Về Mường Bi xem hội

Được lời mời của anh bạn, Tết Nguyên đán xong, chúng tôi ngược sông Đà lên vùng đất cổ Mường Bi chơi xuân và xem lễ hội khai hạ vào ngày mùng bẩy tháng giêng của đồng bào nơi đây. Trên đường du xuân ấy, tôi chợt nhớ đến câu nói của người xưa về đất Mường ở tỉnh Hòa Bình: 'Nhất Bi, nhì Vang tam Thàng, tứ Động'.

Du khách lưu niệm bên gian hàng của đồng bào Mường Bi

Du khách lưu niệm bên gian hàng của đồng bào Mường Bi

Mường Bi ở huyện Tân Lạc, Mường Vang ở huyện Lạc Sơn, Mường Thàng ở huyện Cao Phong, Mường Động ở huyện Kim Bôi. Và kiểm đếm lại, thấy rằng, Mường Động mình hay đến, ba mường còn lại thì chỉ đi qua thôi còn dừng chân thăm thú thì hình như chưa có lần nào.

Nhớ lại những lần về Kim Bôi, tôi thấy Mường Động có nhiều cảnh đẹp, non nước hữu tình, duyên dáng nên thơ như thế và chợt nghĩ mường đứng thứ tư mà vậy thì hẳn mường đứng đầu tiên, mình sắp tới chắc sẽ phải hút hồn hơn rất nhiều. Nghĩ thế mà trong lòng thấy không khỏi rạo rực.

Bây giờ Mường Bi thuộc huyện Tân Lạc. Thời xưa, Mường Bi là mường đứng đầu các mường. Người già bảo rằng, người ta sắp xếp thứ tự nhất, nhì… các mường (Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động) là căn cứ vào diện tích đất cai quản, dân số, sự giàu có (trâu, bò, lợn, gà, vàng, bạc và những chiếc chiêng có tiếng vang xa nhất), gái đẹp, rượu ngon, đặc biệt là quyền lực của nhà Lang. Bởi thế nhắc đến Mường Bi là người ta lại nhớ đến một không gian văn hóa cổ của xứ mường, một trong những cái nôi sinh sống lâu đời, rộng lớn và trù phú nhất trong các vùng mường.

Tất nhiên, nơi đây cũng từng được biết đến là một địa danh tiêu biểu của nền văn hóa Hòa Bình (khoảng 18.000 năm kéo dài đến 7.500 năm cách ngày nay, thuộc thời đồ đá cũ) nổi tiếng mà dấu tích của nó đã được người ta tìm thấy ở trong những hang động núi Cột Cờ (xã Nhân Mỹ). Nói vậy cũng không phải toàn bộ huyện Tân Lạc là Mường Bi. Tân Lạc bây giờ có tới mười sáu xã, thị trấn với hơn năm trăm cây số vuông và khoảng chín mươi ngàn người, trong đó người Mường là đa số (trên 85%).

Thung lũng Mường Bi xưa chỉ khoảng ba mươi cây số chạy dài và hai mươi lăm cây số chạy ngang. Nó bắt đầu từ đất Phú Vinh qua Mỹ Hòa, Phong Phú, Tuân Lộ, Địch Giáo, Quy Mỹ cho đến Do Nhân (bây giờ thuộc các xã Nhân Mỹ, Phong Phú, Phú Vinh, Mỹ Hòa) với hàng chục mường nhỏ (Mường Cá, Mường Dậm, Mường Lò, Mường Cần, Mường Sỉ, Mường Dọi, Mường Bận, Mường Nhung, Mường Khạy…), mỗi mường nhỏ lại có từ vài ba đến hàng chục làng với trung tâm quyền lực khi thì ở Lầm Ải lúc lại chuyển về Đung Ngau và cuối cùng là Quế Lầm, giới quý tộc mường gọi là Chiềng Lầm.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Từ Chi, từ Mường ban đầu không phải là tộc danh. Nó vốn là từ dùng để chỉ một vùng cư trú (đơn vị hành chính) bao gồm nhiều làng, mỗi vùng cư trú ấy lại được đặt dưới sự cai quản của một nhà Lang. Mường to có tới hàng trăm làng (Mường Bi). Mường nhỏ có khi chỉ chục làng (Mường Đúp).

