Về nội nghỉ hè - truyện ngắn của LÊ TRƯƠNG THÚY DIỄM

Minh họa: PV

Minh họa: PV

Nghỉ hè, như thường lệ, cu Voi được bố đưa về quê chơi với bà. Từ ngày ông nội mất, bà sống quạnh quẽ giữa căn nhà rộng rinh, bầu bạn với ao rau, gà vịt. Để bà đỡ buồn, hễ có dịp, bố con Voi sẽ đưa nhau về thăm bà. Kỳ nghỉ hè năm nào cũng chỉ vỏn vẹn ba bữa nên vừa thu xếp xong công việc ở cơ quan, hai bố con đã vội vã xách ba lô lên xe thẳng tiến.

Chiếc xe lướt qua những cánh đồng mênh mông, xanh ngát màu mạ non vừa cấy. Lâu rồi Voi mới được trở lại con đường này, trông vừa quen vừa lạ, vì mỗi lần đi qua, Voi lại phát hiện thêm nhiều điều mới mẻ. Voi lướt hết tầm mắt đếm theo từng nhịp sải cánh của đàn cò trắng phau. Voi nheo mắt, đưa tay như bắt lấy chú sẻ non rỉa lông trên đường dây tải điện.

Đến những cung đường đồi dốc vút cao, Voi vòng tay về phía trước, ôm chặt lấy bố hơn. Núi đồi như chạy đua cùng Voi, có những ngọn núi xa tít, mờ ảo phía chân trời. Voi ước một ngày được đặt chân lên đỉnh núi để ngắm nhìn bốn bể, vừa thấy được nhà mình, vừa nghe được tiếng nội.

- Bố ơi, sao lại có biển đằng kia hả bố? Voi bất ngờ reo lên và chỉ tay về phía chân đồi.

- Đó không phải biển mà là đầm, người ta nuôi tôm cá dưới đó con à! Bố Voi vòng tay ra sau ôm lấy cậu con trai, nựng nịu giải thích.

- Mai mốt bố chở Voi đến đó chơi được không bố?

- Nhất trí! Nhưng Voi phải ngoan và học giỏi đấy nhé!

- Vâng ạ.

Những cảnh vật dần lướt qua, bố Voi phải tập trung để luồn lách giữa bao nhiêu xe cộ. Giờ tan tầm nên ai nấy đều hối hả kịp sum vầy cùng gia đình sau một ngày cuối tuần tất bật. Voi được thỏa thích nhìn ngắm những chiếc xe khách, container to và dài mà thường ngày cậu chỉ được thấy qua mô hình đồ chơi ở lớp. Voi thích lắm những lúc bố dừng lại ở nơi có đèn đỏ, vì khi đó Voi tưởng như mình đang lạc vào mê cung xe cộ. Bố Voi sợ cậu con trai ngủ quên nên hễ thấy không khí sau lưng im lặng, lại tìm bao nhiêu câu chuyện để nói.

- Bố đố Voi đã sắp đến nhà bà chưa?

- Phải qua một cánh đồng nữa mới đến đúng không bố. Voi nôn nóng để gặp bà lắm bố ạ!

Dù thỉnh thoảng mới được về nội, nhưng con đường chòng chành băng qua cánh đồng dường như đã trở thành lối mòn trong trí óc. Trông cậu con trai chẳng có dấu hiệu nào của cơn buồn ngủ, bố Voi bớt chút lo lắng.

Những khung cảnh quen thuộc lấp ló rồi dần dần hiện ra. Tiếng xe dừng lại nơi đầu ngõ, Voi cẩn thận giúp bố mang đồ đạc, vừa chạy ù vào trong, Voi nói to:

- Thưa bà, Voi về thăm bà ạ!

Cả tiếng đồng hồ ngồi trên xe, trái ngược với dáng vẻ uể oải của bố, Voi vẫn tràn đầy năng lượng. Chưa kịp cất mũ áo, Voi đã nhõng nhẽo sà vào lòng bà nội. Bà nội mừng lắm khi thấy hai bố con Voi, bà ôm lấy đứa cháu nội hết xoa đầu rồi đến hôn má, hôn tay, nựng nịu. Voi liền khoe với bà năm nay được nhận đến ba tờ giấy khen, được bố thưởng cho món đồ chơi mà bao lâu ao ước.

