Về nơi nắng càng to, nông dân càng mừng

Đối với bà con diêm dân ở vùng ven biển Nghệ An, những ngày nắng nóng 39 – 40 độ C là ngày vui nhất với người dân nơi đây bởi muối nhanh kết tinh, hạt đẹp, bán có giá trị hơn.

Khi ánh nắng bắt đầu gay gắt, chói chang nhất cũng là lúc những diêm dân Quỳnh Lưu ra đồng để làm việc. Ảnh: Việt Hùng

Khi ánh nắng bắt đầu gay gắt, chói chang nhất cũng là lúc những diêm dân Quỳnh Lưu ra đồng để làm việc. Ảnh: Việt Hùng

Xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu là vựa muối truyền thống và lâu đời. Toàn xã hiện có khoảng gần 100ha muối với gần 300 hộ tham gia sản xuất. Những ngày vừa qua, thời tiết nắng nóng với nền nhiệt từ 38 – 40 độ C khiến công việc làm muối của bà con nơi đây trở nên vất vả, tuy nhiên nắng càng to muối càng đẹp, năng suất cao. Do vậy, tranh thủ những ngày nắng nóng, diêm dân nơi đây đang khẩn trương ra đồng để làm muối.

Tranh thủ ngồi nghỉ chờ muối kết tinh, ông Đào Văn Luyện ở thôn Trường Thịnh, xã Quỳnh Thuận cho biết, gia đình có 4 dát muối, buổi sáng thì ra đồng đổ nước lên các ô nại chờ nắng kết tinh thành muối. Khoảng 14 giờ chiều, hai vợ chồng quay lại để nạo muối và chuẩn bị các công đoạn sản xuất vào ngày hôm sau.

Ông Đào Văn Luyện ở thôn Trường Thịnh, xã Quỳnh Thuận mồ hôi ướt đẫm sau nhiều giờ làm việc ngoài trời nắng nóng.Ảnh: Việt Hùng

Ông Đào Văn Luyện ở thôn Trường Thịnh, xã Quỳnh Thuận mồ hôi ướt đẫm sau nhiều giờ làm việc ngoài trời nắng nóng.Ảnh: Việt Hùng

“Nghề muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên thường tập trung cao điểm sản xuất trong mùa nắng, từ tháng 4 đến tháng 6. Những ngày vừa qua, thời tiết nắng nóng nhất trong vụ muối năm nay nên bà con ai cũng phấn khởi, mặc dù vất vả nhưng đổi lại hạt muối trắng đẹp, năng suất cao. Với 4 dát muối, hai vợ chồng tôi làm ra khoảng 250kg muối mỗi ngày, thu nhập hơn 350.000 đồng”.

Khi cát kết tinh đưa vào lắng qua nước biển, sau đó sẽ đem chỗ nước lắng đọng lại rồi đưa ra sân phơi. Ảnh: Việt Hùng

Khi cát kết tinh đưa vào lắng qua nước biển, sau đó sẽ đem chỗ nước lắng đọng lại rồi đưa ra sân phơi. Ảnh: Việt Hùng

Có mặt trên những cánh đồng muối trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm cuối tháng 6 mới thấy hết được nỗi cơ cực của diêm dân. Họ phải phơi lưng dưới nắng nóng, đối mặt với hơi nước bốc lên mặn chát. Dù nắng như đổ lửa, thế nhưng những người làm muối ở các xã ven biển Quỳnh Thuận, Quỳnh Nghĩa, An Hòa... lại mong trời nắng to thêm, kéo dài thêm để muối nhanh kết tinh, hạt đẹp, chất lượng tốt hơn.

“Nắng càng to, hạt muối nhanh kết tinh, độ mặn vừa phải, không có vị chát và đặc biệt là bảo quản sẽ được lâu hơn. Gia đình tôi có 5 dát muối, trước khi vào mùa, trời nắng nhẹ nên năng suất chỉ đạt khoảng 230 –250kg mỗi ngày, tuy nhiên trong những ngày trời nắng to vừa to vừa qua, năng suất đạt khoảng 300kg muối, từ đó thu nhập cũng tăng lên”, bà Nguyễn Thị Huệ ở xã An Hòa cho biết.

Diêm dân dùng dụng cụ để cào muối. Ảnh: Việt Hùng

Diêm dân dùng dụng cụ để cào muối. Ảnh: Việt Hùng

Để làm ra hạt muối cũng phải trải qua nhiều công đoạn rất vất vả, đầu tiên là xử lý nền đất cho thật chặt để hạn chế tối đa nước biển thấm xuống nền. Tiếp theo là công đoạn phơi cát đã được ngâm nước biển. Khi cát khô, trên từng hạt cát sẽ kết tinh những hạt muối nhỏ, người ta dùng xẻng xúc cát đã được phơi khô vào các hố và nén thật chặt. Sau đó, đổ nước biển vào và lắng lấy nước muối. Cuối cùng là đổ nước muối đã được lắng kỹ vào nền ruộng xi-măng. Sau khi phơi gần một ngày, muối sẽ lên hạt thì cũng là thời điểm thu hoạch.

Theo bà con diêm dân huyện Quỳnh Lưu, giá muối hiện tại được thương lái thu mua tại ruộng là 1.500 đồng/kg, thấp hơn so với thời điểm này năm ngoái. “Nghề này rất vất vả, thế nhưng những người làm nghề chủ yếu là người già. Giới trẻ bây giờ không theo nghề nữa mà đi làm cho các công ty, vì không chịu được vất vả, nắng nóng”, bà Nguyễn Thị Xinh (60 tuổi) ở xã An Hòa tâm sự.

Niềm vui của diêm dân khi hạt muối làm ra trắng đẹp, năng suất cao. Ảnh: Việt Hùng

Niềm vui của diêm dân khi hạt muối làm ra trắng đẹp, năng suất cao. Ảnh: Việt Hùng

Quỳnh Lưu là huyện có diện tích sản xuất muối lớn của tỉnh Nghệ An với hơn 600 ha tại 9 xã với 12 hợp tác xã và 1 xí nghiệp. Theo thống kê từ Phòng NN&PTNT huyện, từ đầu vụ đến nay, diêm dân Quỳnh Lưu sản xuất khoảng 30.000 tấn/kế hoạch 50.000 tấn muối với doanh thu trên 3 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Xuân Trúc, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu, những năm trước kia, diện tích này lớn hơn nhiều, nhưng do nghề làm muối vất vả mà thu nhập thấp nên nhiều người đã bỏ nghề. Hiện, chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực để kiến thiết lại ngành nông nghiệp, đặc biệt là nghề muối, góp phần xây dựng thương hiệu, chất lượng muối Quỳnh Lưu và tạo thu nhập ổn định, lâu dài cho người dân.

Việt Hùng

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/ve-noi-nang-cang-to-nong-dan-cang-mung-10274308.html