Theo các nghiên cứu thì người Mường ngày nay và người Kinh ban đầu là một gốc (người Việt cổ). Đến thời Bắc thuộc, bộ phận người Việt cư trú ở vùng miền núi vẫn bảo tồn được bản sắc Việt cổ, sau này trở thành người Mường. Bộ phận người Việt ở trung du và đồng bằng có sự hòa trộn với người phương Bắc về ngôn ngữ, văn hóa và nhân chủng trở thành người Kinh. Quá trình chia tách thành người Mường và người Kinh, theo các nhà ngôn ngữ học thì bắt đầu diễn ra khoảng đầu thế kỷ thứ VII và kết thúc vào khoảng thế kỷ XII.

Ban đầu, hiển nhiên, từ Mường không được người Việt (ở miền núi) coi là tộc danh nhưng rồi những biến động của lịch sử và quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa với các tộc người khác mà những người Việt ấy đã chấp nhận và coi đó là từ Mường là tộc danh chính thức của mình.

Du xuân về Mường Bi xem lễ hội Khai hạ, tôi không thể quên bộ lịch Đoi rất thực tế và thú vị của người Mường.

Tôi từng được nghe kể, lịch “Đoi” là bộ lịch gồm có mười hai thẻ tre, trên có khắc những vạch kí hiệu ngày, tháng và các hiện tượng tự nhiên. Trên thẻ tre, phần tháng khắc được ở đầu thẻ (mỗi tháng có kí hiệu tương ứng); phần ngày được khắc bằng các khắc nhỏ bên sườn thẻ; phần lòng thẻ ghi các kí hiệu ngày diễn ra các hiện tượng như mưa, gió, bão để làm việc (ngày hao lỗ - tránh buôn bán, ngày cá đi - đi đánh bắt cá)…

Một ngày được chia thành mười sáu giờ, tính theo các hiện tượng tự nhiên như gà gáy, mặt trời mọc, mặt trời lặn, giữa ngày, mọi vật đi ngủ… Chẳng hạn, khi gà xuống chuồng được tính là lúc trời sáng, lúc chim bìm bịp kêu là nửa buổi sáng (khoảng chín giờ). Những người đi làm ruộng có thể căn cứ vào hoạt động của chim chiền chiện (chim thần trong “Đẻ đất, đẻ nước”) để tính thời gian. Chim chiền chiện bay ba lần là gần trưa (khoảng mười giờ sáng).

Cơ sở thực tế của cách tính thời gian này là chim chiền chiện có thói quen đang kiếm mồi thường bay vút lên cao hót véo von. Một buổi sáng chim bay lên như vậy khoảng ba lần. Từ quan sát này người Mường có câu nói: “Đi cày chiền chiện bay ba lần mới về là chăm”. Nhìn bóng mình để biết thời gian ban trưa. Lúc bóng quẩn chân (đứng bóng) là khoảng thời gian giữa trưa (lúc mặt trời lên cao nhất). Khi gần tối thì nghe tiếng chim chàng làng kêu hoặc là lúc “gà lên chuồng”.

Cứ theo kinh nghiệm quan sát từ thực tế ấy mà người dân Mường chủ động sắp xếp công việc sản xuất sao cho phù hợp và đạt hiệu quả. Mỗi thẻ tre khắc ba mươi khắc, tương ứng với ba mươi ngày trong một tháng. Mười hai thanh tre tượng trưng cho mười hai tháng trong năm, chia làm ba đoạn tương ứng với ba tuần trong một tháng.

Thượng tuần - tuần Cây, Trung tuần - tuần Luồng, Hạ tuần - tuần Cối. Mười ngày đầu trong tháng gọi là ngày cây một, ngày cây hai cho đến ngày cây mười. Mười ngày giữa tháng gọi là ngày luồng một, ngày luồng hai cho đến ngày luồng mười. Mười ngày cuối tháng gọi là ngày cối một, ngày cối hai cho đến ngày cối mười.

Dựa vào lịch Đoi người Mường tính được ngày lành, tháng tốt để làm những việc quan trọng hoặc tiến hành sản xuất, kinh doanh. Ngày cây (mười ngày đầu tháng) thường tổ chức cưới xin, khánh thành, làm nhà... Ngày luồng (mười ngày giữa tháng), ngày có trăng, nếu sinh con vào ngày này thì trẻ con sẽ thông minh, lanh lợi. Ngày cối (mười ngày cuối tháng), ngày hết trăng, người ta thường không làm việc gì trong những ngày này vì không được may mắn.

