, người theo nghề múa rối nước cần có tình yêu đặc biệt, bởi nếu không đặt trọn tâm huyết để “thổi hồn” vào từng con rối, khiến chúng sống động và có thần, thì khó tạo được một tiết mục thành công.
Đến nay, nghệ thuật múa rối vẫn lưu giữ những nét đẹp truyền thống dân gian, nhưng cũng không ngừng được sáng tạo thêm với những tích trò mới gắn liền với văn hóa Việt Nam.

Tiết mục rước kiệu tại Thủy đình giữa hồ Long Trì, chùa Thầy, Hà Nội. (Ảnh: Hương Giang)
Ngoài những tiết mục câu ếch, múa phượng, chăn trâu, bắt cá thường thấy, gần đây có trò rước kiệu với hơn mười con rối nhưng chỉ cần một người điều khiển chính, hay tiết mục Lê Lợi trả gươm thần cũng chỉ có hai người biểu diễn.
Hiện nay, nghề múa rối nước đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong việc bảo quản và sửa chữa các con rối. Theo thời gian, con rối bị mục nát và việc tìm mua rối mới không hề dễ dàng, vì loại gỗ sung dùng để làm rối ngày càng hiếm. Trong quá trình làm nghề, không ít lần ông Mộng phải dành cả ngày sửa chữa một con rối bị gãy đầu để kịp cho tiết mục trình diễn.
Ông còn trăn trở về việc truyền nghề cho thế hệ trẻ ngày nay: “Bây giờ các con cháu đi làm ở công ty nhiều, nên việc truyền nghề cũng rất khó. Tôi năm nay đã 61 tuổi, cũng không biết mình còn giữ được nghề bao lâu nữa”.
Đậm hồn dân tộc
Hơn 60 năm qua, ông Lê Anh Tuấn, dân làng Sài Sơn, hiếm khi bỏ lỡ các buổi biểu diễn múa rối nước truyền thống mỗi dịp hội chùa Thầy.
Với ông, nghệ thuật múa rối nước ngày nay tuy được làm sinh động hơn, nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc cổ truyền, phản ánh đời sống lao động bình dị qua những tích trò như đi cấy, giã gạo, bắt cá...
“Múa rối ở chùa Thầy luôn có hồn hơn. Những nơi khác chỉ dựng sân khấu để diễn, còn ở đây, trong không gian hồ nước và cảnh chùa linh thiêng, tôi mới cảm nhận được sự gần gũi và chân thật đến thế”, ông Tuấn bày tỏ.
Cũng như ông Tuấn, nhiều du khách lần đầu trải nghiệm múa rối nước tại chùa Thầy đều mang theo ấn tượng khó quên. Chị Cao Thiên Thanh, từng xem rối nước ở nhiều nơi tại miền Bắc, chia sẻ cảm xúc khi được chiêm ngưỡng một buổi diễn trên thủy đình lớn giữa hồ Long Trì: “Tôi từng giới thiệu múa rối cho bạn bè quốc tế. Ai cũng hào hứng khi được biết về các tích trò như sự tích Hồ Gươm hay nhân vật chú Tễu – người dẫn chuyện dí dỏm như MC thời nay”.
Chị Thanh cho rằng để nghệ thuật truyền thống hòa mình vào thời đại, cần sự kết hợp sáng tạo giữa cốt truyện xưa với cách thể hiện hiện đại. Những thử nghiệm kết hợp nhạc tuồng, chèo với nhạc điện tử đang mở ra hướng đi mới, mang đến sắc thái tươi mới mà vẫn giữ được tinh thần dân gian.

Các bạn nhỏ thích thú xem biểu diễn múa rối nước. (Ảnh: Phương Thảo)
Là người trẻ lần đầu được thưởng thức múa rối nước, Nguyễn Thị Tú Anh, sinh viên Đại học Thủ đô Hà Nội không giấu sự thích thú: “Những hoạt cảnh chăn trâu, bắt cá trên mặt nước giúp tôi hình dung rõ nét hơn đời sống của nông dân xưa. Lần sau chắc chắn tôi sẽ rủ bạn bè cùng đến xem”.
Tú Anh cũng đề xuất thêm, ngoài các dịp lễ hội, múa rối nước có thể được đưa vào trường học thông qua các workshop, ngoại khóa để giới thiệu về các nhân vật rối và các tích trò cổ. Theo cô, đó là cách hiệu quả để nghệ thuật dân gian này tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ và cộng đồng.
Nghệ thuật múa rối nước tại chùa Thầy không chỉ là phương thức giải trí, mà còn là một di sản quý báu đậm đà bản sắc văn hóa dân gian Việt Nam. Mỗi tiết mục là một mảnh ký ức quê hương, là tình yêu và tâm huyết của những người giữ lửa nghề, để từ mặt sóng Thủy đình, hồn dân gian mãi ngân vang.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ve-dat-to-cua-nghe-roi-nuoc-310719.html