Về vùng ngập mặn săn cá nâu

Bên dưới những tán rừng đước, trang, bần, dừa nước… ven các kênh rạch vùng hạ nguồn, nhiều ngư dân lặng lẽ với công việc săn mò cá nâu, loại đặc sản của rừng ngập mặn ven biển miền Tây Nam bộ. Cùng những ngư dân nơi cửa sông Ba Lai đổ ra biển (huyện Ba Tri, tình Bến Tre) thả lưới, lội nước, lặn ngụp để săn tìm cá nâu là trải nghiệm thú vị và cũng nhiều vất vả với chúng tôi.

Cá nâu dính lưới.

Cá nâu dính lưới.

Niềm vui khi gặp “ổ cá”

Là loài thủy sản sinh sống ở vùng nước lợ, cá nâu khá đặc trưng với thân hình mỏng và thon thon với màu nâu nhạt toàn thân cùng những chấm nâu đậm đặc trưng. Từng phổ biến ở vùng ven biển khắp dải đất miền Tây Nam bộ nhưng cũng như nhiều loại thủy sản khác, cá nâu tự nhiên giờ khá hiếm vì việc đánh bắt khó khăn. Nhưng vẫn còn một số gắn bó với công việc này, phần vì đam mê và phần nữa vì giá trị kinh tế cao khiến của cá nâu tự nhiên. Trong số đó có nhóm của anh Nguyễn Văn Hoài 35 tuổi, ngụ ở xã Bảo Thạnh (huyện Ba Tri), người làm nghề săn bắt cũng nhiều năm. Theo anh Hoài, nhóm của anh có 4-6 người đi chung thường bắt cá nâu bằng cách vây lưới và lặn mò. “Mấy rặng dừa ven sông Ba Lai, rạch Vũng Luông, sông Ba Tri hay vùng đầm phía trụ điện gió ở Thới Thuận, Thừa Đức là ngư trường chính của nhóm. Ngày nào tôi cũng cùng mấy anh em trong ấp ra đó rải lưới rồi mò cá nâu. Cá nâu là loài cá rất lạ, chúng ít di chuyển và sống lẩn trong các bụi cây ngập nước, gốc dừa nước hay cả trong hang đất nữa. Đặc biệt, khi tìm được nơi ẩn nấp an toàn, cá nâu sẽ đi theo đàn hàng chục con. Những lúc gặp đàn cá nâu là vui nhất vì ngày hôm đó sẽ trúng đậm”, anh Hoài chia sẻ.

Theo anh Hoài, khi xác định vị trí thì nhóm của anh sẽ giăng lưới dính, loại lưới có mắt khá lớn theo vòng tròn và sử dụng cành cây đập nước tạo sóng cho cá nâu di chuyển tới các khu vực ven bờ để trú ẩn. Sau đó các anh sẽ từ từ thu hẹp vùng lưới lại nhưng đây không phải là ngư cụ chính để bắt cá nâu mà bản thân họ sẽ trực tiếp lội nước mò tìm cá. Trong những hốc đất, gốc cây dừa, cây bần ven bờ kênh rạch hay chính các vết chân lội bùn thường là chỗ mà cá nâu trú ẩn sau khi vùng nước bị động sóng. Tập tính này vừa thuận lợi cũng vừa khó khăn với người bắt cá nâu bởi phải tận tay săn tìm chúng, thay vì đợi chúng dính vào lưới như một vài loài thủy sản khác. “Cá nâu nhỏ nhưng chúng có vây ở lưng và bụng rất sắc, nhọn như cây kim nên nếu bị đâm sẽ đau buốt. Tuy nhiên làm nghề săn cá nâu thì sẽ buộc phải chấp nhận thôi. Ai mới vào nghề sẽ đau nhưng tôi thì quen rồi, không còn sợ bị gai cá đâm nữa. Ngoài ra, khi chạm vào chúng mình cũng phải lựa ở phía thân và đầu để tránh bị chúng đâm phải”, anh Hoài chia sẻ thêm.

Cũng nhiều năm đi săn bắt cá nâu cùng anh Hoài, anh Đặng Văn Đông, 32 tuổi ở cùng địa phương cho biết mặc dù có sử dụng lưới để giăng nhưng đây không phải ngư cụ chính bắt cá nâu. “Lưới mình giăng phía bên này và bên kia thôi chứ ít cá dính lưới lắm. Quan trọng là mình đập cho nước động để cá tìm nơi trú ẩn và bắt chúng đó. Vì cá nâu hay di chuyển sát mặt đất chứ không như cá nổi khác. Hơn nữa, khi trú ẩn cá sẽ tụ tập nhiều ở những nơi an toàn nên có thể bắt được nhiều hơn”, anh Đông kể.