Cùng với việc nghĩ đến lịch Đoi của người Mường, tôi còn nhớ đến sử thi “Đẻ đất đẻ nước” mà Mường Bi là một trong những nơi đã sinh ra huyền thoại nổi tiếng ấy. Sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” kể lại quá trình sinh ra đất, sinh ra nước, sinh ra con người, lập nên thủ lĩnh Mường... cho đến khi rước vua về vùng Đồng chì Tam quan Kẻ chợ và hoàn thành công cuộc dựng nước của người Mường.

Đặc biệt, tôi nhớ đến những truyền thuyết kể về Quốc Mẫu Hoàng Bà và Tam vị Thánh Tản là những thành hoàng đã có công mở đất lập mường làm thành xứ Mường Bi.

Tương truyền Quốc Mẫu Hoàng Bà tên là Đinh Thị Đen (thân mẫu của Thánh Tản). Truyện kể rằng, Vua Bà đi từ vùng núi Tản sông Đà đến cầu Bến Mảng (suối Mảng, thuộc xã Phong Phú), gặp nước lũ to, Vua Bà giả trang thành kẻ nghèo đói, rách rưới. Lúc ấy trên cánh đồng có hai gia đình đang bừa ruộng, một nhà đang bừa bằng một con trâu và một nhà đang bừa bằng tám con trâu.

Vua Bà đến thử lòng gia đình đang bừa ruộng bằng một con trâu. Bà nhờ người này đưa suối, người nhà này trả lời bận quá không đưa được. Vua Bà lại sang nhà đang bừa bằng tám con trâu. Bà chưa dứt lời nhờ thì nhà này đã cử người đưa Bà sang luôn. Khi sang bên kia suối, Vua Bà truyền một câu: “Từ nay nhà giàu có, rồi lại càng giàu có thêm”. Từ đó nhà cày tám trâu luôn giàu có hơn các gia đình khác. Sau đó, bà đến cửa nhà Lang Cun để vào, quân của nhà Lang Cun thấy bà rách rưới, liền lùa chó đuổi đi. Bà bị chó cắn và được một thầy lang bốc thuốc chữa cho.

Sau khi bà được thầy lang chữa khỏi, bà dặn thầy lang từ nay trở đi khu ruộng nhà ông cấy gọi là “Nà Mằn”. Khu ruộng này cấy trồng được hai vụ, lúa luôn tốt và chủ nhà không năm nào bị đói nữa (ruộng này nằm ở Địch Giáo nay là xã Phong Phú). Vua Bà lại đi đến một nhà khác ở trong làng. Nhà này không có con. Vua Bà lại hỏi có muốn có con không và cho một đứa trai. Nhà này rất mừng, đặt tên con là Ngãi.

Một năm sau Vua Bà về thăm lại. Vua Bà mang theo một túi vàng. Vua Bà thử lòng bằng cách treo túi vàng ngoài cổng và đi vào nhà. Mụ vợ chủ nhà có lòng tham nên cất dấu túi vàng. Vua Bà thấy vậy nên không cho đứa con nữa và lấy thằng Ngãi mang đi. Thằng Ngãi bị chết. Từ đó trong vùng có câu “tham vàng bỏ ngãi…”.

Cũng theo truyền thuyết, Quốc Mẫu Hoàng Bà còn dạy dân Mường Bi làm ruộng hai vụ, cách ăn, cách ở…

Ngoài những truyện kể về Vua Bà, truyền thuyết ở Mường Bi còn kể về Tản Viên Sơn Thánh, con rể của Vua Hùng Vương thứ mười tám là người có công giúp vua chống giặc ngoại xâm, mang lại bình yên cho dân làng và hai vị thần tên là Ải Lý, Ải Lo là những người đã dạy cho dân Mường Bi cách đào mương dẫn nước và là người thiết kế con mương Lò lấy nước từ suối Kem tưới mát cho cả cánh đồng Nà Noóng rộng lớn.

Để tưởng nhớ công lao của Quốc Mẫu Hoàng Bà, Tản Viên Sơn Thánh và Ải Lý, Ải Lo là những người có công với nước, khai phá ra đất Mường, dạy dân làm ruộng nước (đào mương dẫn nước vào ruộng), dân Mường Bi đã lập miếu thờ tại xóm Lũy, xã Phong Phú. Hàng năm, vào ngày mùng bảy, mùng tám tháng Giêng (tức ngày mùng sáu, mùng bảy tháng Tư, theo lịch Mường Bi) nhân dân Mường Bi tổ chức lễ hội cầu mùa và lễ mở cửa rừng (nay được gọi là Lễ hội Khai hạ) để tưởng nhớ công lao và cầu xin Quốc Mẫu Hoàng Bà, Tản Viên Sơn Thánh và Ải Lý, Ải Lo phù hộ độ trì cho dân mường được an cư lập nghiệp, cuộc sống tốt đẹp, mùa màng bội thu.

