Vị đại khoa dùng nền tảng giáo dục chấn hưng đất nước
Trải 50 năm làm quan, Phạm Công Trứ đã phò tá 5 đời vua Lê, 2 đời chúa Trịnh, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng.
Không chỉ chấn chỉnh tôn ti trật tự trong triều đình làm cho dân trở về với thuần phong mỹ tục, Phạm Công Trứ còn dâng sớ xin cung đốn vật chất cho các trường thi để học trò được thuận lợi học tập.
Trải 50 năm làm quan, Phạm Công Trứ đã phò tá 5 đời vua Lê, 2 đời chúa Trịnh, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng.
Là người mưu lược, luôn chăm lo việc nước, tài năng xuất chúng trên mọi lĩnh vực, lại hiểu rõ những nỗi thống khổ của dân và tầng lớp học trò nên Phạm Công Trứ đã có những đề xuất nhằm chấn hưng giáo dục, hòng đem đến sự đổi thay cho đất nước.
Văn – võ toàn tài
Phạm Công Trứ, người làng Liêu Xuyên, tổng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc thôn Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ông sinh ngày 17/3 năm Kỷ Hợi (1599) trong một gia đình Nho học, cha là Phạm Cai, mẹ là Nguyễn Thị Liên.
Từ nhỏ Phạm Công Trứ đã rất ham học, lớn lên tính tình cương trực và nhân hậu. Được sự chăm sóc, dạy dỗ chu đáo của cha mẹ, lại được quan Huấn đạo Nguyễn Hiền (người cùng huyện) giúp đỡ, nên Phạm Công Trứ sớm nổi tiếng giỏi văn chương.
Khoa thi năm Mậu Thìn 1628 niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời vua Lê Thần Tông, Phạm Công Trứ vượt qua các kỳ thi Hương, thi Hội, lọt vào thi Đình và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Sau khi đỗ, ông được bổ làm Hàn lâm viện Hiệu thảo.
Năm Tân Mùi (1631), ông được giao giữ chức Hiến sát sứ xứ Thanh Hoa. Năm Kỷ Mão (1639) ông giữ chức Phủ Doãn phủ Phụng Thiên, rồi làm Tham chính Tự khanh, được phép tham gia bàn luận việc Nội phủ. Năm Dương Hòa thứ 8 (1642) ông được thăng lên Tán lý đạo Sơn Nam, coi giữ việc binh.
Phạm Công Trứ còn đề ra nhiều chính sách cải cách quản lý Nhà nước và ông là một nhà chính trị xuất sắc. Năm Vĩnh Thọ thứ ba (1660) ông đã dâng sớ xin kiện ước văn - võ, thưởng phạt nghiêm minh. Khi giữ chức Tham tụng, ông đã nêu rõ phép khảo khóa (cất nhắc quan lại, ban điều lệ giáo hóa, khen thưởng phân minh, xét lại sổ đinh điền, định lại ngạch thuế).
Khi đảm đương trọng trách Lại bộ Thượng thư, năm Ất Tỵ (1665), Phạm Công Trứ giao cho Ngự sử đài khảo khóa các nha môn, đã phát hiện sai phạm của nhiều đại thần và tất nhiên, họ đều bị giáng chức. Những việc làm đó đã khiến cho “pháp lệnh nghiêm minh, sĩ phu danh đua cố gắng, người làm quan lấy phong thái khí tiết mà tự miễn, cho nên được gọi là đời thanh bình”.
Khích lệ học tập để chấn hưng đất nước
Những việc sắp đặt của Phạm Công Trứ được chúa Trịnh chấp nhận để ổn định trị an xã tắc. Người đương thời khen ông là vị quan đa tài, liêm khiết. Năm Tân Sửu (1661) vâng lệnh triều đình, ông đem đại quân đi đánh dẹp lực lượng cát cứ Nguyễn Phúc Tần nổi dậy ở vùng Thuận Hóa. Thắng trận trở về ông được phong hàm Thiếu Bảo, tước Quận công.
Để giáo dục kẻ sĩ, mở mang nền Nho học, tuyển chọn nhân tài cho đất nước, năm Nhâm Dần (1662) ông làm Giám thủ Quốc Tử Giám, vừa coi sóc việc trùng tu, tôn tạo Văn miếu Quốc Tử Giám, vừa đôn đốc rèn luyện việc học tập của các học sinh ở Quốc Tử Giám.
