Vì một xã hội an toàn trước thiên tai
Trang bị kiến thức, nâng cao hiểu biết về rủi ro thiên tai cho người dân, nhất là học sinh, được xem là cần thiết và phải thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, nhằm đạt mục tiêu: 'Vì một xã hội an toàn trước thiên tai'.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trong vòng 20 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, thiên tai đã làm trên 300 người chết và mất tích; trong đó, học sinh (HS), giáo viên (GV) là đối tượng chịu tác động và bị ảnh hưởng trực tiếp. Vì vậy, việc tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai (PCTT) và biến đổi khí hậu cho HS, GV sẽ góp phần giảm thiểu những rủi ro do thiên tai gây ra.
Trường học an toàn
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Võ Đoàn cho biết, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng ứng phó với các tình huống thiên tai cho HS không chỉ giúp các em biết cách tự đảm bảo an toàn cho bản thân, mà còn truyền thông đến người thân, gia đình. Từ năm 2020 đến nay, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện một số chương trình, dự án nâng cao năng lực PCTT cho GV và HS. Cụ thể như dự án Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại miền Trung Việt Nam (giai đoạn 3) do Hội Chữ thập đỏ Mỹ tài trợ thông qua tổ chức Save the Children International (SCI) từ nguồn của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/OFDA).

Thiên tai ngày càng diễn biến rất khó lường.
Thông qua áp dụng các sáng kiến “Trường học an toàn”, GV và HS của 4 trường tiểu học: Quảng Phú 1, Quảng Phú 2, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi); Bình Minh 1, Bình Minh 2, xã Bình Minh (Bình Sơn) được trang bị kiến thức, tiếp cận và thực hành các kỹ năng phòng, chống rủi ro thiên tai phù hợp. Dự án còn tập huấn, hướng dẫn GV cách lồng ghép các công cụ truyền thông vào hoạt động chính khóa, ngoại khóa; xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch trường học an toàn; đồng thời thành lập 4 câu lạc bộ PCTT do HS phụ trách.
Em Hồ Văn Tiến, HS lớp 7, Trường THCS Quảng Phú cho biết, các kiến thức, hoạt động trải nghiệm PCTT từ cấp tiểu học đã giúp em biết quan sát, phân tích các tình huống thiên tai, qua đó biết cách ứng phó khi gặp những tình huống thiên tai như: Không nấp dưới cây lớn khi có dông sét, không nghịch nước lụt, không cố vượt qua đường bị ngập nước. Hoặc khi nhà ở bị ngập nước, em cùng ba mẹ chấp hành việc di dời đến nơi cao ráo, an toàn.
Tăng cường phòng, chống đuối nước
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1717/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 phê duyệt Chương trình Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho HS giai đoạn 2025 - 2035. Mục đích là tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho HS, nhằm nâng cao năng lực tự phòng ngừa, tự bảo vệ của HS trước nguy cơ bị đuối nước. Phấn đấu có 70% HS được dạy kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước vào năm 2030 và 90% vào năm 2035. Đến năm 2035, có tối thiểu 30% trường tiểu học, 25% trường THCS và THPT có bể bơi (cố định hoặc di động) và duy trì hoạt động hiệu quả; 70% xã, phường có ít nhất một bể bơi để phục vụ việc dạy bơi an toàn cho trẻ em, HS trên địa bàn.
Theo em Đinh Hiền, HS lớp 11, Trường THPT Minh Long (Minh Long), nhà em ở thôn Thượng Đố, xã Thanh An (Minh Long), cách trường học khoảng 7km. Hằng ngày đến trường phải đi qua các cung đường núi, nên em có thói quen theo dõi thông tin dự báo để tự đảm bảo an toàn trong việc đi lại, nhất là mùa mưa bão. Khi hay tin mưa to gió lớn, em cũng biết cách giúp đỡ ba mẹ gia cố nhà cửa, chặt tỉa cành cây, dự trữ gạo và các vật dụng cần thiết như đèn pin, dầu hỏa, sạc điện thoại dự phòng...

Học sinh Trường Tiểu học Quảng Phú 1 (TP.Quảng Ngãi) tìm hiểu kỹ năng phòng, chống thiên tai qua hình ảnh trực quan.
"Em cũng lưu các số điện thoại khẩn cấp của cơ quan chức năng để liên hệ khi cần cứu hộ, cứu nạn và biết cách truyền đạt thông tin về vị trí, tình trạng của mình khi gặp nạn. Sau thiên tai, em cũng tích cực tham gia các hoạt động khắc phục thiệt hại, như dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, trường lớp học đảm bảo vệ sinh môi trường", Hiền chia sẻ.
Phòng, chống thiên tai, kiến tạo tương lai
Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho trẻ em, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ GD&ĐT ban hành chương trình về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong ngành GD&ĐT, giai đoạn 2024 - 2029.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Hiệp (Trà Bồng) Đinh Thị Sơn bày tỏ, Trà Hiệp là xã miền núi nên người dân nói chung, HS và GV nói riêng đối diện với những rủi ro thiên tai, nhất là dông sét, lốc xoáy vào mùa nắng và nguy cơ sạt lở đất, lũ quét vào mùa mưa. Vì vậy, việc trang bị kiến thức và kỹ năng PCTT với từng loại hình và cấp độ thiên tai luôn được chính quyền các cấp và nhà trường chú trọng thực hiện qua việc lồng ghép vào chương trình học chính khóa hoặc các hoạt động ngoại khóa. Thông qua việc sử dụng các tài liệu truyền thông có tính trực quan, kết hợp cùng các hoạt động trải nghiệm như xem phim tài liệu, chơi trò chơi, tổ chức các cuộc thi kiến thức, vẽ tranh hoặc diễn tập đã giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng PCTT cho GV, HS.

Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước góp phần nâng cao năng lực tự phòng ngừa, tự bảo vệ của học sinh trước nguy cơ bị đuối nước.
Thực tế, những nội dung PCTT càng đơn giản, gần gũi sẽ giúp HS dễ tiếp thu, áp dụng và ứng phó khi gặp thiên tai, như: Bình tĩnh, tìm đến nơi trú ẩn an toàn khi gặp thiên tai nếu không có người lớn bên cạnh; gọi người lớn khi gặp nguy hiểm; không trú dưới gốc cây to, cột điện khi có mưa lớn, sấm sét; không đi qua cầu, ngầm tràn, cầu treo khi mưa to, gió lớn và không lội nước tại các điểm ngập lụt, nước chảy xiết... “Học sinh cần được trang bị những hiểu biết, kỹ năng đơn giản, gần gũi để dần hình thành thói quen phòng ngừa, biết cách tự bảo vệ bản thân, giữ tâm lý bình tĩnh và tự tin khi gặp tình huống thiên tai. Các hoạt động trải nghiệm cũng giúp các em hình thành tính kỷ luật, nhất là việc tuân theo hướng dẫn của GV và người lớn để đảm bảo an toàn trong việc phòng tránh thiên tai”, bà Sơn cho hay.
Với phương châm “Phòng, chống thiên tai, kiến tạo tương lai”, việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức và trang bị kỹ năng về PCTT không chỉ giúp HS phòng tránh hiệu quả những rủi ro, mà còn giáo dục cho các em có tình yêu thương, chia sẻ với nỗi đau của nạn nhân thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai.
Bài, ảnh: MỸ HOA
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/vi-mot-xa-hoi-an-toan-truoc-thien-tai-52886.htm