Về Mường Hung

"Anh là dòng sông Mã/ Em là núi Mường Hung...”, giai điệu ngọt ngào của bài hát Tình ca Tây Bắc của nhạc sỹ Bùi Đức Hạnh, đưa chúng tôi về Mường Hung, huyện Sông Mã, để được chia vui với những đổi thay của xã miền biên giới.

Mô hình trồng cây ăn quả của nhân dân bản Nà Lứa, xã Mường Hung, huyện Sông Mã.

Mô hình trồng cây ăn quả của nhân dân bản Nà Lứa, xã Mường Hung, huyện Sông Mã.

Đón chúng tôi tại trụ sở UBND xã, đồng chí Cầm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã không giấu niềm vui: Bộ mặt nông thôn mới hiện hữu trên khắp vùng quê; cơ sở hạ tầng đường, điện, trường, trạm đã và đang được đầu tư xây dựng đồng bộ. Và điều mừng nhất, là nhân dân trong xã đã thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất sản phẩm chất lượng cao để mở rộng thị trường tiêu thụ. Đời sống của bà con được nâng cao, chỉ còn 6,7% hộ nghèo và 13,7% hộ cận nghèo; đã hoàn thành xóa nhà tạm... Xã phấn đấu năm 2024 đạt chuẩn nông thôn mới.

Mường Hung có đường biên giới dài hơn 13 km giáp với nước CHDCND Lào, có 5 cột mốc. Xã có 28 bản (4 bản biên giới), với 2.139 hộ dân, thuộc 4 dân tộc Thái, Mông, Kinh và Khơ Mú cùng chung sống. Trên hành trình phát triển, Mường Hung được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; các tuyến đường nội bản, liên bản đã và đang được bê tông hóa; trụ sở làm việc của UBND xã, các trường học, trạm y tế..., được đầu tư xây dựng khang trang, tạo nên diện mạo NTM cho xã.

Trong phát triển kinh tế, xã đã chỉ đạo nhân dân đưa các loại giống mới vào thâm canh trên 400 ha lúa ruộng và lúa nương, sản lượng đạt gần 27 nghìn tấn thóc/năm, cơ bản bảo đảm an ninh lương thực tại địa phương. Đồng thời, chăm sóc tốt trên 600 ha cây ăn quả các loại; duy trì thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, như: Mô hình trồng nhãn, bưởi của hợp tác xã nông nghiệp Nà Lứa, quy mô 40 ha; HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản Bua Hin, với 15 ha cây ăn quả; HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Hung, với 35 ha... Toàn bộ diện tích cây ăn quả đều được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về hướng dẫn quy trình sản xuất theo hướng sản phẩm sạch. Tổng sản lượng quả các loại trong toàn xã đạt khoảng 12 nghìn tấn/năm. Thực hiện Đề án “Phát triển cây quế trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, Mường Hung đã trồng được hơn 82 ha, tập trung chủ yếu ở các bản Phiêng Hoi, bản Lúa, bản Cát, Phiêng Pẻn, Huổi Khôm.

Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Lò Văn Hùng, bản Nà Lứa, khu vườn trồng xen ghép các loại cây nhãn chín sớm, bưởi, ổi, cây nào cũng xanh tốt. Anh Hùng kể: Năm 2018, gia đình tôi cải tạo diện tích vườn bằng cây nhãn chín sớm, cây bưởi da xanh, trồng xen thêm cây ổi không hạt. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi được cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, cán bộ xã về hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; học hỏi thêm kinh nghiệm của các gia đình đã làm trước hiệu quả và học thêm ở sách, báo để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Ngoài ra, tôi còn học cách bán hàng trên mạng xã hội như zalo, Facebook.... để tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Ba năm vừa qua, trừ chi phí, vườn cây của gia đình thu gần 400 triệu đồng/năm; gia đình tôi đã mở rộng thêm 3 ha nhãn và xoài tượng da xanh, dự kiến vụ sang năm sẽ cho thu hoạch.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi phát triển theo hướng nuôi tập trung, tăng quy mô đàn. Nhân dân trong xã đã trồng 41,5 ha cỏ voi làm thức ăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng. Hằng năm, UBND xã triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn nhân dân thực hiện tiêm vắc xin định kỳ phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Hiện nay, xã có gần 2.500 con trâu, bò; trên 500 con dê; 5.600 con lợn trên 2 tháng tuổi, 63.200 con gia cầm các loại.

Chia sẻ với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của xã, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Mường Hung đã đạt 14/19 tiêu chí, 51/57 chỉ tiêu. Hiện nay, xã đang tập trung thực hiện 5 tiêu chí chưa đạt (tiêu chí số 2 về giao thông; tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa; tiêu chí số 10 về thu nhập; tiêu chí số 11 nghèo đa chiều và tiêu chí số 16 về văn hóa). Trong đó, tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật sản xuất; hỗ trợ nhân dân phương án sản xuất phù hợp.

Mường Hung đề nghị với huyện tiếp tục đầu tư một số mô hình trồng cây ăn quả để nhân rộng trong xã; đầu tư nâng cấp một số tuyến đường nội bản và một số nhà văn hóa bản. Đồng thời, vận động nhân dân bảo vệ tốt trên 1.560 ha rừng phòng hộ, hơn 3.280 ha rừng sản xuất, xã đã thành lập 28 tổ, đội quần chúng bảo vệ và PCCC rừng, với tổng số 492 người tham gia, chủ yếu là dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên, hội viên các đoàn thể của bản và nhân dân các bản.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và của nhân dân trong xã, Mường Hung tiếp tục bứt phá vươn lên, phấn đấu cán đích nông thôn mới năm 2024 đúng kế hoạch đề ra.

Bài, ảnh: Hồng Luận

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/ve-muong-hung-Cl314XKIR.html