Vị Phó bảng ra sức chấn hưng văn hóa

Không chỉ là nhà khoa bảng danh tiếng, Nguyễn Can Mộng còn là nhà Kiều học, nhà giáo mẫu mực, ra sức phổ biến quốc ngữ, chấn hưng văn hóa thức tỉnh ý thức dân tộc cho các học trò.

Chỉ mất 12 năm đèn sách, Nguyễn Can Mộng đã đỗ Cử nhân và sau đó là Phó bảng. Ảnh minh họa: ITN.

Chỉ mất 12 năm đèn sách, Nguyễn Can Mộng đã đỗ Cử nhân và sau đó là Phó bảng. Ảnh minh họa: ITN.

Cha khởi nghĩa, con chạy loạn vẫn đỗ Phó bảng

Nguyễn Can Mộng (1880 - 1954) hiệu Nông Sơn, quê làng Hoàng Nông, tổng Canh Nông, huyện Diên Hà (nay là làng Hoàng Nông, xã Điệp Nông, Hưng Hà - Thái Bình). Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng, thân phụ là Nguyễn Tề từng làm Bang biện phủ Thường Tín, trấn Sơn Tây.

Theo các nguồn sử liệu, cha của Can Mộng là Nguyễn Tề, vì làm chức Bang biện nên được gọi là Bang Tề. Dù làm quan Bang biện nhưng Nguyễn Tề rất nghĩa khí, thường hay giúp đỡ dân nghèo, đả phá chế độ thực dân nên được người dân rất mực kính trọng gọi là “Đề Thường”, với ý so sánh cùng Đề Thám. Chú ruột Can Mộng là Nguyễn Đình Tốn cũng là một vị quan nổi tiếng.

Năm Tự Đức thứ 10 (1856), Nguyễn Đình Tốn đầu quân giữ chức võ quan ở quân thứ Bình Định rồi sang Phú Yên, do lập công lớn được triều đình thăng chức Bang biện ở kinh thành Huế nên gọi là Bang Tốn.

Năm Nguyễn Can Mộng 4 tuổi thì Nguyễn Tề cùng em ruột là Nguyễn Đình Tốn dấy binh khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, khởi sự bất thành nên 2 anh em ông bị bắt và bị xử bắn tại Hải Dương năm 1885.

Sau đó, mẹ Nguyễn Can Mộng đã dắt con trốn chạy suốt 15 năm, lưu lạc khắp nơi. Đến năm Nguyễn Can Mộng 20 tuổi, nhờ sự chở che của nhiều người, ông và người mẹ mới thoát khỏi sự truy lùng của thực dân Pháp.

Nguyễn Can Mộng bắt đầu đi học khi đã 20 tuổi, nhưng nhờ thông minh, từng trải nên chỉ trong vòng 12 năm đèn sách, ông đã đỗ Cử nhân vào năm Nhâm Tý (1912). Cùng khoa thi này, người em họ của Nguyễn Can Mộng là Nguyễn Thúc Khiêm (con trai Bang Tốn) đỗ Tú tài nên gọi là Tú Khiêm, sau trở thành một tác giả sân khấu, một chí sĩ yêu nước bị thực dân Pháp bắt đi lưu đày và mất tại nhà tù Sơn La.

Khoa Bính Thìn, niên hiệu Khải Định thứ nhất (1916), Nguyễn Can Mộng ứng thí đỗ Phó bảng nên dân gian gọi là Bảng Mộng. Sau đó, ông được triều Nguyễn bổ làm Huấn đạo huyện Ý Yên (Nam Định). Ba năm sau được bổ làm giáo sư dạy Hán văn, trường trung học bảo hộ (Trường Bưởi).

Một số ý kiến cho rằng, Nguyễn Can Mộng giảng dạy ở Trường Bưởi được xem là thân Pháp nên từ đó hai anh em Nguyễn Can Mộng và Tú Khiêm từ mặt nhau. Tuy nhiên trên thực tế, Nguyễn Can Mộng mặc dù làm việc trong phủ Thống sứ Bắc kỳ, sau chuyển sang dạy học ở Trường Bưởi nhưng trong tư tưởng vẫn hướng về chủ nghĩa dân tộc.

Vì thế sau hơn ba năm dạy học, Nguyễn Can Mộng đã xin nghỉ dạy học ở nhà viết sách. Sau gần 10 năm làm việc không ngừng, Nguyễn Can Mộng đã hoàn thành nhiều công trình biên khảo về đủ mọi lĩnh vực địa lý, lịch sử, văn học, phong tục tập quán… nhằm chấn hưng văn hóa dân tộc. Ông cũng là người có công lao lớn trong việc truyền bá chữ quốc ngữ, đặc biệt chú thích bản dịch Truyện Kiều.

