Vi khuẩn 'ăn thịt người' tấn công 2 người ở Đắk Lắk: Triệu chứng ra sao?
Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk vừa xác nhận trên địa bàn ghi nhận 2 trường hợp nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, tác nhân gây bệnh Whitmore, còn được gọi là 'vi khuẩn ăn thịt người'.
Cụ thể, bệnh nhân đầu tiên là ông B.I.C. (55 tuổi, trú xã Ea M’Đroh, huyện Cư M’gar) nhập viện ngày 11/6 với triệu chứng sốt cao, khó thở. Sau nhiều ngày điều trị tại tuyến dưới không thuyên giảm, ông được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Kết quả xét nghiệm ngày 2/7 cho thấy ông C. dương tính với vi khuẩn Whitmore.
Trường hợp thứ hai là ông D.L.M. (65 tuổi, trú xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông), nhập viện ngày 24/6 do tiểu buốt, viêm đường tiết niệu. Bệnh nhân có tiền sử phì đại tuyến tiền liệt và tăng huyết áp. Mẫu bệnh phẩm của ông M. cho kết quả dương tính với cùng loại vi khuẩn vào ngày 30/6.
Cả hai bệnh nhân đang được điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế và hiện sức khỏe đã ổn định, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Triệu chứng xuất hiện trên tay của một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore. Ảnh: Công an Nhân dân
Ngay sau khi ghi nhận các ca bệnh, Sở Y tế Đắk Lắk đã phát đi công văn khẩn, yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca nghi ngờ mắc bệnh Whitmore. Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đắk Lắk) đã cử đội cơ động điều tra, đánh giá yếu tố dịch tễ và hướng dẫn phòng ngừa tại cộng đồng.
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong đất và nước bẩn, có thể xâm nhập vào cơ thể người qua da trầy xước, đường hô hấp hoặc tiêu hóa. Bệnh Whitmore không lây từ người sang người, nhưng có thể diễn tiến nặng và nguy hiểm tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Ngành y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là nông dân thường xuyên tiếp xúc với đất, cần đeo găng tay, đi ủng và vệ sinh kỹ sau lao động. Khi có các dấu hiệu như sốt kéo dài, viêm da, áp xe hoặc viêm phổi không rõ nguyên nhân, cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.