Không những thế, ông cùng quan Tham tụng Dương Trí Trạch dâng sớ xin cung đốn mọi vật cần thiết cho trường thi, đặc biệt là trường thi Hương ở các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học trò học tập. Thời gian này, ông còn cho xây dựng bia Tiến sĩ tại huyện Đường Hào để khích lệ tinh thần học tập của dân địa phương.
Phạm Công Trứ cũng có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, phong tục. Bản “Lê triều giáo hóa điều luật” (47 điều giáo hóa) mà triều Lê ban hành có nhiều đóng góp của ông - nhằm chấn chỉnh tôn ti trật tự trong triều và ngoài xã hội, làm cho nhân dân trở về với thuần phong mỹ tục. Năm Bính Ngọ (1666), Phạm Công Trứ đã dâng biểu tấu nhằm tuyên dương 13 bầy tôi tử tiết thời Lê sơ, phong làm Phúc thần, cho dựng từ đường và phụng thờ hương khói.
Là người đứng đầu bộ Lễ, Phạm Công Trứ đã kiến nghị vua Lê chúa Trịnh sửa sang lễ nghi, triều phục và định thành quy chế rõ ràng cho các quan văn võ đại thần. Ông cũng quy định phụ nữ và nam giới ăn mặc y phục theo đúng tục lệ truyền thống. Ngoài ra, ông cũng nhiều lần tấu xin ra lệnh nghiêm cấm hút thuốc, để đảm bảo sức vóc của nòi giống Việt.
Công lao to lớn của Phạm Công Trứ được vua Lê Huyền Tông ghi nhận và tấn phong “Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Lễ bộ Thượng thư, kiêm Đông các Đại học sĩ, Thiếu Bảo Yến Quận công, Thượng trụ quốc thượng, trật Phạm Công Trứ khả vi Đặc tiến Kim tử Lại bộ Thượng thư”.
Năm Cảnh Trị thứ ba (1665) đời vua Lê Huyền Tông, Phạm Công Trứ được Tây Vương Trịnh Tạc giao cho việc khảo đính (phụ trách sửa chữa và xem xét) lại bộ sách “Đại Việt sử ký toàn thư”. Ông đã cùng với Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Quốc Khôi, Đặng Công Chất, Đào Công Chính, Vũ Duy Đoán... khảo đính toàn bộ, chép từ họ Hồng Bàng đến Ngô sứ quân (thế kỷ 10) làm bộ “Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư”; từ thời Đinh Tiên Hoàng đến Thái tổ Cao Hoàng đế (Lê triều) làm bộ “Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư’, theo trước tác của sử gia Ngô Sĩ Liên.
Tài xét án của Tiến sĩ họ Phạm
Không chỉ giỏi về văn học, Phạm Công Trứ còn được biết đến là một nhà quân sự. Từ khi cuộc chiến Trịnh - Nguyễn nổ ra, trải qua 7 lần đại chiến thì Phạm Công Trứ có đến 5 lần Nam chinh. Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn không phân định được thắng thua.
Do mâu thuẫn nội bộ họ Trịnh, năm Ất Dậu (1645), Trịnh Lịch và Trịnh Sầm đã dấy quân phản loạn. Nhờ mưu lược khôn khéo và quyết đoán, Phạm Công Trứ và Đào Quang Nhiêu đã khuyên phủ Tiết chế (tức phủ chúa Trịnh) nên hành sự trước khi chúng tập hợp lực lượng. Kết quả là, nội loạn trong cung đã được dẹp yên, đó là công lớn của Phạm Công Trứ và Đào Quang Nhiêu.
Vào năm Đinh Mùi (1667) và Kỷ Dậu (1669), ông cùng chúa Trịnh Căn đánh bại nhà Mạc tại Cao Bằng, chặn đứng âm mưu của nhà Thanh định mượn cớ “phù Mạc, diệt Lê” để xâm lược nước ta.
Sau 40 năm phục vụ đất nước, năm Mậu Thân (1668) vua đã phong ông làm Quốc lão, được tham dự các việc cơ mật trong triều. Cũng thời gian này ông đã xin nghỉ hưu ba lần mới được chấp nhận.