Theo anh Đông, thời điểm cuối năm cá nâu béo mập và rất bự, có thể nặng tới hơn nửa ký lô. Tuy nhiên, phần nhiều cá nâu dao động khoảng 3 tới 6 con mỗi ký. Ngoài ra, khi gặp những con cá nâu nhỏ thì nhóm của anh cũng bỏ lại bởi có thể ít tháng nữa, họ sẽ lại bắt được chúng nhưng đã lớn hơn.

Lặn bắt cá nâu

Lặn bắt cá nâu

Cuộc sống vùng cửa biển

Theo ghi nhận của chúng tôi, những vùng kênh rạch hẹp và nhiều gốc dừa nước thì nhóm của anh Hoài, anh Đông không bủa lưới mà trực tiếp lội xuống để lần tìm cá nâu. Ngoài cá nâu, thi thoảng trong những gốc cây này họ còn bắt được tôm càng xanh hoặc tôm sú. Tại những vùng nước rộng hơn, họ thả lưới và dần thu hẹp lại rồi mới tìm cá. Sau đó, họ thu lưới lại và trong mảnh lưới này vẫn có một số con cá nâu, cá rô, cá chẽm dính lưới.

Người dân địa phương cho biết, điều khó khăn nhất khi săn cá nâu là những ngày nước lên, những đoạn sông kênh sâu, nước lớn. Lúc này các anh phải lặn xuống dưới nước để tìm bắt cá nâu và công việc đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Thậm chí họ phải bỏ tiền trang bị một số loại ống thở đơn giản để có thể ngụp ở dưới nước chừng 6-7 phút đồng hồ phục vụ công việc. Bù lại, những vùng nước này thì cá nâu thường lớn hơn, có con xấp xỉ cả ký lô, bự như chiếc lá bàng chứ không ít. “Mấy ngày nắng anh em chúng tôi chạy xuôi về phía cửa sông Hàm Luông lặn cá nâu. Ngoài đó cá bự lắm. Cá bự như vậy bán trăm tám mươi ngàn mỗi ký. Ngày kiếm dăm con là đủ rồi. Trong này nước êm nhưng cá nhỏ hơn. Nâu nhỏ giờ vựa ở đây họ chỉ mua có một trăm hoặc trăm mốt ngàn thôi. Mỗi ngày anh em bắt được chừng hơn chục ký rồi bán và chia nhau tiền công, được hai ba trăm ngàn cũng đủ sống rồi. Ngoài lặn cá nâu, buổi tối mình cũng đặt thêm lưới nữa. Lưới thì nhiều loại cá nhưng chủ yếu cá trắng, giá bán chỉ vài chục ngàn thôi”, anh Đông chia sẻ thêm. Theo những ngư dân gắn bó với sông nước nơi đây, họ không cố định săn tìm một loại thủy sản nào mà tùy từng thời điểm trong năm, tùy từng thời tiết mà dựa vào đó để kiếm sống.

Cá nâu, đặc sản vùng cửa biển miền Tây Nam bộ

Cá nâu, đặc sản vùng cửa biển miền Tây Nam bộ

Theo chị Nguyễn Thị Hoa, 53 tuổi, một chủ thu mua cá nâu ở ven đường quốc lộ 57B đoạn qua xã Bảo Thạnh thì ngày nào vựa chị cũng thu mua vài chục ký cá nâu gửi lên thành phố Bến Tre, thành phố Hồ Chí Minh cho các vựa. “Vùng này nhiều cửa sông, nhiều rừng ngập mặn nên cá nâu nhiều lắm. Cá nâu nước lợ là ngon nhất. Bây giờ giá cũng khá cao, thường thì gấp 2 lần so với cá nuôi. Nhiều hộ dân ở đây họ nuôi cá nâu vì nhu cầu nhiều và giá cao nhưng vựa của tôi chỉ thu mua và gửi cho khách cá tự nhiên thôi. Hầu hết cá mình đông lạnh rồi mới vận chuyển đi”, chị Hoa kể.

Thực tế, cá nâu là loại thủy sản quen thuộc với cư dân vùng hạ nguồn ở vùng Tây Nam bộ. Từ kênh rạch ở cửa biển Ba tri, Bình Đại (tỉnh Bến Tre) cho tới vùng Duyên Hải, Đông Hải, Nhà Mát hay Gành Hào, U Minh, Cái Nước… đều có rất nhiều cá nâu. Thậm chí có thời gian, càng đi về phương Nam, cá nâu càng nhiều. Ngày nay, cũng như nhiều loại thủy hải sản khác, cá nâu trở lên khan hiếm và để bắt được chúng cần những người có kinh nghiệm, am hiểu. Điều đặc biệt, càng khan hiếm thì chúng lại càng được săn lùng và tìm kiếm.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ve-vung-ngap-man-san-ca-nau-10295123.html