Về quê lập nghiệp, góp sức xây dựng quê hương
Những năm gần đây, nhiều người trẻ quyết định rời bỏ cuộc sống đô thị, trở về quê tìm kiếm cơ hội làm giàu trên quê hương. Sự chuyển biến trong tư duy và định hướng nghề nghiệp đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, mang lại sức sống mới cho các miền quê.
![Sùng A Tủa trồng rau cải nương phục vụ khách du lịch. (Ảnh: Báo Yên Bái)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_422_51424871/6da5e9b7d0f939a760e8.jpg)
Sùng A Tủa trồng rau cải nương phục vụ khách du lịch. (Ảnh: Báo Yên Bái)
Tốt nghiệp Trường đại học Luật Hà Nội, Sùng A Tủa từng có công việc ổn định tại Thủ đô, nhưng khát khao phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống bà con dân bản đã thôi thúc anh trở về quê.
Phình Hồ là xã vùng cao khó khăn của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, nơi người dân sống chủ yếu nhờ làm nương rẫy, trong khi đất đai cằn cỗi, thiếu nước canh tác. Mảnh đất heo hút này từng cách biệt với thế giới bên ngoài, cái đói nghèo và lạc hậu đeo bám qua bao đời. Tuy nhiên, A Tủa nhận ra vẻ đẹp hoang sơ, cuốn hút của thiên nhiên và nét văn hóa bản địa đặc sắc là tiềm năng lớn để phát triển du lịch.
Với mong muốn tạo sinh kế mới cho người dân, anh Sùng A Tủa kiên trì học hỏi, xây dựng kênh TikTok "A Tủa Phình Hồ" để quảng bá quê hương. Những hình ảnh chân thực cùng lối kể chuyện tự nhiên về bữa ăn, phong tục, sinh hoạt thường nhật của người Mông đã nhanh chóng thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi và hàng triệu lượt yêu thích. Nhờ đó, không chỉ cảnh sắc, văn hóa và ẩm thực của Phình Hồ được biết đến rộng rãi, mà các sản phẩm địa phương như: trà shan tuyết, gạo nếp Tú Lệ, rau cải nương, gà đen cũng tìm được thị trường tiêu thụ rộng lớn. Mạng xã hội góp phần đưa Phình Hồ bước ra thế giới, đồng thời trở thành cầu nối giúp người dân bản địa tiêu thụ nông sản nhanh hơn, giá tốt hơn.
Không dừng lại ở việc quảng bá, A Tủa còn kết nối đầu tư, xây dựng điểm du lịch "Laucamping Phình Hồ" trở thành "thiên đường săn mây" nổi tiếng, thu hút đông đảo khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân. Anh cũng ứng dụng công nghệ số trong dịch vụ du lịch như: đặt homestay, hướng dẫn tour trực tuyến. Những chuyến tham quan do anh tổ chức mang đến trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên và cuộc sống người H’Mông, tạo sự gắn kết giữa du khách và bà con dân bản.
Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ, "anh cán bộ xã" Sùng A Tủa góp phần xây dựng hình ảnh Phình Hồ nổi bật trên bản đồ du lịch, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Phình Hồ hôm nay khoác lên mình diện mạo mới, sạch đẹp, văn minh và giàu sức sống. "Tôi muốn Phình Hồ phát triển mà không đánh đổi thiên nhiên hay bản sắc văn hóa. Bà con làm du lịch không chỉ vì kinh tế, mà còn vì niềm tự hào về bản sắc và phong cảnh quê hương"- A Tủa tự hào nói.
Cũng như Sùng A Tủa, chị Võ Thị Minh Nga từng là phóng viên làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt 10 năm, nhưng đã quyết định trở về quê hương của mình ở thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam để khởi nghiệp. Quyết định này gặp nhiều phản đối từ gia đình, nhưng chính khát khao giúp quê hương thoát nghèo đã giữ vững bước chân chị.
