Vì đâu trường nghề vẫn khó chiêu sinh?

Trong mùa tuyển sinh 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong triển khai tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng học sinh.

Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tham gia “Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động 2024” để quảng bá, tuyển sinh.

Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tham gia “Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động 2024” để quảng bá, tuyển sinh.

Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn không ít trường nghề tiếp tục “đau đầu” tìm lối đi trong việc thu hút người học.

Tâm lý e ngại, coi trọng bằng cấp

Chị Đỗ Thị Bích Phương (28 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) – tuyển dụng nhân sự tại doanh nghiệp thuộc địa bàn quận Cầu Giấy cho biết, nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, khá, song khoảng cách giữa học lý thuyết và thực tế công việc còn lớn. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung.

Vì vậy, doanh nghiệp đã đổi mới công tác tuyển dụng. Thay vì chỉ xét bằng cấp, kinh nghiệm, bộ phận tuyển dụng sẽ chú trọng năng lực thực chiến của ứng viên trong thời gian thử việc.

Có thể thấy thời điểm hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đều rất lớn. Song, các nhà tuyển dụng cho biết, nhiều sinh viên khi ra trường chưa đáp ứng được ngay yêu cầu công việc, còn thiếu kinh nghiệm thực chiến và các kỹ năng mềm.

Thực tế là vậy, nhưng việc “trọng bằng cấp” vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của phần lớn các bậc phụ huynh và học sinh. Điều này là rào cản khiến cho việc tuyển sinh vào các trường cao đẳng, trung cấp, cơ sởdạy nghề gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

“Em cảm thấy học nghề là giải pháp phù hợp với bản thân bởi lực học của em không quá tốt. Theo tìm hiểu của em, thời gian đào tạo nghề ngắn, được thực hành nhiều khiến em hứng thú”, em Đỗ Thị Thu H. (18 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết.

Trước khi đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp, hướng đi tương lai, Thu H. không nhận được sự đồng tình của bố mẹ.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Nhiều sự lựa chọn

Bà Nguyễn Thị Hồng (48 tuổi, quê Quảng Bình) – phụ huynh có con chuẩn bị tốt nghiệp THPT chia sẻ, con bày tỏ mong muốn theo học ngành điện ở các trường nghề. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông con nên bà Hồng khuyên con đi xuất khẩu lao động.

“Nhà tôi có 5 đứa con, 2 đứa đầu hiện đang làm việc ở Hà Nội và TPHCM. Trước đây, gia đình cũng cố gắng cho con lớn đi học đại học. Từ con thứ 3, tôi đã cho đi xuất khẩu lao động sau khi học xong THPT. Hiện nay con tôi đang lao động ở Đài Loan. Với con út, gia đình tôi mong muốn cho đi lao động ngoài nước giống các chị”, bà Hồng nói. Bà Hồng cho biết thêm, con trai của bà vẫn nhất định muốn theo học cao đẳng để có vốn kiến thức nhất định.

Em Hoàng Ngọc Phương (18 tuổi, quê Quảng Bình), con trai bà Hồng cho hay: “Xuất khẩu lao động đối với em là một trong những sự lựa chọn. Sau nhiều cân nhắc từ chính người nhà đang đi làm tại Đài Loan, em nghĩ bản thân không đủ sức khỏe để theo con đường đó lâu dài. Vì vậy em đã thuyết phục bố mẹ để được đi học, có bằng cấp sau đó xin việc làm trong nước”.

Nỗ lực công cuộc tuyển sinh

Theo Thạc sĩ Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, những năm gần đây trường gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Khó khăn này có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng chuyên nghiệp. Mức độ cạnh tranh về ngành học ngày càng khắc nghiệt cũng là một nguyên nhân đáng bàn đối với công tác tuyển sinh của trường nghề.

“Trường đã đưa ra nhiều chính sách giảm học phí, kết hợp với các trường (không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà cả ở các tỉnh thành khác) tư vấn giới thiệu việc làm, phát triển những ngành nghề chủ lực… Vì vậy, lượng thí sinh đăng ký học có sự khởi sắc. Trong kỳ tuyển sinh những năm gần đây, dù không đạt 100% chỉ tiêu theo đăng ký, nhưng trường cũng nỗ lực đạt được kết quả nhất định. Bên cạnh đó, một số ngành nghề được xếp vào ngành đặc thù (giảm tới 70% học phí) gần như đạt được chỉ tiêu tuyển sinh trường đề ra”, ông Trịnh Cao Khải thông tin.

Để “chạy đua” tuyển sinh, đảm bảo đầu vào, các trường trung cấp, cao đẳng cũng đã nỗ lực chuyển đổi chương trình giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy nghề, kết nối đào tạo với nhu cầu việc làm thực tế của doanh nghiệp…

Ông Trịnh Cao Khải chia sẻ, nhà trường vẫn tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo như: Cập nhật xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo 2 năm/ lần, chú trọng phát triển mảng thực hành cho sinh viên, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngay sau khi ra trường.

Thiết nghĩ, các cơ sở đào tạo nghề trước khi có những giải pháp tác động tích cực đến công tác tuyển sinh học nghề thì cần có sự chủ động trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập. Làm được điều này thì sẽ vừa thu hút được học sinh, vừa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp cũng như sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, kỹ thuật hiện nay.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-dau-truong-nghe-van-kho-chieu-sinh-post688899.html