Về với lễ hội Phủ Mỗ xứ Thanh
Theo Sách Địa chí huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (tr.81, NXB Hà Nội, năm 2005): 'Tại chân núi giếng Hang, làng Tây Mỗ, xã Hà Thái, có một ngôi đền Mẫu rất thiêng gọi là đền Bà Chúa Ba (tức Hoàng Thị Quế Hoa), đền quay mặt về hướng Bắc, đối diện là dãy núi Giang Hạc…'.

Nghinh môn Phủ Mỗ
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (số 1 (135). 2017, tác giả Chu Xuân Giao viết: “Về kết cấu kép ở trung tâm của truyền thuyết hệ thần Liễu Hạnh qua khảo sát thần tích Đệ tam tiên chúa được phụng thờ ở Nga Sơn và Nghĩa Hưng”... Lần theo dấu tích ngôi đền Mẫu ở thôn Thái Tây, gần đến ngày lễ hội (7/3 âm lịch) năm 2025 chúng tôi về thăm di tích Phủ Mỗ tại xã Hà Thái, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Tại chính điện Phủ Mỗ có dựng tấm bia ký bằng đá nguyên khối, trán bia trang trí hoa văn cánh sen, riềm bia hoa văn cúc dây cách điệu, nổi bật dòng chữ in hoa tiếng Việt: “BIA GHI VIỆC TRÙNG TU TÂY MỖ LINH TỪ (PHỦ MỖ)” (trên 1000 từ) do tác giả Trần Quang Dũng, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long biên soạn, mùa Xuân ngày 8 tháng 3 năm Đinh Dậu (2017).
Nội dung tấm bia ký khái quát sự tích về Mẫu Liễu Hạnh: Liễu Hạnh là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng thượng đế, gọi là Đệ Nhị Quỳnh Hoa Công chúa sảy rơi vỡ chén ngọc quý của thiên đình bị vua cha phạt rồi giáng xuống dương gian. Lúc bấy giờ (vào thời Lê sơ) có nhà họ Phạm, tính nết nhân từ nhưng hiếm muộn, lòng thành cầu khẩn thấu tận trời xanh, vua cha thương tình truyền tiên chúa giáng trần đầu thai để cứu nhân độ thế (chuộc lỗi với vua cha). Trải ba lần giáng trần, Mẫu Liễu Hạnh được nhà nước phong kiến Việt Nam sắc phong làm Mẫu Nghi Thiên Hạ, còn được gọi là Mẹ của muôn dân. Bà là một vị thần trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam, thường gọi là Chúa Liễu Hạnh hay Mẫu Liễu Hạnh.

Bia ghi nội dung trùng tu di tích Phủ Mỗ linh từ
Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh xuống cõi trần ba lần… Lần thứ nhất (năm Thiệu Bình 1434) giáng vào nhà họ Phạm ở Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định với tên gọi là Phạm Tiên Nga. Sau khi bà mất, xã La Ngạn, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng đã lập đền để thờ trên nền nhà cũ, gọi là Phủ Đại La Tiên Từ. Tại quê mẹ ở xã Vỉ Nhuế cũng lập đền thờ gọi là Phủ Quảng Cung để tưởng nhớ công lao của bà. Lần thứ hai (năm Thiên Hựu 1557) bà giáng sinh vào nhà họ Lê ở xã An Thái, Vụ Bản, Nam Định. Lần này, bà kết duyên với ông Trần Đào Lang sinh được con trai tên là Nhân, con gái tên là Hòa. Năm 21 tuổi hạn kỳ trần gian đã hết không bệnh tật gì, rồi bà mất ngày 3/3 năm Đinh Sửu, thời Lê Gia Thái thứ 5 (1577). Lăng mộ và đền thờ ở Phủ Dầy, thôn Thiên Hương - Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định. Lần thứ ba, bà giáng sinh vào một gia đình họ Hoàng tại làng Tây Mỗ, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa và tái hợp cùng ông Mai Thanh Lâm (gọi là Mai Sinh) là hậu kiếp của Trần Đào Lang, tên bà là Hoàng Thị Trinh ở với nhau và sinh được cậu con trai, rồi hơn một năm sau bà trở về thượng giới… Văn bia trùng tu Phủ Mỗ, có đoạn: “Thánh Mẫu thực khuôn vàng thước ngọc, tài sắc vẹn toàn, hiếu nghĩa, trung chinh, nhân từ, quả cảm, giáo hóa chúng dân, đề cao luân lý, bênh người hèn yếu, trị kẻ cường quyền, trừ nội loạn, chống ngoại xâm...”. Tương truyền về Mẫu rất linh thiêng, từ đó, làng Tây Mỗ lập nên ngôi đền hương khói thờ phụng gọi là Phủ Tây Mỗ, Phủ Mỗ hay “Tây Mỗ Linh Từ” nằm ở ngay chân núi ông Quân (hay núi giếng Hang).

