Vi phẫu cứu ngón tay đứt lìa cho nam công nhân
Nam công nhân N.V.D (22 tuổi) vừa được phục hồi ngón tay tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sau tai nạn lao động nghiêm trọng.
Khi vận hành máy cắt tại xưởng cơ khí, do găng tay bảo hộ quá rộng, tay anh D. bị cuốn vào máy, khiến lưỡi dao cắt đứt phần xa ngón trỏ tay trái.
Tổn thương rất phức tạp, xương, mạch máu và thần kinh đều bị đứt hoàn toàn. Phần ngón tay chỉ còn dính lại nhờ một lớp mô mỏng. Khi kiểm tra, phần ngón bị tách rời đã mất tuần hoàn, xẹp, không đàn hồi và nhợt nhạt – dấu hiệu hoại tử rõ ràng.
Các xét nghiệm cho thấy ngón tay mềm, không bật lại khi ấn và không chảy máu khi châm kim. Nếu không cấp cứu kịp thời, ngón tay này sẽ không thể giữ lại.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật vi phẫu cho bệnh nhân.
Theo TS.BS Dương Mạnh Chiến - Chuyên gia phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ, đứt rời tại đốt xa ngón trỏ là một thách thức lớn trong vi phẫu. Khác với vùng gần bàn tay có mạch máu lớn hơn, tại đốt xa, động mạch và tĩnh mạch rất nhỏ, khó tìm và dễ tắc sau khi nối. Ngay cả ở các bệnh viện lớn, chuyên môn cao, tỷ lệ thành công ở vị trí này vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, bệnh nhân còn trẻ và tổn thương ở ngón trỏ – ngón tay rất quan trọng trong sinh hoạt và lao động, nên các bác sĩ quyết định phẫu thuật vi phẫu khẩn cấp. Mục tiêu là nối lại mạch máu, thần kinh và cố định xương để bảo tồn chức năng ngón tay.
Ca mổ đòi hỏi sự tập trung và chính xác tuyệt đối. Bác sĩ dùng kính vi phẫu phóng đại hàng chục lần để thấy rõ các động mạch nhỏ hơn cả tế bào mỡ. Chỉ khâu chuyên biệt, mảnh hơn sợi tóc, được dùng để nối mạch máu.

Cần tập trung và tuân thủ quy trình an toàn tuyệt đối khi làm việc với máy cắt, máy dập hoặc máy có trục quay.
Bác sĩ Chiến chia sẻ: “Vi phẫu "là nghệ thuật của sự tĩnh lặng". Tâm trí phải bình thản thì tay mới vững vàng. Sau nhiều giờ, các mạch máu được nối lại, xương được cố định bằng đinh và thần kinh phục hồi một phần".
Do mạch máu quá nhỏ và nguy cơ co thắt cao, tuần hoàn ở đầu ngón tay sau mổ chưa ổn định, bệnh nhân được theo dõi sát sao và hỗ trợ tuần hoàn liên tục.
Sau 14 ngày, ngón trỏ của bệnh nhân hồi phục tích cực. Đầu ngón hồng hào trở lại, đàn hồi tốt và có dấu hiệu sống rõ ràng. Các bác sĩ đánh giá kết quả khả quan, dù bệnh nhân cần tiếp tục vật lý trị liệu để phục hồi chức năng hoàn toàn.
Từ ca bệnh này, các bác sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn lao động khi vận hành máy móc như: Sử dụng bảo hộ đúng cách, găng tay vừa vặn, không thừa vải. Cố định chắc chắn tóc dài, quần áo rộng hoặc dây đeo. Tập trung và tuân thủ quy trình an toàn tuyệt đối khi làm việc với máy cắt, máy dập hoặc máy có trục quay.
Ngón trỏ và ngón cái là hai ngón tay quan trọng nhất, thiết yếu trong sinh hoạt và lao động. Tổn thương ở các ngón này, dù nhỏ, cũng có thể gây ảnh hưởng lâu dài nếu không được xử trí kịp thời.
Trường hợp trên là lời cảnh báo về rủi ro lao động, đồng thời cho thấy vai trò quan trọng của y học hiện đại, đặc biệt là vi phẫu, trong việc bảo tồn chi thể và cải thiện cuộc sống bệnh nhân. Ý thức phòng tránh tai nạn và chủ động xử trí khi sự cố xảy ra là chìa khóa bảo vệ sức khỏe và khả năng lao động của mỗi người.
Nếu không may bị đứt rời chi thể, cần xử trí đúng cách:
Bọc phần đứt vào gạc sạch ẩm.
Cho vào túi nilon kín. Đặt túi này vào một túi khác chứa đá và nước (tránh để chi thể tiếp xúc trực tiếp với đá).
Đưa nạn nhân và phần chi thể đến bệnh viện sớm nhất có thể, tốt nhất trong vòng 6 giờ (hoặc tối đa 24 giờ nếu bảo quản lạnh đúng cách).
15 triệu người Việt bị rối loạn tâm thần.