Bao mệt nhọc của tuổi già như tan biến từ khi nào trong đôi mắt đầy yêu thương của nội. Cuộc tâm sự giữa hai bà cháu như chẳng có hồi kết cho đến khi bố lên tiếng gọi Voi đi tắm.

- Voi đi tắm, còn bà đi nấu cơm rồi cả nhà mình cùng ăn! - Nội âu yếm hiền lành, tạm gác lại câu chuyện với đứa cháu nhỏ.

- Voi muốn ăn cơm cháy, nội nhớ nấu cơm cháy cho Voi nhé! - Tiếng Voi từ thềm giếng vọng vào.

Voi thích nhất được ăn cơm cháy chấm nước mắm, nên hễ mỗi lần về thăm, Voi luôn nhắc bà nấu cho Voi thật nhiều cơm cháy. Bà nội thương đứa cháu thành phố ngày ba bữa toàn ăn cơm tiệm nên chỉ cần nghe mai mốt thằng Voi về, nội sẽ lụi cụi đi chợ, lựa dăm ba con cá, lá rau, đổi thêm thúng gạo thật ngon để con cháu có bữa cơm thơm mùi khói bếp.

Vừa thổi lửa, nội vừa dõi mắt nhìn hai cha con Voi rộn rã ngoài thềm giếng. Nhìn Voi rùng mình, giậm chân giậm cẳng khi được dội lên người những gáo nước giếng mát lạnh, nụ cười trên gương mặt nội càng thêm rạng rỡ.

Tự nhiên nội thấy lòng mình thắt lại một nhịp, nụ cười vẫn thấp thoáng nhưng chẳng còn tròn trịa. Khói bếp cay làm mắt nội kèm nhèm hay một gợn sóng buồn bã nào đang âm ỉ trong lòng người bà, người mẹ. Đã bao năm rồi, nội muốn quên đi cái ngày mưa giông tầm tã, khắc nghiệt.

Nhưng cứ nhìn thấy cha con Voi, những ký ức như nhát dao nhọn hoắt lại tràn về. Nếu như mùa hè năm đó, nội không nằng nặc đòi về quê thì vụ tai nạn thương tâm đã chẳng xảy ra. Đứa cháu nội không phải chịu cảnh bú ké khi vừa lọt lòng đã vĩnh viễn mất đi hơi ấm của mẹ. Nghĩ tới đó thôi đủ khiến những giọt nước mắt giày vò chực trào trên đôi gò má gầy gò, nhăn nhúm vết hằn thời gian.

- Bà ơi, Voi tắm xong rồi, để Voi phụ bà nấu cơm nhé!

Tiếng đứa cháu nhỏ như kéo bà thoát khỏi những hoài niệm xót xa. Bà đưa tay quệt đi khóe mắt, giả đò trách cứ những lọn khói lơ đãng.

Cơm nước xong xuôi, bố mang chiếc chiếu trải trước sân, hai bố con sải tay sải chân lăn ra nền đất. Ánh trăng tròn vượt ra lũy tre làng, tưới cho vạn vật những tia sáng mềm mại, khung cảnh quê nội đầy huyền ảo mà thật bình yên, khác hẳn những đêm lao xao nơi thành phố Voi ở.

Vắng mẹ từ tấm bé nên Voi chỉ biết mỗi tình yêu thương của bố và bà. Voi hết nằm trên cánh tay bố, lại ngã sang lòng nội.

Sáng, Voi thức dậy từ sớm, lẫm đẫm theo nội ra hè tưới nước cho lũ bầu, lũ bí. Mấy ngón tay nhỏ xíu của ông cháu nhỏ rụt rè, khẽ đung đưa những quả bí chanh của nội. Ở thành phố, Voi chỉ thấy những loại quả này im lìm trong siêu thị, nhưng ở nhà bà trông nó như đang chuyện trò, cười giỡn cùng Voi. Nắng sớm rọi xuống làm long lanh những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán đứa cháu nhỏ, Voi lăng xăng chạy theo lũ gà con óng vàng lông tơ. Bà nội sợ gà mẹ ham con nên dặn chừng:

- Voi cẩn thận đừng chọc giận gà nghen con!

