'Vì nghĩa nước non' - Vở cải lương tái hiện cuộc đời công chúa yêu nước An Tư
Khai thác giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc - Đại Việt chống quân xâm lược Nguyên Mông, vở cải lương 'Vì nghĩa nước non' không chỉ phản ánh hào khí Đông A rực lửa một thời mà còn tập trung làm rõ cuộc đời của công chúa An Tư, một người con yêu nước đã chấp nhận gạt bỏ tình riêng, giúp vua tôi nhà Trần thực hiện kế hoãn binh, củng cố lực lượng rồi phản công đánh bại quân thù.
"Vì nghĩa nước non" do nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng, vừa ra mắt khán giả Thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong 2 đêm, ngày 17 và 18/7. Tác phẩm do nhà viết kịch Trần Hồng Vân chấp bút, chuyển thể cải lương NSƯT Ngọc Chi, NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn. Vở diễn có sự hội tụ của những gương mặt tài năng của nhà hát Cải Lương Việt Nam như NSƯT Mạnh Hùng, Thùy Dung, Trung Tuấn, Hồng Hạnh, Văn Thuận, Vũ Long…
“Vì nghĩa nước non” tập trung khai thác giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời công chúa An Tư (là em của vua Trần Thánh Tông và là cô ruột của vua Trần Nhân Tông) đã chấp nhận gạt tình riêng, hy sinh bản thân, trở thành “cống vật” và làm thiếp của tướng giặc Thoát Hoan, nhằm kìm hãm quân giặc, cứu đất nước trong lúc gian nguy.
Đặc biệt, cô hóa thành ngọn lửa sống dẫn đường cho quân nhà Trần biết chỗ ở của Thoát Hoan, khiến cho hắn phải chui vào ống đồng chạy tháo thân… Theo căn cứ sử liệu, sự kiện này diễn ra sau khi Thoát Hoan chỉ huy quân Nguyên tràn vào xâm lược Đại Việt lần thứ 2, tháng Giêng năm 1285.
Khi dựng vở về công chúa An Tư, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai cho biết, chị có sự đồng cảm, thấu hiểu và sẻ chia những tâm tư của nhân vật khi cả hai đều là những người phụ nữ. Do vậy, vở diễn này có màu sắc nữ tính rất rõ ràng với các lớp cảnh bay bổng, mềm mại với sự góp mặt và giúp sức của nghệ thuật múa, phục trang đẹp mắt và âm nhạc giàu cảm xúc.
Nữ đạo diễn chia sẻ, khi nhận được kịch bản này, chị rất hứng thú, dành nhiều thời gian và tâm sức để nghiên cứu, hiểu rõ về nhân vật cũng như bối cảnh lịch sử. Đặc biệt với một vở cải lương dã sử, chị cố gắng tôn trọng tối đa sự thật. Bên cạnh đó, từ các chi tiết dã sử chưa được khẳng định, chị sẽ sáng tạo, khai thác bằng trí tưởng tượng với tố chất của người nghệ sỹ để xây dựng tác phẩm trở nên lãng mạn, bay bổng trong ngôn ngữ của cải lương.
Với ưu thế của phái nữ khi dựng vở, Hoàng Quỳnh Mai biết mình cần phải làm gì để làm nổi bật sự hy sinh tình cảm lứa đôi của công chúa An Tư, cho đất nước thoát khỏi cảnh lâm nguy. Chị dành nhiều công sức khai thác cảnh chia ly của An Tư và người yêu, nỗi lòng của An Tư khi làm thiếp của Thoát Hoan, sự khôn khéo của công chúa nhằm giúp quân nhà Trần biết được kế hoạch và vị trí của quân Nguyên Mông...
Bên cạnh cuộc đời của công chúa An Tư được tái hiện, vở diễn còn làm sống lại hào khí Đông A - tinh thần bất khuất, dũng cảm, quyết chiến quyết thắng của quân dân nhà Trần. Với kết cấu chặt chẽ, được dàn dựng ngắn gọn, vở diễn "Vì nghĩa nước non" đã nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng của khán giả như một sự ghi nhận, tán dương những nỗ lực của ê kíp thực hiện.