Khi về, ông được thăng Thái bảo, chúa Trịnh đã tặng ông đôi câu đối thêu vào cờ: Điền đỉnh nại, nhiếp âm dương, triều đình trụ thạch/ Hoàn quy mô, định hiệu lệnh, quốc gia đống lương (Nêm canh định vạc, điều hòa khí âm dương, làm cột đá cho triều đình/ Định ra các hiệu lệnh, hoàn thành được quy mô, là rường cột của quốc gia).
Đến năm Quý Mùi (1673) triều đình lại mời ông ra làm Tể tướng, coi việc sáu bộ, tham tán việc cơ mật.
Cuộc đời làm quan của Phạm Công Trứ để lại khá nhiều câu chuyện hay để hậu thế suy ngẫm. Đó là vào năm 1642, chúa Trịnh Tráng sai các con đi cai trị các trấn. Cùng đi với các con Trịnh Tráng là một số quan lại của triều đình.
Năm ấy, Phạm Công Trứ được cử đi cùng với Trịnh Tạc. Sau, Trịnh Tạc được nối nghiệp chúa, bởi mối quan hệ này mà Phạm Công Trứ rất được tin dùng.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả vẫn là ở chỗ Phạm Công Trứ có thực tài, được Bảng nhãn Lê Quý Đôn xếp vào hàng tài phẩm, và chép hai chuyện xét án vào trong sách “Kiến văn tiểu lục” như sau:
“Khi Phạm Công Trứ còn tại chức, có hai xã tranh kiện nhau về địa giới. Bên đuối lý ngầm lấy cột mốc bằng đá đem chôn rồi làm đơn nạp lên triều đình xin được phúc xử để mong thắng kiện. Sự kiện qua tay mấy đời quan lại mà vẫn không phân xử dứt khoát được.
Phạm Công Trứ sai lại dịch đi khám xét và bí mật dặn riêng rằng: Phàm đá càng chôn lâu thì nước thấm vào càng nhiều. Nước mà đã thấm lâu thì phơi thật lâu mới mong khô được. Còn như đá mới chôn, dù có ướt bao nhiêu thì phơi cũng chóng khô. Nhà ngươi cứ thử đem phơi nắng xem sao.
Lại dịch đi và thử làm theo, quả nhiên biết rõ mốc đá mới chôn, bèn trình bày để ông biết. Vào triều, ông đem lý lẽ ấy ra bác bẻ, quả nhiên, bên gian chôn mốc đá phải thú nhận.
Lần khác có việc phải giết trâu, một người nhà bếp bị chết cứng, ai cũng lo sợ, đến báo cho Công Trứ biết. Công Trứ vốn biết người ấy có tật hay ăn vụng nên ông ngờ là nuốt tiết nóng vào bụng, khiến ruột bị phỏng mà ra nông nỗi đó thôi. Ông vội hỏi mọi người: “Coi ở miệng hắn có ngấn máu không?”.
Nói rồi, ông sai người đến khám nghiệm, quả thấy ở miệng có ngấn máu. Phạm Công Trứ lập tức sai người lấy bèo ướt ở trong ao đắp hết vào hắn, chỉ để hở mắt và miệng thôi. Giây phút sau, người ấy sống lại”.
Sau 50 năm cống hiến tài năng, sức lực, năm Ất Mão (1675) Phạm Công Trứ qua đời ở tuổi 76. Hay tin ông mất, vua Lê vô cùng tiếc thương truy tước hiệu Thái Tể cho ông và còn ban tên thụy là Trung Cần. Thêm nữa, triều đình còn ban đất tại quê nhà để xây đền thờ và lập khu mộ. Ngôi đền thờ hiện nay được xây trên nền của ngôi đền thờ cũ.
Nhà sử học Phan Huy Chú nhận định về Phạm Công Trứ: “Ông là người thâm trầm giản dị, chắc chắn... đặt ra phép tắc, sửa soạn kỷ cương, đè nén những kẻ cậy thế nhũng lạm, yêu chuộng những người có phong cách tiết tháo, được đời khen là bậc Tể tướng tốt. Ông lại ham đọc sách, đến già vẫn không mỏi. Có đức tốt, có danh vọng, công lao sự nghiệp là bậc hiền tể thứ nhất sau đời Trung hưng”.