- Mai mốt nội cho Voi một con gà để Voi nuôi được không nội?

- Được, được - Bà nội móm mém cười hiền lành, tạm ngưng tay nhìn cháu.

Chiều đến, biết Voi về nên anh Tý con bác Hai chạy sang rủ đi thả diều. Bà nội nửa sợ nắng nôi, nửa thương đứa cháu đang buồn bã, dùng dằng. Bố Voi trấn an:

- Lâu lâu mới có cơ hội mà má!

Vậy là hai bà cháu quyết định đi cùng. Voi còn nhỏ nhưng đã biết lo cho nội, sợ nội mệt nên dặn dò như ông cụ non:

- Nội ở đây nhìn con, con theo anh Tý rồi một lát chạy vào với nội.

Anh Tý cầm diều đưa lên thật cao còn Voi dùng hết sức lực để chạy. Sau bao lượt ngoằn ngoèo trườn trên bờ ruộng, con diều cũng đáp đền cho hai anh em chút quả ngọt khi bay lượn tuốt trên cao. Voi ríu rít mừng rỡ, ước mình được thu nhỏ lại để ngồi trên cánh diều, lúc đó chắc chắn trông Voi sẽ như những phi hành gia bay trên không trung khám phá vũ trụ.

Anh Tý cột dây diều vào nhành cây cho nó thỏa thuê bay lượn rồi dắt Voi đi bắt cào cào. Voi chỉ việc giữ thật chắc chiếc bịch ni lông đựng chiến lợi phẩm, phần săn bắt yên tâm để anh Tý lo liệu. Thỉnh thoảng, Voi bắt chước dáng đi nhẹ nhàng, rình mò giống anh Tý, điệu nghệ thò tay chụp lấy con mồi nhưng con cào cào nhanh nhảu thoát khỏi đôi tay nhỏ xíu làm Voi tiếc nuối ngẩn ngơ.

Mặt trời từ từ xuống núi, anh Tý lại rủ đi tắm mương nhưng Voi chắc chắn sẽ không được nội đồng ý. Đứng trên bờ, Voi chỉ dám thò tay cho dòng nước lách luồn qua kẽ. Dưới dòng nước trong vắt, Voi nhìn thấy cả đàn cá đang hì hục ngược về phía đầu nguồn. Voi ước mình lớn thật nhanh bằng anh Tý để được ngụp lặn như anh.

Hai ngày nghỉ hè nhà nội trôi qua chóng vánh. Đồng nghiệp bố gọi điện báo tin cơ quan có việc gấp nên hai bố con phải thu xếp trở về. Voi tiếc hùi hụi khi bao nhiêu kế hoạch cùng anh Tý trong ngày mai phải hoãn lại. Đôi mắt nội buồn thiu khi con cháu vừa về chưa kịp quen hơi đã vội vàng xa cách. Nội lúi húi, giúi vào cặp Voi mấy đồng bạc lẻ mặc bố Voi càu nhàu, không chịu.

- Hay con để Voi ở lại chơi thêm bữa nữa rồi má dẫn cháu lên.

- Không được đâu má! Đường sá xa xôi, chân má đau nhức, đi lại khó khăn, nhỡ có chuyện gì. Hôm nào cuối tuần con lại chở thằng nhỏ về với má, nghen má!

Cuộc chia ly nào cũng khiến người ta bịn rịn khi người ở lại bùi ngùi một nỗi trống trải, xốn xang còn người ra đi dùng dằng chẳng chịu rời gót.

Nội tiễn bố con Voi ra tận ngõ, dường như người mẹ nào khi tiễn con đi xa đều không ngớt lời dò dặn. Voi vừa buồn, vừa tiếc nuối nhưng vẫn không quên vẫy cánh tay nhỏ xíu tạm biệt bà. Tiếng xe mờ dần, nội vẫn tần ngần dõi đôi mắt kèm nhèm theo bóng dáng hai cha con. Nội nghe trong lòng tiếng gọi của đứa cháu thơ ngây hôm ngày sum họp vẫn còn văng vẳng.

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/317724/ve-noi-nghi-he-truyen-ngan-cua-le-truong-thuy-diem.html