Vì họ là những 'chiến binh'
Trong cơn đại dịch, nhiều người gác lại việc riêng, xung phong vào tâm dịch. Họ đã lan tỏa nguồn năng lượng tích cực bởi chính lòng nhiệt huyết, sự lạc quan dù đứng trước muôn vàn khó khăn.
Tình nguyện viên thành F0
Gần kết thúc đợt tình nguyện phục vụ bệnh viện dã chiến (BVDC), anh Đỗ Trọng Nguyên (thị xã Kiến Tường) gọi điện thoại thông báo với gia đình đang làm đơn xin được ở lại phục vụ đợt kế tiếp. Vài ngày sau, anh gọi lại cho cha mình, nói sẽ ở lại bệnh viện với “vai trò”... bệnh nhân. Anh dặn: “Ba từ từ hẵng nói mẹ” vì sợ mẹ lo.
Ngày anh tình nguyện phục vụ BVDC, mẹ anh lo lắng, nói trong đó nguy hiểm lắm nhưng ông bà không ngăn cản vì biết đó là nguyện vọng của con. Cha anh là thành viên tổ Covid cộng đồng, mẹ anh đảm nhận nhiệm vụ đi chợ hộ cho người dân trong những ngày dịch bệnh căng thẳng.
Anh nói: “Cha mẹ mình tham gia chống dịch, mình còn trẻ, còn khỏe, xung phong vào BVDC là đúng rồi. Mình theo nghề làm tóc nên khi vào bệnh viện, ngoài làm nhiệm vụ hỗ trợ, mình còn có thể giúp các bác sĩ, y tá trong bệnh viện cắt tóc”.
Vào BVDC, anh Nguyên đảm nhận việc thu gom rác thải. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mỗi ngày 2 lần, anh lên xuống 3 tầng lầu, thu gom rác sinh hoạt của F0 đến nơi tập kết. Anh nói, mình là nam, có sức khỏe nên làm việc nặng, đỡ phần vất vả cho các tình nguyện viên (TNV) nữ. Gần đến ngày về, anh Nguyên làm đơn xin được ở lại tiếp tục phục vụ đợt tiếp theo. Đơn còn chưa được duyệt thì anh nhận kết quả dương tính.
Vậy mà anh nói nhẹ tênh: “Vào đây là chấp nhận nguy cơ nên mình không sốc hay suy sụp gì. Các bác sĩ, y tá ở đây lo cho người bệnh lắm! Khỏe lại, chắc mình cũng xin tiếp tục phục vụ”.
Anh em cùng làm tình nguyện
Những người phục vụ trong BVDC, khu cách ly tập trung đều là TNV, họ tạm gác việc gia đình để tham gia chống dịch. Có người còn vận động người thân cùng tham gia như trường hợp anh Trần Tấn Đạt (Bí thư Chi đoàn khu phố Thủ Tửu 2, phường Tân Khánh, TP.Tân An). Khi nhận được thông tin Khu cách ly tập trung tại TP.Tân An tuyển TNV phục vụ vòng trong, anh đăng ký và vận động em trai mình là sinh viên đang được nghỉ phòng dịch, cùng tham gia. Vậy là, hai anh em lên đường phục vụ khu cách ly.
Anh Đạt nói: “Mình là thanh niên thì phải xung phong, tình nguyện, chẳng có gì to tát. Không riêng gì các TNV trong khu cách ly, BVDC vất vả, những người ở ngoài cũng vất vả vì phải ngày đêm truy vết, canh chốt, lo các hoạt động an sinh xã hội,...”.
Khu cách ly nơi anh Đạt làm việc có 6 TNV phục vụ. Mỗi ngày, các anh thay phiên nhau mang cơm, xịt khử khuẩn, dọn vệ sinh, bốc vác hàng hóa,... Hỏi anh Đạt về việc gia đình sau gần 2 tháng cả 2 anh em anh vắng nhà, anh cười: “Cha mẹ ở nhà được mọi người quan tâm, giúp đỡ nên anh em tôi cũng yên tâm. Trong đại dịch này, người đi tình nguyện rất nhiều, việc làm của anh em tôi cũng bình thường, không có gì to tát”.
Vừa phục vụ bệnh viện, vừa thi cuối kỳ
Những việc “không to tát” ấy đặt những người như anh em anh Đạt, anh Nguyên vào vị trí tiềm ẩn nhiều rủi ro và cũng lấy đi thời gian quý báu bên gia đình của họ. Vậy mà, điều duy nhất chúng tôi cảm nhận được khi trò chuyện với các TNV là sự lạc quan, yêu đời cùng nguồn năng lượng tích cực lan tỏa.
Đặng Yến Nhi là một trong số TNV nhỏ tuổi nhất tại BVDC số 13. Phục vụ liên tục 2 đợt trong BVDC, hiện Nhi đã ra ngoài, nghỉ ngơi, trước khi bước vào đợt tình nguyện tại Thị đoàn Kiến Tường. Nhi nói, khoảng thời gian phục vụ trong BVDC tuy có vất vả, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh nhưng đó là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong quãng đời sinh viên của em. Biết rõ thời gian phục vụ trùng với lịch thi cuối học kỳ 2, năm nhất đại học nhưng Nhi vẫn quyết tâm tham gia.
Nhi kể: “Ban đầu, mẹ đồng ý cho em tham gia tình nguyện tại Thị đoàn, khi biết em đăng ký phục vụ trong BVDC thì mẹ phản đối vì lo cho em. Mãi đến khi đợt 1 bắt đầu được 1 ngày em mới thuyết phục được mẹ. Khi đợt 2 bắt đầu, em thu xếp đi ngay, mang theo cả sách vở, máy tính để thi học kỳ”.
Nhi nói, em được các y, bác sĩ, đồng đội trong bệnh viện, thầy, cô tại trường tạo điều kiện rất nhiều. Nhưng điều chúng tôi cảm nhận được chính là sự nỗ lực của cô bạn trẻ. Nhi nói rằng sự ấm áp, gắn bó giữa các TNV, lực lượng phục vụ tại bệnh viện là động lực to lớn cho em.
Trở về từ BVDC, Nhi lại chuẩn bị sẵn sàng tham gia phục vụ vòng ngoài. Năm học thứ 2 đã chính thức bắt đầu, lúc đăng ký môn học, Nhi chủ động chọn thời gian học vào giờ nghỉ trưa để có thể tranh thủ vừa phục vụ tình nguyện, vừa học.
Trong đợt dịch này, số lượng TNV khá đông. Họ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì cái chung của cộng đồng, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống sớm trở lại “bình thường mới”./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/vi-ho-la-nhung-chien-binh--a122551.html