Giếng cổ tại Phủ Mỗ
Theo ngọc phả, Phủ Mẫu Tây Mỗ có từ xa xưa, cách đây khoảng gần sáu thế kỷ, kể từ ngày Mẫu giáng. Tại di tích, hiện còn một cây mít “đại thụ” hơn năm trăm năm tuổi ngay chân núi bên cạnh Phủ, có người nói cây mít do chính tay Mẫu trồng khi còn ở cõi trần và những “ông rắn” có mào nay vẫn về chầu trực... Trải bao thăng trầm, nắng mưa mối mọt ngôi đền dần xuống cấp, hủy hoại. Năm 1990, nhân dân địa phương đã dựng lên một miếu nhỏ trên nền đất cũ để hương khói phụng thờ vị thần, năm 1996 Phủ Mỗ được xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh”.
Nhằm giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, được cấp ủy, chính quyền quan tâm, nhân dân làng Tây Mỗ hưởng ứng cùng với tấm lòng hằng tâm hằng sản của các bản hội và khách thập phương đã công đức, từng bước trùng tu tôn tạo ngôi đền. Năm 2012, gia đình ông Phạm Thế Vinh bà Trần Thị Thu Hà đã công đức số tiền hàng chục tỷ đồng để tu bổ ngôi đền Phủ Mỗ. Sau những lần trùng tu tôn tạo khu di tích đem lại vẻ khang trang đẹp đẽ với các điện thờ Mẫu, Tam Phủ, Tứ phủ, Chúa Sơn trang... các tòa phủ mới tựa vào núi như thế tay ngai, cảnh quan diện mạo Phủ Mỗ trên vùng đất sơn kỳ thủy tú ngày càng huyền ảo mờ sương khi đông về. Trước mặt phủ có hồ sen hình bán nguyệt những làn gió đưa nhẹ thoảng hương thơm ngát. Từ nghinh môn trụ biểu án ngữ bức bình phong đề chữ “Tây Mỗ Linh Từ”. Qua giếng ngọc sóng gợn mặt nước lung linh, tới sân đền nghe chim muông véo von rộn rã, hoa trái ngát thơm. Du khách mặc sức thả hồn ngắm cảnh làng mạc đồng ruộng trù phú núi đồi trùng điệp, sau những giây phút tĩnh tâm, du khách thong thả bước lên 18 bậc lan can đá chạm rồng để vào tòa Tiền tế chính cung thờ Ngũ vị Tôn ông, công đồng Tứ Phủ, đôi bên thờ Tứ phủ Thánh cô, Tứ Phủ Thánh Cậu; Trung cung thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, quan Nam Tào, quan Bắc đẩu… Ngự ở Hậu cung Tôn trí kim thân Thánh mẫu uy nghi với kích thước lớn hơn người thật, dung mạo cốt cách nhân từ thật tôn kính mà siết bao gần gũi, trên có bảng vàng Mẫu nghi thiên hạ, đôi bên có nhị vị Tiên nương thị giả. Trở ra phía bên trái phủ là cung thờ Đức Thánh Trần, bên phải là cung thờ Phật Mẫu địa hoàng, động sơn trang và các bàn thờ cô bé cậu bé, thủ đền, thủ phủ… Từ năm 2003 đến nay, địa phương cử ông Bùi Văn Ba (64 tuổi) để trông coi bảo quản di tích, chăm lo hương khói hàng ngày cho nhân dân trong làng, ngoài xã đến Phủ cúng lễ Thánh Mẫu, tấp nập hơn vào các ngày tuần, rằm, mùng một...

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ hội Phủ Mỗ là một thành phần quan trọng tạo nên “bản đại diễn xướng sử thi Liễu Hạnh”. Hàng năm, lễ hội Phủ Mỗ tổ chức vào ngày 7 tháng 3 âm lịch nhằm tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vị thần chủ trong “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ/Tứ phủ của Việt Nam đã được tổ chức văn hóa thế giới UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong hệ thống di tích thắng cảnh (gọi tắt là di tích) ở huyện Hà Trung đã xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia, tục thờ Mẫu tại các di tích: Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở “Phủ Suối (xã Hà Vinh), Phủ Mỗ (xã Hà Thái), Phủ Trung (Thị trấn), Phủ Đại Phú (xã Lĩnh Toại); Cô Ba Thoải ở Đền cô Bơ (xã Hà Sơn), Đền Rồng, Đền Nước (xã Hà Long) và Thánh Mẫu được phối thờ tại một số di tích.

Lễ tế ngày 7/3 âm lịch hàng năm tại lễ hội Phủ Mỗ
Bà Vũ Thị Nhung, công chức Văn hóa - Xã hội của UBND xã cho biết: Nhân dân làng Tây Mỗ, xã Hà Thái tổ chức đón nhân dân và du khách đến dự lễ hội với nhiều hoạt động độc đáo diễn ra trong nhiều ngày. Trước lễ hội, từ đêm 6/3 âm lịch tại sân Phủ diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, biểu diễn văn nghệ, thể thao do các đoàn thể, các thôn chọn cử tham gia trình diễn, nhân dân trong xã lũ lượt đến dự hội đông nườm nượp làm cho sinh khí ngày hội thêm vui vẻ nhộn nhịp, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân và du khách gần xa.
Địa phương chọn cử ít nhất 8 thanh niên khỏe mạnh chưa vợ, 8 phụ nữ chưa chồng (lệ cũ) tham gia vào đội rước kiệu. Trước đó, đội tế nữ quan khoảng ba chục phụ nữ được tập luyện thành thục. Nghi thức rước kiệu, từ nơi ở của Mẫu tại Nhà thờ họ Hoàng rước sang trình với Thành Hoàng làng tại Đình làng gần đó và rước về Phủ trong sự chứng kiến của các đại biểu, đông đảo nhân dân và du khách. Sau đó là nghi thức dâng hương Thánh Mẫu, một phần nghi lễ rất quan trọng tại các đền thờ Mẫu. Đại biểu khách mời, lãnh đạo địa phương, xã bạn, nhân dân và du khách đến với lễ hội bày tỏ sự tri ân thành kính dâng lên Mẫu những mâm phẩm vật (lễ chay, lễ chín), những nén hương thơm, đóa hoa ngạt ngào hương sắc mong muốn nhận được sự phù hộ độ trì của Mẫu, nguyện cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, mọi nhà ấm no hạnh phúc, bình yên may mắn, nhiều tài lộc…
Đặc biệt, một chi tiết khá huyền bí về tín ngưỡng “cầu tự” tại lầu cô, lầu cậu trong Phủ Mỗ du khách có nhu cầu tìm về đều được Mẫu linh ứng “độ” cho. Về với lễ hội Phủ Mỗ, du khách sẽ được dịp thả hồn vãn cảnh chiêm ngưỡng không gian linh thiêng, huyền ảo chơi vơi đắm chìm cảm xúc khi thưởng thức nghệ thuật hát văn hầu bóng, với những giai điệu trữ tình da diết đến nao lòng qua giọng hát của thanh văn giá đồng Thánh Mẫu, Quan Hoàng, Quan Lớn, Cô Chín... như níu kéo du khách hãy “ở lại đừng về”…

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Thái Lai chia sẻ: “Cấp ủy, chính quyền xã đã tăng cường lãnh đạo chỉ đạo, các ban ngành đoàn thể, các thôn và nhân dân trong xã cùng “vào cuộc”, có sự hướng dẫn giúp đỡ của cấp trên hàng năm tổ chức lễ hội Phủ Mỗ thành công về mọi mặt. Với nhiều biện pháp thiết thực, địa phương tiếp tục làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích - lễ hội Phủ Mỗ theo Luật di sản văn hóa và quy định hiện hành của nhà nước”.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ve-voi-le-hoi-phu-mo-xu-thanh-a28460.html