Hát đối giữa giữa các xã trong lễ hội Khai hạ Mường Bi

Hát đối giữa giữa các xã trong lễ hội Khai hạ Mường Bi

Lễ hội Khai hạ Mương Bi gồm hai phần chính, phần lễ và phần hội. Thời xưa, phần lễ được tổ chức tại miếu thờ. Tham gia hành lễ gồm có thầy mo, đội rước, gồm bốn đội cờ, tám người phường bát âm, mười hai người đội cồng chiêng, bốn người đội kiệu và một người chỉ huy kiệu. Những người tham gia hành lễ phải mặc trang phục cẩn thận. Thầy mo vận trang phục gồm có mũ đội đầu có mao, viền đỏ; mặc áo chùm đen; quần nâu, đi đất; tay cầm quạt giấy và đoàn rước mặc trang phục lễ hội truyền thống của người Mường.

Nghi lễ Khai hạ được tổ chức chính vào ngày mùng bảy. Thông thường, vào buổi sáng sớm hôm diễn ra lễ hội, người dân tổ chức săn thú rừng, gọi là hội “toọc noong”. Sau đó các Ậu (những người giúp việc cho quan lang) cùng dân Mường làm cỗ. Người Mường làm sáu mâm cỗ, ba mâm bày trên bàn thờ, ba mâm để dưới chiếu.

Các đồ lễ trong mâm như sau: trên bàn thờ, mâm ở giữa, bày một lá canh, một chai rượu, một bát cơm, một đôi đũa, một đĩa muối, một cái chén, đĩa cau trầu có một miếng, một bát nước đặt một chiếc tăm trên miệng; mâm bên phải có một lá canh, một chai rượu, bốn bát cơm, bốn đôi đũa, một đĩa muối, bốn cái chén, một đĩa cau trầu có bốn miếng, một bát nước đặt bốn chiếc tăm trên miệng; mâm bên trái đặt hai cái chén, một đĩa trầu cau có hai miếng, một bát nước đặt hai chiếc tăm trên miệng.

Dưới chiếu ở giữa có một bình rượu cần, một chiếc đũi hoẵng để sống; mâm bên phải cũng như mâm bên trái có sáu lá canh, sáu bát cơm, sáu đôi đũa, một đĩa muối, một bát nước đặt sáu chiếc tăm trên miệng. Sau khi thầy mo hành lễ xong, dân mường cùng nhau tổ chức rước bóng Quốc Mẫu Hoàng Bà và Tam vị Thánh Tản từ miếu thờ Thành Hoàng làng đến bờ suối (nơi Quốc Mẫu Hoàng Bà về trời).

Đoàn rước đi theo thứ tự như sau: Đầu tiên là thầy mo, tiếp đến là đội cờ, phường bát âm, đội cồng chiêng, đội kiệu và cuối cùng là quan viên, chức sắc và dân làng. Đoàn rước diễn ra trong âm thanh sôi động của tiếng trống, tiếng chiêng và ban nhạc Lưu thủy. Khi đến nơi thờ, ông Mo dâng hương cúng, mời Thánh Mẫu Hoàng Bà và Tam vị Thánh Tản về dự lễ hội Khai hạ với dân mường. Khi cúng xong, các chức tước trong làng mới được vào dâng hương trong miếu. Cuối cùng thầy mo xin âm dương để mời các ngài về miếu, tiếp theo các thần dân ăn cơm.

Ngày nay nghi lễ Khai hạ có nhiều thay đổi. Thời gian lễ rút gọn và tiến hành vào sáng ngày mùng Tám, sau đó là phần hội được tiến hành luôn. Trước kia phải làm lễ rước Thánh ở bờ suối thì nay lễ rước Thánh được đưa ra ngay sân vận động. Trang phục, lễ cúng cũng ít nhiều cũng có sự thay đổi. Chẳng hạn thời xưa, đồ tế khi làm lễ ngoài xôi, rượu, nhất thiết phải có một con hoẵng (do đội thợ săn kiếm được) nay không có hoẵng thì thay bằng một con bò (không được dùng trâu).

