Vé để lên ngay con tàu 4.0
Khi Giáo sư Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đến Việt Nam hồi cuối tháng Bảy vừa rồi, ông nhận được câu hỏi từ một phóng viên: Liệu robot thông minh có cướp đi việc làm của con người?
Đó là một câu hỏi gây ám ảnh nhân loại. Cách đây 80 năm, khi người máy đầu tiên được phát minh, câu hỏi đó đã từng được gây xôn xao trên báo chí quốc tế; và nay khi cách mạng 4.0 bùng nổ trên quy mô toàn cầu, nó được lặp lại ở mức độ dồn dập hơn, không chỉ ở Việt Nam.
Khi cách mạng 4.0 bùng nổ trên quy mô toàn cầu, nó được lặp lại ở mức độ dồn dập hơn, không chỉ ở Việt Nam.
Với giáo sư, câu hỏi đó không phải lần đầu ông đối diện. Ông kể, bản thân Tổng thống Obama cũng từng đặt ra chủ đề như vậy với Hội đồng cố vấn và bày tỏ băn khoăn về các tác động tiêu cựu của trí tuệ nhân tạo (AI) với nền kinh tế và xã hội, bên cạnh những hứa hẹn cho nền kinh tế Mỹ.
“Tôi nói rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ làm thay công việc cụ thể của con người. Đã 80 năm trôi qua, con người chúng ta vẫn còn rất nhiều việc làm. Thực tế, ở hầu hết các nơi có khoảng 95% người muốn làm việc đang có việc làm”, giáo sư trả lời.
Ông lý giải, công nghệ có khả năng thay thế một vài kỹ năng và thay đổi nhiều công việc, nhưng đồng thời chính nó cũng tạo ra những công việc mới.
“Nó khiến cho con người giàu hơn nhưng không hề làm giảm số lượng công việc. Tôi nghĩ rằng nó khiến chúng ta tốt hơn và được trả nhiều tiền hơn”, ông nói.
Song, một khi trí tuệ nhân tạo trở nên quá thông minh, liệu nó có thể có tác dụng ngược, ví dụ như chiếm kho vũ khí để tấn công con người? Ông nói: “AI ko hẳn như vậy, AI không hoàn hảo, và con người cũng vậy. Con người chúng ta cũng gây ra tai nạn, tạo ra vũ khí, tiến hành chiến tranh…”
Giải đáp của Giáo sư có làm giảm đi mối lo chung đó? Thật khó mà có lời nhận xét thuyết phục. Tuy nhiên, cách mạng 4.0 vẫn đang trở thành xu hướng lan tràn trên thế giới với nhiều lời hứa hẹn.
Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 tổ chức gần đây, bày tỏ mong muốn đó. Ông nói: “Với tinh thần của người Việt Nam, chúng ta sẽ nhanh chóng nắm bắt cơ hội bước lên con tàu cách mạng công nghiệp 4.0”.
Thủ tướng cũng khẳng định cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự là cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh và sẽ “biến khát vọng thành hành động và kết quả cụ thể”.
Hiện nay, các bộ, ngành đang cử nhiều nhà quản lý, chuyên gia thiết kế các chương trình ứng dụng cho cơ quan mình, điều mà gần 20 năm trước, người ta đã làm với phòng trào gọi là “kinh tế tri thức”.
Trong nỗ lực chung đó, hồi tháng Tư năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dẫn đầu một đoàn quan chức sang Washington để tìm hiểu cách người Mỹ đang làm gì với cuộc cách mạng này.
Ông Dũng đang mang một sứ mệnh khi Bộ này được giao xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng 4.0 để thể hiện khát vọng như Thủ tướng nói.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh kể lại, khi gặp Giáo sư Jason Furman và nhiều trí thức Mỹ khác, ông Dũng đặt một câu hỏi: “Trong bối cảnh Việt Nam đứng phía sau của cuộc Cách mạng 4.0, thì chúng tôi cần làm gì, có chiến lược gì để bắt kịp với cuộc cách mạng đó”.
Ông Dũng nêu câu hỏi then chốt đó, rồi khẳng định, cuộc cách mạng này là cơ hội mà nếu không tranh thủ nắm bắt thì Việt Nam sẽ còn tụt hậu.
