Về Phú Hữu nghe tiếng trống kỳ yên

Về Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng) vào những ngày tháng 2 âm lịch để nghe tiếng trống khai lễ kỳ yên (cúng đình) Đình thần Phú Hữu vang vọng cả một vùng quê, như thúc giục mọi người đến đây thắp nén hương nhớ cội nguồn, về những bậc tiền hiền đã khai sinh và bảo vệ vùng đất này và tin vào một tương lai xán lạn, nghe vọng về một thuở xa xưa thời mở làng lập ấp.

Thắp hương tưởng nhớ các tiền nhân. Ảnh: KGT

Thắp hương tưởng nhớ các tiền nhân. Ảnh: KGT

Đình thần Phú Hữu (tọa lạc ấp Phú Hữu, xã Phú Hữu, huyện Long Phú) có lối kiến trúc rất đặc trưng của các ngôi đình làng Nam Bộ (cổng đình, sân đình, gian trước, gian giữa, chính điện…); có khuôn viên rộng rãi với nhiều cây cổ thụ che mát nên không khí lúc nào cũng dễ chịu, tạo không gian linh thiêng của ngôi đình. “Căn cứ vào sắc phong thần do vua Tự Đức sắc phong ngày 29-11-1852, đình được lập để thờ Thành Hoàng và các bậc tiền hiền đã có công khai làng lập ấp cùng những chiến sĩ thời trước đã có công bảo vệ làng xã” - ông Nguyễn Văn Sơn - Hội trưởng Ban hội Đình thần Phú Hữu chia sẻ.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ngôi đình được tháo dỡ để tránh việc Pháp sử dụng làm đồn bót. Năm 1957, đình được xây dựng lại theo kiến trúc cũ, trong đó vẫn giữ được bốn cây long trụ (bốn cây cột có chạm trổ hình rồng uốn lượn trong mây ở ngay chính điện, bốn cây long trụ được làm từ gỗ căm xe có tuổi đời trên trăm năm).

Và cứ hai năm một lần, lễ kỳ yên Đình thần Phú Hữu sẽ được diễn ra trong không khí rộn ràng và tấm lòng thành kính của người dân nơi đây dành cho người xưa, những tiền hiền, hậu hiền có nhiều công trạng với làng xã. Năm 2022 là năm đáo lệ, Đình thần Phú Hữu lại tổ chức lễ kỳ yên trong thời gian từ ngày 15 đến ngày 18-2 âm lịch (nhằm ngày 17 đến 20-3 dương lịch) - đây là một hoạt động mang tính truyền thống được tổ chức long trọng với đầy đủ lễ thức của cúng đình người Việt.

Theo đó, nghi thức cúng Bà được thực hiện lúc 3 giờ chiều ngày 15, cúng Thần Nông lúc 12 giờ đêm ngày 15. Đáng chú ý là lễ xây chầu diễn ra lúc 1 giờ rưỡi sáng ngày 16 đúng theo các lễ: lễ khai nhật - nguyệt, lễ điền hương - điền hoa, lễ tam hiền: Phước - Lộc - Thọ; lễ tứ tướng Thiên Vương: Đông - Tây - Nam - Bắc; lễ đại bội. Kết thúc lễ xây chầu là nghi thức đại bội - cúng bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông với ước mơ bốn mùa hoa nở để nhân dân trong vùng no ấm, làm ăn tấn tới và vụ mùa bội thu. Trước đó là nghi thức rước sắc phong thần. “Mặc dù tình hình dịch Covid-19 đã tạm ổn nhưng Ban trị sự Đình quyết định không tổ chức hát bội và không tổ chức hội chợ để góp phần phòng, chống dịch, tuy nhiên, vẫn giữ được các lễ thức của cúng đình truyền thống từ trước đến giờ” - ông Nguyễn Văn Sơn - Hội trưởng Ban hội Đình thần Phú Hữu chia sẻ.

Đặc biệt, trong mùa kỳ yên có rất đông bà con trong và ngoài xã tìm đến đây để thắp nén hương nhớ cội nguồn. Trong khói nhang nghi ngút từ thẳm sâu tiềm thức nghe vọng về một thuở xa xưa thời mở làng lập ấp. Tất cả tạo nên không khí náo nức, nhộn nhịp của ngày hội làng quê. Anh Trần Văn Toàn, ngụ ấp Phú Trường, xã Phú Hữu, huyện Long Phú bộc bạch: “Vào dịp cúng đình, gia đình thường đến đây thắp nén hương để tỏ lòng thành kính với bậc bề trên, những bậc tiền hiền đã khai sinh và bảo vệ vùng đất này, cầu mong cho mọi điều tốt lành trong cuộc sống”.

KGT

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/ve-phu-huu-nghe-tieng-trong-ky-yen-55760.html