Về quê tát đìa ăn Tết
Ở Cà Mau, sau vụ hè thu ruộng khô cạn, cá đồng rút dồn về các đìa (ao) đợi mưa xuống lại tràn về đồng sinh đẻ. Thành lệ của vùng văn hóa lúa nước từ lâu, trùng dịp cuối năm, nên nông dân thường tát đìa bắt cá, đón người thân về quê ăn tết.
Sáng sớm, người chú dưới quê gọi lên Sài Gòn: “Mùng mấy Tết tụi bây dìa (về)? Tao còn chừa mấy kg cá lóc đợi bây dìa nướng trui ăn tết, rọng (nhốt) lâu nó ốm.” Vậy là thu xếp mọi chuyện, tất tả đón xe về quê như mọi năm.
Nét văn hóa từ thời khẩn hoang
Cà Mau có rất nhiều cá đồng, mỗi nhà đều có cái đìa, ao gần ruộng làm nơi lưu giữ giống và thu hoạch cá. Đã thành cái nếp từ xưa của vùng văn hóa lúa nước nơi đây, cứ dịp cuối năm (từ 25 – 29 âm lịch, hoặc từ mùng 4 đến mùng 9 tết) người Cà Mau lại tát đìa để bắt cá ăn tết.
Do đặc tính cá đồng khi ruộng cạn, rút vô đìa đến mùa tết thường mập ú, tích trứng chờ qua tết mưa xuống tràn ra đồng để đẻ. Đây cũng là khoảng thời gian mà người thân, con cháu đi làm ăn xa trở về quê ăn tết, nên mỗi khi nhà nào tát đìa, thì cứ vui như trẩy hội.
Là vùng có sản lượng cá đồng cung cấp hàng chục ngàn tấn cho thị trường trong ngoài nước, Cà Mau có nguồn cá đồng dồi dào, tập trung nhiều tại các huyện U Minh, Thới Bình, nhiều nhất là ở vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời. Trước đây cá đồng ở Cà Mau rất dồi dào, mỗi dịp tát đìa có thể bắt vài trăm kg, thậm chí có cả rùa rắn.
Hiện sản lượng cá hiện bị suy giảm nhưng mỗi đìa cũng kiếm được vài chục kg cá cá lóc, cá trê, cá rô, cá thác lát, sặc,… Số cá thu được, bà con chừa cá nhỏ làm giống mùa sau. Số cá ăn ngay như cá rô biển, cá phi, cá trê vàng….
Số cá lớn thường rọng lại (đổ cá trong nước vừa ngập, thay nước hàng ngày để cá sống được nhiều ngày) như cá lóc, cá trê, cá rô để ăn. Một số làm khô như cá sặc bướm, cá sặc bổi (rằn), cá lóc nhỏ để dành ăn vào dịp Tết.
Nhiều hộ trúng mùa cá đồng còn bán được vài triệu, thậm chí chục triệu đồng để có tiền mua sắm đồ đạc trong dịp Tết. Trước đây, tát đìa bằng gàu hai người, cả xóm thay nhau tát cả ngày mới xong. Bây giờ người dân tát đìa bằng máy bơm, chỉ vài tiếng là đìa cạn trơ đáy lộ ra những con cá đồng mập ú.
Cận Tết, anh Đào Việt Triều ở ấp 1, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), đã dậy sớm chuẩn bị máy bơm để hút nước đìa gần nhà bắt cá ăn Tết. Cha anh - ông Tư Chiến thì sửa soạn xô, chậu, thau, rổ… chờ đìa cạn bắt cá. Mấy người cháu của ông Tư Chiến ở xa về cũng tranh thủ qua phụ giúp một tay. Thêm mấy người hàng xóm qua ngồi uống trà đợi nước cạn để xuống giằng công bắt cá.
Ông Tư Chiến kể, ngày xưa, nguồn lợi cá đồng nhiều vô số kể, mỗi lần nhà nào tát đìa là cả xóm ăn. “Hồi đó cá dữ lắm, có thể 100 – 200kg, cá lóc một con nặng vài kg là bình thường. Chủ đìa bắt sơ qua lượt hết cá lớn rồi cho hàng xóm ‘bắt cá hôi’ nên một nhà tát đìa cả xóm cùng ăn. Nghe tát đìa là bà con đến đông vui lắm.”