Không rõ những trí thức khác của Mỹ đưa ra lời khuyên gì, nhưng Giáo sư Furman có quan điểm riêng, rất đơn giản mà hiệu quả.
Nhìn về phía Thứ trưởng Mạnh và nhiều nhà hoạch định chính sách khác của Việt Nam trong một cuộc tọa đàm ở Hà Nội gần đây, Giáo sư chia sẻ: “Bài học đầu tiên là chính quyền Mỹ không làm gì cả. Họ không tạo ra tổ chức (nhà nước) nào để chỉ bảo doanh nghiệp được làm cái này, không được làm cái kia. Vì thế, khu vực tư nhân Mỹ đóng vai trò tiên phong trong thúc đẩy AI”.
Và Chính phủ cần tạo ra những nghiên cứu, ứng dụng mang tính nền tảng xương sống, ví dụ như Internet.
Ông khuyên Việt Nam: “Không nên làm gì cả, cứ để khu vực tư nhân đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt”. Nếu làm thì chỉ đảm bảo về luật pháp, đảm bảo quyền riêng tư của công dân,…
Quyết tâm
Thứ trưởng Lê Quang Mạnh chia sẻ quan điểm này của Giáo sư Furman. Ông nói: “Vai trò của Chính phủ là xây dựng môi trường cho cách mạng 4.0, còn người chơi chính phải là cộng đồng doanh nghiệp. Họ là cộng đồng sáng tạo lớn nhất”.
GS Jason Furman khẳng định, Chính phủ cần đột phá đi tiên phong trong việc xây dựng nền kinh tế sáng tạo mà trọng tâm là xây dựng chính phủ số, hay nền hành chính không giấy tờ.
Ông nói, cần khơi dậy mọi nguồn lực, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp bình đẳng tham gia xây dựng các dự án trí thông minh nhân tạo. Khi phát triển các sản phẩm ứng dụng trí thông minh nhân tạo nên áp dụng các thuật toán thông minh, công nghệ blockchain.
Việt Nam nên tận dụng lợi thế là nước láng giềng Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam là bàn đạp vào thị trường 15 tỉnh từ sông Trường Giang (Dương Tử), Thượng Hải về phía Nam với thị trường 850 triệu dân và là khu vực phát triển mạnh nhất của Trung Quốc; đồng thời Việt Nam cũng là bàn đạp vào thị trường Đông Nam Á.
Vì vậy, Việt Nam cần đàm phán với Trung Quốc mở cửa thị trường bằng cách chủ động tạo môi trường hấp dẫn các công ty Mỹ, Nhật Bản, Anh, Úc, Canada triển khai thử nghiệm các sản phẩm dịch vụ ứng dụng trí thông minh nhân tạo và từ Việt Nam sẽ làm bàn đạp vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, với nhiều nhà kinh tế như ông Trần Đình Thiên, không dễ để “lên ngay” chuyến tàu 4.0.
Ông kể trong một cuộc hội thảo, khi được lấy ý kiến về khả năng của Việt Nam có “lên tàu” được không, thì các doanh nghiệp, mà nhiều trong số đó liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam cho rằng, có đến 70-80% cơ hội là không theo kịp.
Ông nói, trong lịch sử, Việt Nam đã vài lần lỡ nhịp với các cuộc cách mạng công nghệ. Lần thứ nhất là năm 1976 khi đất nước vừa thống nhất, chủ trương “cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt” được đặt ra nhưng đến năm 1996, mọi thứ không có gì. Lần thứ hai là năm 1996, “phát triển kinh tế tri thức” được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng nhưng rồi, “mọi thứ lại lụi dần”.
Tuy nhiên, ông khẳng định cách mạng 4.0 chắc chắn sẽ tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, an ninh – quốc phòng, cạnh tranh phát triển; và vì thế, Việt Nam nên tận dụng cơ hội này.
Ông Nguyễn Chí Dũng trong lần gặp gỡ các nhà khoa học Mỹ hồi tháng Tư vừa rồi, cũng khẳng định, Chính phủ coi cách mạng 4.0 là giải pháp để giải quyết các vấn đề hiện nay của đất nước. “Chúng tôi coi đây là giải pháp chủ đạo cải cách mô hình kinh tế của Việt Nam hiện nay”.
Nhưng liệu quyết tâm đó có đảm bảo một vé để lên tàu?
Lan Anh – Tư Giang