Về miền đất cổ Lam Kinh
Về với xứ Thanh, về với miền đất cổ Lam Kinh, du khách sẽ nghe những câu chuyện về một triều đại phong kiến hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - cái nôi của khởi nghĩa Lam Sơn; nơi phát tích dòng họ Đế vương có công bình Ngô giữ nước. Nơi đây còn được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt với nhiều ý nghĩa, giá trị lịch sử - văn hóa thiêng liêng.
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây, nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, với diện tích 140 ha, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do người anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo vào mùa xuân năm 1418 và giành thắng lợi năm 1427. Ngày 15 tháng giêng năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra một vương triều thịnh trị, hưng vượng bậc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.
Vào thăm Khu di tích, du khách sẽ đi qua cây cầu được bắc qua sông Ngọc với hình cánh cung dẫn vào khu trung tâm chính điện Lam Kinh.
Giếng Ngọc có kích thước lớn với thành giếng được làm bằng đá.
Trước khi vào khu chính điện, du khách đi qua Ngọ môn.
Du khách đến thăm quan tại sân Rồng.
Sân Rồng trước Chính điện có chiều rộng gần 4.000m2.
Chính điện gồm 3 tòa điện lớn, xây trên nền đất rộng, theo kiểu kiến trúc hình chữ công, gồm 3 tòa nhà lớn là Quang Đức, Sùng Hiếu, Diên Khánh. 5 tòa Thái Miếu được xếp theo hình cánh cung ôm lấy Chính điện Lam Kinh, được phục hồi, tôn tạo theo kiến trúc thời Lê bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài.
Chính điện nhìn từ trên cao.
Bên trong Chính điện và các Thái miếu đều có bàn thờ, lư đồng và những vật dụng dành cho vua được phục chế lại, tất cả toát lên sự uy nghiêm, cổ kính.
Đầu rồng được các nghệ nhân chạm trổ tinh xảo sơn son thếp vàng.
Nét chạm trổ tinh xảo.
Nhiều họa tiết hoa văn được chạm khắc tinh xảo.
Tòa Chính điện và Thái miếu được phục dựng chủ yếu bằng gỗ Lim.
Lăng vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng. Vĩnh Lăng được chọn đặt trên một thế đất rất đẹp, phía trước có minh đường rộng rãi và tiền án là núi Chúa, phía sau có gối tựa là núi Dầu, hai bên tả, hữu có hai dãy núi tạo thế hổ phục long chầu. Trước lăng có hai hàng tượng quan hầu và tượng các linh vật (gồm bốn cặp ngựa, nghê, tê giác, cọp) tạc bằng đá để trấn trạch. Giữa hai hàng tượng chầu vào là một lối đi rộng hơn hai mét gọi là thần đạo.
Nhà bia Vĩnh Lăng, nơi lưu giữ tấm bia lớn nhất cả nước, được công nhận là bảo vật quốc gia. Bia mô tả thân thế, sự nghiệp công lao của vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi biên soạn.
Về miền đất cổ Lam Kinh du khách được trải nghiệm về sự kỳ thú của cây ổi cười.
Du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, khí hậu mát mẻ tạo cảm giác thư thái.
Dòng sông Chu hiền hòa, thơ mộng cạnh khu di tích.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-voi-xu-thanh/ve-mien-dat-co-lam-kinh/120793.htm