Vì mục tiêu phát triển bền vững

Với vai trò trung tâm trong hệ sinh thái tài chính xanh, ngân hàng không chỉ cung cấp vốn trực tiếp, mà còn là đơn vị định hướng, dẫn dắt, kết nối đối tác và thúc đẩy hành trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Dù còn nhiều khó khăn, tiềm năng phát triển tín dụng xanh vẫn được đánh giá cao nhờ nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý và sự vào cuộc quyết liệt của ngành Ngân hàng.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN - Đào Minh Tú

Phó Thống đốc Thường trực NHNN - Đào Minh Tú

Định hướng rõ ràng tạo cơ hội phát triển

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, tín dụng xanh và thực hành ESG là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững, là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, là giải pháp giúp các tổ chức tín dụng định hướng lại hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, qua đó khẳng định vị thế, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng cơ hội hợp tác, kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp, tín dụng xanh là nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao, cải tiến công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh. Trên cơ sở đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, cơ hội để phát triển tín dụng xanh, nhờ có các định hướng, quy định rất rõ ràng.

Trên thực tế, NHNN đã nhận thức rất rõ về tăng trưởng xanh, tín dụng xanh từ rất sớm. Theo đó, để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Đây được coi là những bước đi đầu tiên trong định hướng hoạt động ngân hàng hướng tới mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Sau 10 năm triển khai, trên cơ sở các khung chính sách này, “ngành Ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt, chủ động, triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh và đã đạt nhiều kết quả tích cực”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Với định hướng chiến lược rõ ràng và hệ thống giải pháp thực tiễn đang được triển khai đồng bộ, ông Vương Thành Long, Phó Trưởng khối Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV chia sẻ, từ năm 2018, BIDV đã hạn chế cấp tín dụng đối với các lĩnh vực năng lượng hóa thạch (nhiệt điện, điện than…), dự án thủy điện lớn, dự án gây phát thải nhà kính. Năm 2019, BIDV ban hành khung quản lý rủi ro môi trường - xã hội áp dụng đối với các khoản cho vay từ nguồn vốn quốc tế. Khung khoản vay bền vững được BIDV xây dựng và ban hành; hoàn thiện, ban hành khung trái phiếu xanh và bền vững theo nguyên tắc/hướng dẫn của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế để thực hiện huy động vốn cho các hoạt động tài trợ ESG của ngân hàng. Đồng thời, BIDV cũng triển khai các gói tín dụng đi kèm dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và các chính sách ưu đãi nhằm giải quyết những khó khăn thực tế mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong việc đáp ứng các tiêu chí ESG…

Các dự án xanh đòi hỏi đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài

Từ những bước đi ban đầu, sau 10 năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam đã thu về những thành tựu vượt bậc. Tính đến 31/12/2024, đã có 48 tổ chức tín dụng cho vay với dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2023, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%) và nông nghiệp xanh (trên 29%); tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017 - 2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế. Đến nay, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tăng trên 26% so với cuối năm 2023.

Nhìn lại chặng đường 10 năm triển khai Chỉ thị số 03, Quyết định số 1552 và nhiều giải pháp khác, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chia sẻ, ngành Ngân hàng cùng các tổ chức tín dụng rất vui mừng trước những đánh giá tích cực và khách quan của các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong thời gian qua. Những đánh giá tích cực được thể hiện trực tiếp bằng những con số của tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh hàng năm, các cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng xanh dần hoàn thiện; hoạt động cấp tín dụng xanh, nhất là các ngành đặc thù. Các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu về tín dụng xanh, ngân hàng xanh khá toàn diện, đáp ứng các quy định của NHNN, quy định của pháp luật về môi trường, tiệm cần dần với tiêu chuẩn quốc tế. Thông qua các giải pháp của NHNN và các tổ chức tín dụng, kết quả tăng trưởng tín dụng xanh đạt được sự tăng trưởng cả về quy mô và tốc độ. Từ đó, đóng góp vào tỷ trọng ngày càng cao hơn trong tổng dư nợ của nền kinh tế.

Gỡ “thế khó” cho ngân hàng, doanh nghiệp

Tuy nhiên, trong thực tiễn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ, các ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp không ít khó khăn trong việc triển khai nội dung này, như chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia, quy định chung về ESG để các doanh nghiệp thực hành, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngày càng khắt khe; công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng… Những “nút thắt” đó đòi hỏi một cách tiếp cận mới, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và đồng bộ hơn giữa chính sách - thị trường - hành lang pháp lý.

Ở góc độ các ngân hàng thương mại, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, các dự án xanh như điện sinh khối, điện rác tuy có tiềm năng nhưng thường không có hiệu quả tài chính rõ ràng. Bên cạnh đó chính sách quy hoạch thiếu ổn định khiến ngân hàng không thể đánh giá chính xác hiệu quả dự án. Một bất cập nữa là yêu cầu ngân hàng phải đánh giá tiêu chí xanh nhưng lại không có công cụ hay cơ chế xác nhận chính thức. Tất cả những điều này khiến ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc cấp tín dụng cho các dự án xanh.

Để mở rộng, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang cho rằng, cần có sự phối, kết hợp từ các bộ, ngành, cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ, tạo động lực huy động mọi nguồn lực từ các khu vực kinh tế. Bên cạnh đó, cần xây dựng và thực hiện các giải pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận, huy động các nguồn tài chính từ các định chế tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế, các quỹ tài chính để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh. Đặc biệt, danh mục phân loại xanh quốc gia cần sớm được ban hành.

Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đề xuất, Nhà nước cần thiết kế các chính sách tài chính hỗ trợ cụ thể để khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng danh mục cho vay xanh. Việc thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng xanh hoặc mở rộng phạm vi bảo lãnh của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho các khoản vay ngân hàng cũng là hướng đi khả thi nhằm chia sẻ rủi ro tín dụng. Mặt khác, cần nghiên cứu các chính sách ưu đãi về thuế, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế nhập khẩu thiết bị xanh, dành cho các ngân hàng và doanh nghiệp tích cực tham gia các chương trình tín dụng xanh.

Hương Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/vi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-163616-163616.html