“Dằn công” – nét văn hóa độc đáo
“Ở xứ Cà Mau này, dằn công là nét độc đáo mang nặng tình làng nghĩa xóm của vùng làm lúa nước. Hôm nay nhà bên này cấy hay gặt lúa, sang nhà hàng xóm nhờ giúp. Vài hôm sau hàng xóm có việc cần, lại sang nhờ nhà mình phụ lại. Tát đìa cũng vậy” – chú Tư Chiến nói.
Chú Tư Chiến kể, hồi đó, trong xóm có nhà nào tát đìa là mình đến phụ giúp rồi tới mình tát hàng xóm tiếp lại, kiểu làm “dằn công” (xoay vòng giúp nhau ngày công) với nhau vui lắm. Nhưng bây giờ, cá ít quá nên mạnh nhà nào nhà nấy làm, không còn nhiều nhà dằn công như xưa nữa. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, nước về đồng bằng ngày càng ít, lụt càng hiếm gặp hơn, nên cá tôm cứ ít dần theo con nước.
Theo đó, mùa tát đìa thường diễn ra trước Tết khoảng 5 - 10 ngày, nếu quá sớm cá rộng (nhốt cá) lâu sẽ chết hoặc ốm (gầy). Nhà nào nước đìa còn nhiều, ăn tết xong mới tát (có khi bắt đầu từ mùng 4 mùng 6 trở đi). Tát đìa chỉ bắt cá lớn, không bắt cá nhỏ nên mùa sau lại có cá ăn tiếp. Năm nào cũng vậy, cúng xong ông Táo gia đình ông xách máy ra bơm nước tát đìa.
Còn anh Hồ Văn Hiểu, xã Lý Văn Lâm TP Cà Mau thì kể, tát đìa vui nhất là lúc bắt cá. Khi nước cạn dần cũng là lúc mặt đìa lục ục những bọt khí của những con cá đang ngoi lên do mắc cạn. Lúc đó, cả chục người trong nhà và hàng xóm kéo xô, rổ, dàn hàng ngang để bắt cá, kể nhau nghe những câu chuyện tiếu lâm để quên đi mệt nhọc.
“Bắt cá xong, mặt mũi ai nấy cũng lấm lem bùn đất nhưng vui lắm.” Mọi người nhanh tay bắt cá kịp trời nắng lên. Họ lê từng bước nặng trịch dưới lớp bùn lún ngang đầu gối để lùn sục những con cá lóc lớn trốn kỹ dưới lớp bùn. Thấy đủ ăn tết, sau khi đổ số cá nhỏ sang đìa bên cạnh để làm giống mùa sau, anh Hiếu tuyên bố “bỏ.” Vậy là một đám nhóc ào xuống đìa bắt cá “hôi” (cá còn sót lại), như là phần thưởng dằn công cho việc bắt phụ nãy giờ.
Tát xong, anh Hiểu chọn vài con cá lóc to đem đi nướng trui bằng rơm bày tiệc nhậu với những người hàng xóm và số con cháu trong nhà. Khi rơm cháy hết cũng là lúc những con cá lóc, cá rô vừa chín tới, chỉ cần gạt sơ lớp vảy cá dính bụi than bên ngoài, thịt cá trắng, thơm, vẫn bốc hơi nóng lên thơm lừng.
Bữa tiệc ngày bờ ruộng theo kiểu chân quê. Lấy lá chuối làm mâm, bày cá nướng lên, tất cả ngồi quây quần bên nhau, xen lẫn tiếng cười rôm rả giữa cơn gió tháng Chạp se lạnh trên đồng. Mấy con cá nướng còn nóng, từng lớp thịt chín trắng chấm muối ớt khiến những ai một lần được thưởng thức khó thể nào quên.
Trước khi nâng ly “zdô” sảng khoái, anh Sáu nhà kế bên nói: “Mai tới nhà tui tát đìa, mọi người qua dằn công nghen!” Mọi người hào hứng đồng tình, còn phụ họa thêm nhớ tìm mua đúng rượu Tân Lộc - Thới Bình Cà Mau để nhậu với cá đồng mới đã!
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ve-que-tat-dia-an-tet.html