VEAM: 35 năm 'giữ lửa' ngành cơ khí Việt Nam

Qua 35 năm xây dựng, trưởng thành, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP đã khẳng định vai trò trụ cột của ngành cơ khí Việt Nam.

Sáng 9/5 tại Hà Nội, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm thành lập (12/5/1990-12/5/2025). Đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đến dự chia vui với tập thể cán bộ, người lao động VEAM qua các thời kỳ. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ; các cơ quan hữu quan, các đơn vị liên doanh của VEAM cùng đối tác khách hàng của Tổng công ty.

Từ gian khó dựng nghiệp đến vị thế dẫn đầu

Ngày 12/5/1990, giữa bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) được thành lập theo Quyết định số 153/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Đây là thời điểm ngành cơ khí nông nghiệp Việt Nam đòi hỏi một mô hình hợp tác mới để khai thác tối đa nội lực, phục vụ công cuộc đổi mới nông nghiệp, nông thôn.

Ông Ngô Khải Hoàn Chủ tịch VEAM phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Ông Ngô Khải Hoàn Chủ tịch VEAM phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Ông Ngô Khải Hoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VEAM cho biết: “Những năm đầu cơ chế thị trường, sản phẩm cơ khí trong nước khó cạnh tranh với hàng giá rẻ Trung Quốc hay hàng cũ Nhật, Hàn. Nhưng chúng tôi không đầu hàng. VEAM đã cải tổ, nâng cấp công nghệ, liên kết nội bộ và mua bản quyền công nghệ hiện đại để sản xuất những sản phẩm thực sự có sức sống”.

Chính từ bước đi táo bạo ấy, sau chỉ 5 năm, sản phẩm cơ khí của VEAM không những đứng vững trên thị trường trong nước mà còn xuất khẩu được sang các nước ASEAN, phục vụ đắc lực cho nông, ngư nghiệp. Đặc biệt, các máy động lực nhỏ và thiết bị nông nghiệp của VEAM đã giúp giải phóng sức lao động, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang mô hình hàng hóa.

Từ năm 1995, VEAM bước vào giai đoạn phát triển vượt bậc khi đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài. Những liên doanh mang tính biểu tượng như Ford, Toyota và Honda ra đời và đến nay vẫn là nguồn thu chủ lực của Tổng công ty. Trong giai đoạn 2000–2016, VEAM chiếm 25% thị phần máy nông nghiệp nội địa và xuất khẩu tới hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm 2017 đánh dấu cột mốc quan trọng khi VEAM chuyển sang mô hình Công ty cổ phần với vốn điều lệ hơn 13.000 tỷ đồng, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Cùng lúc, VEAM tập trung mở rộng hệ sinh thái doanh nghiệp: 26 đơn vị thành viên, hơn 100 dòng sản phẩm cơ khí, động cơ, phụ tùng phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.

Các đại biểu thực hiện nghi thức kỷ niệm 35 năm thành lập

Các đại biểu thực hiện nghi thức kỷ niệm 35 năm thành lập

Ông Bùi Quang Chuyện, nguyên Chủ tịch HĐQT VEAM khẳng định: “Việc chuyển đổi mô hình quản lý là bước ngoặt giúp VEAM phát triển bền vững. Cổ tức hằng năm luôn trên 45%. Các công ty con, công ty liên kết đều hoạt động hiệu quả nhờ đầu tư vào thiết bị, công nghệ tiên tiến và chiến lược tài chính hợp lý”.

Song song với thành tựu về tài chính, VEAM tiếp tục đóng góp tích cực cho cơ khí chế tạo quốc gia, trong đó nổi bật là các linh kiện khó, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho nhiều tập đoàn lớn như Honda, Yanmar, Sankyo… Các sản phẩm VEAM ngày càng mang hàm lượng kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường, góp phần cơ giới hóa nông nghiệp hiện đại, nâng tầm chuỗi giá trị nông sản Việt.

Tâm thế mới, khí thế mới trong kỷ nguyên vươn mình

Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, ông Lê An Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương nhấn mạnh: “VEAM không chỉ có bề dày lịch sử mà còn đang đứng trước cơ hội lớn trong kỷ nguyên chuyển đổi. Tổng công ty cần giữ khát vọng, tự tin vượt khó, đột phá đổi mới, tái cơ cấu và bứt phá mạnh mẽ”.

Ông Lê An Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương

Ông Lê An Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương

Theo ông Lê An Hải, VEAM cần bám sát Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, ưu tiên đổi mới công nghệ, sản xuất thông minh, ứng dụng AI, tự động hóa để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. VEAM cũng cần mạnh tay đầu tư vào đội ngũ kỹ sư, chuyên gia, công nhân lành nghề, bởi đây là lực lượng quyết định sự thành công của chiến lược dài hạn.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo Công đoàn ngành Công Thương cũng như các góp ý từ thế hệ lãnh đạo đi trước của VEAM, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc VEAM cam kết: “Chúng tôi sẽ cụ thể hóa bằng lộ trình hành động rõ ràng. Tái cấu trúc toàn diện, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới như động cơ tiết kiệm nhiên liệu, cơ khí điện gió, thiết bị nông nghiệp sạch, cơ khí quốc phòng lưỡng dụng… là những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới”.

Tổng giám đốc VEAM Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, góp ý

Tổng giám đốc VEAM Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, góp ý

Ông Giang cũng nhấn mạnh, VEAM sẽ chủ động tham gia các dự án trọng điểm quốc gia như đường sắt tốc độ cao, công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ… Đồng thời xây dựng hệ sinh thái VEAM vững mạnh, thúc đẩy liên kết giữa các công ty thành viên để hình thành chuỗi giá trị bền vững, lan tỏa sức mạnh của ngành cơ khí Việt Nam.

Ông Ngô Khải Hoàn nhấn mạnh, với hành trình 35 năm hình thành và phát triển, VEAM đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì (2005), Huân chương Độc lập hạng Ba (2010), Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Công Thương và nhiều bằng khen khác.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, nguyên lãnh đạo VEAM

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, nguyên lãnh đạo VEAM

Nhưng hơn hết, tài sản lớn nhất mà VEAM có được là uy tín, là niềm tin từ thị trường, là sự gắn bó của hàng vạn cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động. “Chính tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá đã giúp VEAM có được hôm nay”- ông Ngô Khải Hoàn tự hào chia sẻ.

Không ngủ quên trên thành công, VEAM đã xác lập chiến lược phát triển giai đoạn 2026-2030 với mục tiêu tăng trưởng hai con số, hiện đại hóa toàn diện, đón đầu xu hướng sản xuất xanh, thông minh và tự chủ.

Bằng khát vọng vươn cao và tinh thần đoàn kết, tập thể VEAM cam kết sẽ luôn đồng hành cùng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời tiếp tục là “cỗ máy đầu tàu” kéo ngành cơ khí Việt Nam tiến về phía trước, đúng như ông Lê An Hải kỳ vọng: “VEAM cần trở thành con sếu đầu đàn, dẫn dắt hàng loạt doanh nghiệp trong nước cùng vươn mình ra thế giới”.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/veam-35-nam-giu-lua-nganh-co-khi-viet-nam-386808.html