Sau khi hoàn tất, các nghi lễ, dân mường chuyển sang phần hội. Phần hội được tổ chức tại sân bãi trước miếu thờ (sân vận động) với nhiều trò chơi dân gian như bắn nỏ, kéo co, đánh cù, đánh mảng, ném còn, đánh đu, hát đối, trình diễn trang phục Mường, hòa tấu cồng chiêng và giới thiệu các mặt hàng, các món ẩm thực độc đáo của người Mường. Trong các trò chơi ở phần hội người ta rất ấn tượng với màn trình diễn cồng chiêng và chơi ném còn. Nghệ thuật cồng chiêng là một trong những di sản độc đáo của người Mường.

Với người Mường, cồng chiêng vừa là vật thiêng vừa là công cụ giao tiếp giữa con người và thần linh. Tiếng cồng, tiếng chiêng có mặt hầu như trong tất cả các sinh hoạt của người Mường.

Lễ hội Khai hạ như là một dịp để người dân Mường Bi có cơ hội khoe sự hoành tráng, ngân vang, trầm hùng của dàn chiêng Mường rất công phu. Những thanh âm “ping… poòng… piing…”, “pồng… pênh… pồng...” linh thiêng ngân vang giữa bản mường như thả hồn vào sông núi, nối kết con người với trời đất và thế giới siêu nhiên.

Khi tiếng công chiêng vang lên ta như thấy được thanh âm giao hòa của đất trời. Thanh âm ấy khi thì dồn dập như xua đuổi tà ma, quỷ dữ; lúc lại rền vang như tiếng sấm gọi mưa về cho ruộng đồng cây cối tốt tươi; cũng có khi tiếng chiêng lại ngân lên thảnh thơi, nhấn nhá, thong thả như nước suối xuôi dòng hay bay lên cao vút như mây bay gió lượn. Tiếng cồng chiêng như thế ngân càng xa nghe thấy thích. Tiếng ngân như ẩn hiện, thấp thoáng dưới những mái nhà sàn; vang vọng vào vách đá; hòa với rừng núi, suối khe, ruộng đồng…

Hết nghe tiếng cồng, tiếng chiêng, người chơi hội Khai hạ còn được tham gia hội ném còn. Sân chơi ném còn là một bãi đất rộng. Cây còn được làm bằng cây tre cao khoảng gần chục mét, trên ngọn cây người ta buộc một cái vòng tròn, được uốn bằng tre, đường kính khoảng gần nửa mét, vòng tròn được dán bằng giấy ngũ sắc rất đẹp.

Quả còn được khâu bằng vải, gồm nhiều mảnh vải khác màu ghép lại với nhau. Quả còn được làm hình vuông, khoảng bảy hoặc tám phân, các góc có tua vải thò ra, dài khoảng năm phân, cứ mười phân lại có một tua. Trong quả còn nhồi cát. Khi tung còn người ta cầm vào đoạn cuối dây vải, quay quả còn theo chiều kim đồng hồ và tung lên ngọn tre. Nếu quả còn bay vào vòng tròn là được. Khi tung còn thường có cả man và nữ cùng chơi, nam ở một bên và nữ ở một bên.

Hội chơi tung còn rất vui. Và đằng sau cái trò chơi ấy người ta thấy còn ẩn hiện những ánh xạ của tín ngưỡng phồn thực, cầu mùa và những niềm tin vào những điều tốt đẹp của dân Mường Bi. Và cũng từ sân chơi ấy có biết bao chàng trai cô gái đã bén duyên lành. Lễ hội Mường Bi không chỉ là không gian linh thiêng của những nghi lễ, không gian rộn ràng, náo nhiệt của những trò chơi mà còn là không gian của những sắc màu trang phục. Tham gia lễ hội, dân Mường luôn chuẩn bị những bộ trang phục đẹp nhất.

Nghe kể, thời xưa, những người đàn ông quyền quý (lang - đạo) trang phục dự hội là mặc áo dài chùm hông, giữa lưng khâu ghép, xẻ tà hai bên, hai tay không khoét nách; tầng lớp đàn ông thường dân, đầu đội khăn gấp ba vòng, mặc áo nâu hoặc đen, cổ tròn, xẻ tà hai bên, quần thắt dải rút, may theo kiểu quần ống quòe.

