Về Đồng Tháp trải nghiệm các màn trình diễn sen độc đáo
Đại cảnh trưng bày 100.000 chậu sen đang khoe sắc cùng dòng sông sen; trưng bày bản đồ từ sen lớn nhất Việt Nam cùng màn diễu hành áo dài sen với sự tham gia của 5.500 phụ nữ Đồng Tháp tạo nên không gian trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách tại lễ hội sen Đồng Tháp lần 2.
Tối ngày 16/5,tại TP Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức khai mạc lễ hội sen Đồng Tháp lần 2 năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc sen” nhằm tôn vinh hoa sen, phát huy giá trị văn hóa - kinh tế, thúc đẩy phát triển ngành hàng sen gắn với phát triển du lịch…
Bản đồ sen lớn nhất Việt Nam được trưng bày tại lễ hội sen Đồng Tháp lần 2.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, sự kiện được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, diễn ra đến hết ngày 19/5, Đây cũng là sự kiện có số lượng hoạt động là nhiều nhất trong các kỳ lễ hội của địa phương từ trước đến nay, với 30 hoạt động bao gồm hội thảo quốc tế về sen; hội thảo nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp; không gian trưng bày sen quốc tế; dòng sông sen.
Trong khuôn khổ sự kiện còn có hội thi ẩm thực các món ăn chế biến từ sen; phố ẩm thực sen; diễu hành xe cổ; lễ hội Carnival sen và chương trình nghệ thuật “giai điệu tuổi trẻ đất Sen hồng”; hội thi thời trang sen; triển lãm ảnh nghệ thuật, tranh và gốm Nam bộ chủ đề sen Đồng Tháp; Trekking đi giữa mùa sen- Tràm Chim; tour du lịch trải nghiệm sen; không gian sáng tạo, trải nghiệm chủ đề sen; hoạt động bích họa sen…
Du khách tham quan gian trưng bày các sản phẩm lầm từ sen.
Người dân địa phương check-in cùng với hoa sen bên thềm lễ hội (Ảnh: Minh Thi).
Cùng với đó là hội chợ công thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Đồng Tháp năm 2024, với 289 gian hàng của các tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, vào ngày 7/5 vừa qua, tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, Công ty cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt đã tổ chức lễ xuất khẩu 15 tấn củ sen cấp đông sang thị trường Nhật Bản với trị giá khoảng 980 triệu đồng.
UBND tỉnh cũng cho biết, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 1.800 héc ta diện tích sản xuất, với sản lượng hơn 1.500 tấn sản phẩm/năm. Sen được trồng rộng khắp các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp, nhưng tập trung nhiều ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành, Tân Hồng và Tam Nông.
Sen là sản phẩm đặc thù gắn với thương hiệu tỉnh Đồng Tháp, có giá trị kinh tế cao và tiềm năng để phát triển du lịch. Sen là một trong các ngành hàng chủ lực nằm trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Hiện địa phương có hơn 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ sen, có 56 sản phẩm OCOP làm từ sen, 4 sản phẩm từ sen được chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Made in Dong Thap”.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa.
Phát biểu trong đêm khai mạc lễ hội sen lần 2, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, lễ hội lần này là một bước tiến mới trên hành trình xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch, đưa sản phẩm Sen Đồng Tháp vươn lên tầm cao mới. Có thể nói, đây là sự kiện được đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước yêu mến, đón đợi và mong về.
“Người dân, du khách về với lễ hội để không chỉ được đắm mình trong không khí lễ hội vui tươi, rộn ràng mà còn bị cuốn hút bởi thiên nhiên xinh đẹp, ngỡ ngàng với những cánh đồng sen đang vào mùa nở rộ, rực rỡ nhất trong năm.
Cùng với chương trình nghệ thuật đặc sắc, mãn nhãn trước đại cảnh trưng bày 100.000 chậu sen đang khoe sắc cùng dòng sông sen, không gian giới thiệu sản phẩm, trưng bày sen quốc tế, triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật rực rỡ sắc sen…”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói.