Về với Tả Phìn Hồ mênh mông sương khói cùng Kiều Bích Thủy

Truyện ký 'Tả Phìn Hồ, ngôi làng trong sương' kể về chuyến đi thực tế của tác giả Kiều Bích Thủy khi theo chân một bác sĩ đến thăm vườn dược liệu trên đỉnh núi chưa được đặt tên, ẩn mình giữa đại ngàn Hà Giang.

Trong cuộc sống hối hả với những chiếc điện thoại thông minh liên tục rung chuông và hiển thị thông báo, mời bạn đọc thư giãn bằng cách “trốn” vào một ngôi làng ngập chìm trong sương trên đỉnh núi chưa được đặt tên, ẩn mình giữa đại ngàn Hà Giang.

Lật giở những trang đầu tiên cuốn sách Tả Phìn Hồ, ngôi làng trong sương, độc giả sẽ biết đây là chuyến đi thực tế của tác giả Kiều Bích Thủy khi theo chân một bác sĩ đến thăm vườn dược liệu và khu nghỉ dưỡng tại địa danh Tả Phìn Hồ, xã Nậm Ty, Hoàng Su Phì, Hà Giang.

Bìa sách “Tả Phìn Hồ, ngôi làng trong sương” là bức ảnh do tác giả Kiều Bích Thủy chụp trong chuyến đi.

Bìa sách “Tả Phìn Hồ, ngôi làng trong sương” là bức ảnh do tác giả Kiều Bích Thủy chụp trong chuyến đi.

Giọng văn chậm rãi sẽ đưa bạn đọc vào trạng thái tĩnh tại như thiền định. Sự chậm rãi ấy không hề nhàm chán, ngược lại, đó là cách để tác giả cảm nhận sâu sắc nhất những gì đang xảy ra với mình: “Cơn ngứa râm ran ở gần mắt cá chân thôi thúc những ngón tay của tôi không ngừng cử động, nhưng thay vì cào cấu cho thật đã, tôi chỉ dám xoa nhẹ lên vết thương hình elip bé xíu”. Truyện ký mở đầu bằng những dòng như vậy, đầy tính phiêu lưu và kịch tính, nhưng lại có chút thư thái với nhịp điệu nhẹ nhàng.

“Chiếc xe uốn lượn không khác gì cách di chuyển của loài rắn. Tôi nghiện cảm giác được luồn lách trong mê cung xanh mà dường như không có điểm kết thúc…

… Màu xanh bên ngoài cửa xe không còn thôi miên tôi được nữa, thay vào đó là cảm giác chếnh choáng nhẹ do xe liên tục bị lắc sang trái rồi lại lắc sang phải. Tôi nín thở, liếc sang nhà báo Hạnh, thấy chị bất ổn chẳng kém gì mình. Bác sĩ Hoàng điều khiển vô lăng như một game thủ đua xe tốc độ cao”.

Đọc đến đây nhiều phượt thủ sẽ bật cười nhớ lại cảm giác nôn nao những lúc đi đường núi.

Kiều Bích Thủy thuộc thế hệ 8x, thế giới quan của chị vô cùng trẻ trung, gần gũi và hài hước. Đặc biệt, những nhân vật trong câu chuyện của chị - những người bạn ngoài đời thật của tác giả, cũng bộc lộ nét hóm hỉnh không kém. Điển hình là nhân vật Hoàng, một bác sĩ gần 70 tuổi chuyên nghiên cứu y học cổ truyền, nguyên mẫu ngoài đời thực của ông chính là Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam - bác sĩ Hoàng Sầm.

Trong Tả Phìn Hồ, ngôi làng trong sương, ông là một nhân vật thân thiện, có cách nhìn đời hết sức đặc biệt:

“Băng qua vài chục kilomet thách đố thần kinh của 2 nữ du khách, bác sĩ Hoàng hồ hởi thông báo:

- Thế là đã hết đoạn đường xấu, giờ mới đến đoạn đường rất xấu”.

Hay:

“Quyền lực là một thứ khuyết tật.

Tôi nhớ, bác sĩ Hoàng đã nói như thế trong lúc chúng tôi băng qua con đường rất khó để đến với Tả Phìn Hồ”.

Có một sự hồn nhiên rất dễ nhận ra trong tâm hồn tác giả, tạo cảm giác tươi mới khi đọc truyện của Kiều Bích Thủy. Có lẽ không cần quá nhiều thủ pháp nghệ thuật hay tư tưởng cao siêu để trang trí thêm cho cuốn truyện. Chính cái chất mộc mạc, dân dã kiểu 8x đã làm nên sự lôi cuốn của truyện ký này.

Tuy nhiên, người viết cũng thường xuyên bộc bạch những suy nghĩ sâu lắng của mình, đưa bạn đọc vào trạng thái suy ngẫm và liên tưởng đến bản thân:

“Chúng tôi để mặc cho sự tĩnh lặng dẫn dắt, không ai miễn cưỡng mở lời, chỉ để có câu chuyện. Mới quen nhau vài ngày nhưng chúng tôi đã đủ thân để có thể bỏ qua mấy phép xã giao nhạt nhẽo. Ở đây, chúng tôi cư xử hồn nhiên như sương - thích thì đến, chán thì đi; vô tư như chim rừng - hứng lên cất tiếng, lười biếng cứ việc lặng thinh”.

Kiều Bích Thủy (1984) là Cử nhân Nghệ thuật Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Hiện chị là tác giả tự do, viết báo, viết sách tại Hà Nội.

Kiều Bích Thủy (1984) là Cử nhân Nghệ thuật Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Hiện chị là tác giả tự do, viết báo, viết sách tại Hà Nội.

Thế nhưng, có lẽ nhân vật được kể về nhiều nhất trong cuốn truyện ký này là thiên nhiên. Là sương, là cây, là vắt, là nhện, là thác nước… Đọc những trang mà Kiều Bích Thủy viết về thiên nhiên cũng giống như khung cảnh trong veo qua đôi mắt trẻ thơ ngày nào:

“Nhưng với tôi, sương là phép màu. Sương rời đi, tinh khôi ở lại, đọng thành giọt long lanh trên những búp lá, mời gọi những tâm hồn yêu thiên nhiên như tôi xúm lại để ngắm nghía, trò chuyện. Góp vui với tôi là các nàng nhện đỏ. Họ tỉ mẩn đan những chiếc mũ trắng tinh từ sợi tơ mỏng mảnh, trùm lên các chồi thông non nớt đang run rẩy vì lạnh.

… Tôi ghé sát vào từng nhành thông rồi lại lùi xa vài bước, những chiếc mũ bỗng biến thành những bông hoa thủy tinh phát ra tiếng ‘lanh canh như chuông gió’.”

"Nhân vật" được kể về nhiều nhất trong cuốn truyện ký này là thiên nhiên tươi đẹp.

"Nhân vật" được kể về nhiều nhất trong cuốn truyện ký này là thiên nhiên tươi đẹp.

Cứ thế, Kiều Bích Thủy đưa độc giả đến Tả Phìn Hồ, đến với cây shan tuyết cổ thụ, với thác nước Năng lượng, rừng nguyên sinh ở Hà Giang, với cả cuộc đời của chị và những nhân vật khác… Thủ thỉ và bảng lảng như màn sương, chị dẫn chúng ta vào tận những ngóc ngách trong suy nghĩ của mình, một cách cởi mở và chân thành.

Tả Phìn Hồ, ngôi làng trong sương giống như quyển nhật ký mà qua đó một người bạn thân muốn trải lòng với chúng ta, sự chân thật trong đó quyến luyến lòng mình như màn sương Tả Phìn Hồ muốn níu chân du khách. Đọc truyện để bước vào một không gian biệt lập và thơ mộng, đọc để hiểu về hoài bão và tâm huyết của những con người gìn giữ thiên nhiên, và đọc để nhớ về cội nguồn sâu xa của chính mình!

Tả Phìn Hồ, ngôi làng trong sương được Ukiyoto Canada xuất bản và phát hành toàn cầu từ trung tuần tháng 6/2024.

Ảnh: NVCC

Sao Khuê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ve-voi-ta-phin-ho-menh-mong-suong-khoi-cung-kieu-bich-thuy-2292220.html