Phụ nữ quyền quý, đầu chít khăn trắng, mặc áo ngắn màu vàng hoặc màu hồng ở trong, áo chùm dài khoác bên ngoài, váy đen, dây lưng xanh màu mạ, cạp váy hình rồng, yếm đỏ hoặc trắng, tay đeo vòng bạc hoặc hạt cườm, hông đeo dây xà tích; tầng lớp phụ nữ thường dân chít khăn trắng, mặc áo ngắn màu nâu hoặc màu đen ở trong, áo chùm dài đen khoác ở bên ngoài, váy màu đen hoặc màu chàm, dây lưng màu chàm, hoặc màu đen, cạp váy trang trí các hình hoa văn, yếm màu nâu hoặc màu đen.

Bây giờ trang phục của các cô gái Mường không còn phân thứ bậc. Nhìn trên sân vận động người ta thấy những váy đen áo pắn màu trắng, màu vàng, màu tím, màu hồng, màu xanh… cứ tưng bừng, rộn ràng.

Có thể nói, ngắm nhìn sắc màu trong lễ hội Khai hạ Mường Bi ta thấy trai gái đất mường, nhất là các cô gái đang tươi cười, xúng xính với váy áo rực rỡ, giữa núi rừng gió xuân hây hẩy như thể đang cùng nhau khoe sắc với những bông hoa đào vẫn đang còn thắm sắc trên cành; với cây mơ, cây mận bắt đầu bung nở những bông hoa trắng muốt khiến cho xuân của đất trời, xuân của lòng người càng thêm rạo rực.

Lễ hội Khai hạ ở Mường Bi mang sắc màu của lễ hội nông nghiệp nhưng cũng là lễ hội tri ân những người có công với bản Mường. Lễ hội ấy gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của văn minh của người Việt cổ. Theo lệ, sau lễ hội Khai hạ người ta mới bắt đầu ra đồng để cày, để cấy… Có thể nói, đây là một lễ hội lớn của xứ Mường.

Đến xem lễ hội Mường Bi, ta không chỉ thấy các giá trị về lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng mà còn nhận ra cả những nét giao lưu văn hóa của hai tộc người Mường - Thái trên đất Mường Bi. Cái tên thành hoàng làng là Ải Lý, Ải Lo và công lao dạy dân Mường làm mương dẫn nước của hai vị thần Ải Lý, Ải Lo gợi cho ta nhớ tiếng gọi bố trong ngôn ngữ Thái (Ải trong tiếng Thái có nghĩa là bố) và kinh nghiệm làm mương, đắp phai trồng lúa nước nổi tiếng của tộc người này.

Chiều buông, trong bảng lảng mây bay, chúng tôi giã hội với những cảm xúc đan xen thật khó diễn tả. Men theo con đường ngoằn ngoèo bên sườn núi, dừng lại trên đỉnh dốc Mùn, tôi nhìn về phía thung lũng trung tâm của Mường Bi thấy nhấp nhô những đồi với núi xen lẫn với cánh đồng đang chuẩn bị vào vụ cấy ngập tràn sắc xuân.

Anh bạn đi cùng chỉ tay bảo, chỗ đằng kia, ngày trước các nhà khảo cổ tìm tìm thấy trống đồng Hegơ và nhiều di vật của con người thời tiền sử. Bất giác tôi mường tượng và mơ về cái thời hoàng kim rực rỡ của tổ tiên thời trước. Không phải đâu xa, chính chỗ này, Mường Bi, vùng đất dưới chân tôi chính là nơi hội tụ và tỏa sáng của một nền văn hóa rực rỡ và độc đáo: Nền văn hóa Hòa Bình! Ngẫm nghĩ về những thăng trầm của lễ hội Khai hạ ở trên xứ Mường, tôi bỗng nhận ra, đúng là có một thời chưa xa, do những hoàn cảnh của lịch sử, xứ Mường nói chung và Mường Bi nói riêng đã từng lãng quên không ít những lễ hội cổ truyền, trong đó có lễ hội Khai hạ.

Nhưng rồi cái thời ấy cũng qua mau, những nhận thức “ấu trĩ” đã kịp thời được “sửa sai” và lễ hội Khai hạ nói riêng cùng nhiều lễ hội khác của người Mường lại bắt đầu được hồi sinh. Những giai điệu, thanh âm “ping… poòng… piing…”, “pồng… pênh… pồng...” và những sắc màu rực rỡ của đất Mường lại bắt đầu ngân vang thả hồn vào sông núi, hòa quyện vào đất trời mênh mang!

Phan Anh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ve-muong-bi-xem-hoi-a27848.html