Về làng Quan Tử

Bên bờ Lô giang xưa có một ngôi làng cổ tên gọi Quan Tử. Người làng Quan Tử nổi tiếng gần xa bởi tinh thần hiếu học, trong làng có nhiều người đỗ đạt khoa cử, ra làm quan phụng sự triều đình. Phát huy truyền thống cha ông, ngày nay, con cháu làng Quan Tử luôn đặt sự học làm trọng, nỗ lực rèn đức, luyện tài để góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Làng tiến sĩ

Làng Quan Tử vốn có tên là làng Gốm, thuộc xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Với ưu thế “cận giang”, người dân làng Gốm từ xưa đã giỏi việc giao thương, buôn bán. Về sau, do làng có nhiều người học hành đỗ đạt làm quan nên đổi thành Quan Tử.

Cụ từ đền Quan Tử giới thiệu cho các em học sinh về lịch sử của ngôi đền, truyền thống hiếu học của làng được lưu truyền qua các thế hệ. Ảnh: Kim Ly

Cụ từ đền Quan Tử giới thiệu cho các em học sinh về lịch sử của ngôi đền, truyền thống hiếu học của làng được lưu truyền qua các thế hệ. Ảnh: Kim Ly

Truyền thống hiếu học của làng khởi nguồn từ thời vua Trần Thái Tông. Khi ấy, ở làng Cam Lộ, huyện Giáp Sơn, tỉnh Hưng Yên có người thanh niên tên Đỗ Khắc Chung có tài văn võ, học hành rất thông minh.

Đỗ Khắc Chung đi chu du khắp nơi, khi đến Sơn Đông thấy đất đai trù phú, phong cảnh hữu tình nhưng người dân ít học hành nên quyết định ở lại mở trường dạy chữ cho con em trong làng. Qua vài năm, trình độ của dân cư trong làng được nâng lên rõ rệt, danh tiếng của thầy Đỗ Khắc Chung truyền đi khắp nơi.

Về sau, thầy Đỗ Khắc Chung ra làm quan, lập nhiều công trạng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai nên được vua Trần Nhân Tông ban quốc tính thành Trần Khắc Chung và được phong chức Đại Hành Khiển.

Từ khoa thi Quý Dậu, niên hiệu Thái Hòa thứ 11 đến khoa thi Tân Sửu, niên hiệu Quảng Hòa, làng Gốm đã có 12 tiến sĩ. Đến thời vua Lê Trung Hưng thì số cử nhân, tú tài của làng rất nhiều. Từ đó, làng đổi tên thành Quan Tử và suy tôn thầy Đỗ Khắc Chung thành Thành Hoàng làng, lập miếu thờ vào năm Cảnh Tự thứ 3 (1665).

Hiện miếu đã được trùng tu, tôn tạo thành đền, gọi là đền Quan Tử hay đền thờ Đỗ Khắc Chung. Trong đền còn lưu giữ tấm bia đá ghi danh 12 vị đỗ đại khoa của làng Quan Tử. Đền thờ Đỗ Khắc Chung là biểu tượng về tinh thần hiếu học của dân làng Quan Tử được truyền từ đời này qua đời khác.

Tiếp nối truyền thống

Ngày nay, các thế hệ con em làng Quan Tử tiếp nối truyền thống cha ông, học tập chăm chỉ, trở thành người có tài, có đức, góp sức xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, hùng cường.

Các em học sinh dâng hương tưởng nhớ công lao của thầy giáo Đỗ Khắc Chung đối với dân làng Quan Tử. Ảnh: Kim Ly

Các em học sinh dâng hương tưởng nhớ công lao của thầy giáo Đỗ Khắc Chung đối với dân làng Quan Tử. Ảnh: Kim Ly

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Sơn Đông Nguyễn Quang Lâu cho biết: "Tỷ lệ học sinh khá, giỏi của làng Quan Tử luôn đứng đầu trong xã. Năm nào, làng cũng có học sinh thi đỗ vào các trường đại học. Hiện nay, làng có 14 tiến sĩ đang sinh sống, công tác ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, giữ nhiều cương vị quan trọng tại các cơ quan, đơn vị, có nhiều đóng góp trong nhiều lĩnh vực.

Làng thành lập và duy trì quỹ khuyến học, vận động các gia đình đóng góp kinh phí để tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài. Vào dịp đầu năm học mới, làng tổ chức tuyên dương các em học sinh giỏi, học sinh thi đỗ vào các trường đại học, học sinh nghèo vượt khó.

Các học sinh được tuyên dương sẽ được vào đền Quan Tử để thực hiện nghi thức dâng hương, tưởng nhớ công ơn của thầy giáo Đỗ Khắc Chung. Tại đây, các em được nghe cụ từ giới thiệu về lịch sử của ngôi làng, truyền thống hiếu học của làng Quan Tử và báo cáo thành tích học tập của mình lên Thành Hoàng làng để được ngài chứng giám".

Ở làng Quan Tử có nhiều gia đình, dòng họ hiếu học, các bậc cha mẹ cố gắng làm lụng, tần tảo nuôi các con ăn học thành người. Vợ chồng anh Trần Văn Quang có 2 người con trai, cháu lớn đang học đại học, cháu nhỏ học THPT.

Tuy kinh tế gia đình không mấy dư dả, song, anh Quang luôn đầu tư cho việc học tập của các con; động viên, khích lệ các con nỗ lực vươn lên trong học tập để trở thành người có ích cho xã hội.

Không chỉ khuyến khích các con học tập, anh Quang cũng rèn cho mình thói quen học tập hằng ngày thông qua việc đọc sách, báo để tích lũy kiến thức, đồng thời, làm tấm gương cho các con noi theo.

Không chỉ ham học, người dân Sơn Đông còn cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Ngày nay, Sơn Đông là một trong những địa phương phát triển mạnh các ngành nghề thương mại, dịch vụ, vận tải đường thủy, đem lại nguồn thu nhập khá và ổn định cho các hộ dân.

Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Chu Văn Thanh cho biết: "Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo làng Quan Tử ngày nay có nhiều đổi mới, song những giá trị truyền thống của ngôi làng cổ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.

Truyền thống hiếu học ở làng Quan Tử như mạch nguồn chảy mãi. Con cháu làng Quan Tử luôn tự hào về truyền thống hiếu học của cha ông, gắng sức học tập tốt, lao động giỏi, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh".

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/78255/ve-lang-quan-tu.html