Hành trình khởi nghiệp của chị Minh Nga gặp nhiều khó khăn. Thời gian đầu, chị lên bản cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt và làm việc với bà con đồng bào Bh.nong (thuộc dân tộc Giẻ Triêng). Chị học hỏi về văn hóa, phong tục, cách trồng lúa và khai thác những đặc sản núi rừng. Với số vốn ban đầu 50 triệu đồng, chị Minh Nga bắt đầu khởi nghiệp từ việc bán những sản phẩm như: mật ong, tinh bột nghệ, gạo lứt, trên các nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, do thiếu nghiên cứu thị trường và thiếu kinh nghiệm, những sản phẩm này không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, khiến không ít lần chị thất bại.
Nhưng thất bại không làm chị Minh Nga nản lòng. Chị kiên trì nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất, phát triển những sản phẩm gắn liền với gạo lứt Bh.nong, dần dần được khách hàng đón nhận. Tháng 4/2019, chị Nga chính thức thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phương Nga và đăng ký thương hiệu "Gạo lứt rẫy Bh.nong". Dòng sản phẩm từ gạo lứt rẫy Bh.nong như: trà gạo lứt, bột gạo lứt, gạo lứt sấy rong biển, gạo lứt sống cũng chính là sản phẩm chủ lực của công ty. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn duy trì các sản phẩm đã được thị trường ưa chuộng như: tinh bột nghệ rừng Bh.nong, mật ong rừng già Bh.nong. Hiện, có hai sản phẩm của công ty đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao là: tinh bột nghệ rừng Bh.nong và thanh cơm gạo lứt rẫy Bh.nong. Bình quân mỗi tháng, công ty đạt doanh thu một tỷ đồng.
Từ xưởng sản xuất nhỏ chỉ rộng 50m2, hiện nay, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phương Nga đã bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản của người dân, tạo công ăn việc làm cho 14 lao động chính với mức lương từ 6 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng. Họ là những lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo của địa phương. Bên cạnh đó, công ty còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện như: xây trường học, làm cầu, làm đường, hỗ trợ người già neo đơn, trẻ em mồ côi…
Năm 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh bị gián đoạn, anh Tô Văn Lộc đã quyết định "bỏ phố, về quê" ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để lập nghiệp. Anh Lộc bắt đầu cuộc sống ở nông thôn với công việc sáng tạo nội dung số. Những thước phim đẹp, dung dị, tự nhiên về cuộc sống bình yên ở thôn quê, những công việc của nhà nông, những món ăn dân dã được anh sản xuất và đăng tải trên các nền tảng: YouTube, Facebook, TikTok đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm và tương tác trên mạng xã hội.
Nhận thấy tiềm năng lớn của các sản phẩm nông sản chất lượng cao nhưng lại chưa được kết nối hiệu quả đến người tiêu dùng, Tô Văn Lộc quyết định chuyển sang vừa sản xuất, vừa kinh doanh nông sản. Tận dụng lợi thế am hiểu công nghệ và các kênh mua sắm trực tuyến, anh bắt tay làm các chương trình quảng bá và bán các sản phẩm nông sản trên các nền tảng số.
Sau hơn ba năm lập nghiệp ở quê, Tô Văn Lộc đã xây dựng được cơ sở kinh doanh ổn định, với những sản phẩm như: bột sắn dây, trà gạo lứt đậu đen, gạo huyết rồng được khách hàng ưa chuộng. Đồng thời, anh vẫn duy trì công việc sáng tạo nội dung số để quảng bá hình ảnh cuộc sống tươi đẹp ở nông thôn và các sản phẩm ngon và sạch của quê hương.
Không ngại khó, dám ước mơ và luôn nỗ lực tìm cách biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để thay đổi, những người trẻ như: Tô Văn Lộc, Võ Thị Minh Nga, Sùng A Tủa không chỉ làm giàu cho chính họ mà còn góp sức phát triển kinh tế nông thôn và truyền cảm hứng mạnh mẽ.
Theo nhandan.vn