Năm Tân Mùi (1931) Nguyễn Can Mộng lại được bổ vào ngạch cũ (dạy học) sau đó có thời gian ông chuyển sang làm việc tại phòng báo chí phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Năm 1940, ông nghỉ hưu và tiếp tục viết sách, viết báo. Năm 1949, ông được mời ra phụ trách việc dạy Hán văn ở Trường Đại học Văn khoa Hà Nội trong thời kỳ Pháp chiếm đóng và ông cống hiến cho sự nghiệp giáo dục cho đến những năm cuối đời.

 Phó bảng Nguyễn Can Mộng.

Phó bảng Nguyễn Can Mộng.

Cổ súy quốc ngữ, khôi phục quốc văn

Trong bài viết “Kỷ niệm Trường Bưởi”, Bảng Mộng tâm sự: “Trong một tuần lễ, hầu hết các giờ các cậu học Pháp văn và khoa học bằng Pháp ngữ. Nghĩa là bằng tiếng những người bảo hộ ta. Các cậu phải có cảm tưởng như ngồi ở một lớp của trường ngoại quốc. Chỉ có mấy giờ học với tôi là các cậu mới thấy ngồi trong lớp trường nhà, trong đất nước nhà. Vậy, các cậu hãy đứng dậy, đóng tất cả các cửa ra vào và cửa sổ lại!”.

Sau khi học sinh đóng hết các cửa lại, Nguyễn Can Mộng nói: “Bây giờ bên ngoài lớp là thế giới của ngoại quốc. Chúng ta muốn nói gì với nhau cũng được, ngoài không nghe thấy được mà những tiếng giảng dạy bằng Pháp ngữ ở các lớp bên ngoài cũng không đến tai ta được.

Trong một tiếng đồng hồ, chúng ta hoàn toàn là người Việt Nam, trong đất nước Việt Nam. Chúng ta không phải e ngại gì hết, e ngại ai cả… Các giáo sư khác đều có bằng của người Pháp bảo hộ. Và do chính phủ bảo hộ cử ra dạy các cậu, các cậu không học, không nghe lời giáo sư ấy thì các cậu có lỗi với chính phủ bảo hộ.

Riêng tôi, tôi có văn bằng Đại khoa của triều đình Việt Nam. Triều đình Việt Nam bảo tôi ra dạy các cậu, tôi thấy việc học Quốc văn như bức tường sắp đổ. Nên tôi không ra làm quan, mà vui lòng nhận làm giáo sư là tôi muốn hai tay đỡ lấy bức tường ấy cho khỏi đổ. Các cậu chăm chỉ học với tôi, là cùng tôi đỡ lấy bức tường Quốc học. Nếu các cậu không chịu học với tôi là các cậu mặc cho bức tường Quốc học sụp đổ. Là các cậu vong bản, vong quốc. Càng đáng ghép vào tội tử hình hơn…

Trong một tuần lễ, các cậu sống hầu hết các giờ dưới chế độ của nước Pháp bảo hộ, dưới sự dìu dắt của các công chức do chính phủ bảo hộ bổ nhiệm, các cậu phải nói tiếng Pháp. Chỉ riêng có mấy giờ học với tôi là các cậu được sống với chế độ của triều đình Việt Nam, dưới sự dìu dắt của một Đại khoa triều đình, các cậu được nói tiếng mẹ đẻ và các cậu có thể nói với tôi tất cả mọi thắc mắc mọi hoài bão mà không sợ tội vạ gì cả, đã có tôi bảo đảm cho các cậu…”.

Nguyễn Can Mộng là nhà Hán học, là bậc đại khoa. Đường quan tước đang thênh thang rộng mở, nhưng ông đã chuyển sang dạy học. Khi được bổ làm giáo sư dạy Hán văn Trường Bưởi ông đã tranh thủ đưa văn chương bình dân vào giảng dạy trong nhà trường.

Những giờ giảng về ca dao tục ngữ của Nguyễn Can Mộng đã góp phần làm cho học sinh hiểu thêm, hiểu hơn về văn chương, đất nước, con người Việt Nam những mong cho học sinh đừng “vong bản vong quốc”.

Về phương diện này, Nguyễn Can Mộng đáng được lịch sử giáo dục Việt Nam khẳng định là người đầu tiên đem văn chương bình dân vào giảng dạy ở nhà trường và ông cũng là một trong những tác gia văn hóa dân gian có đóng góp trong việc sưu tầm, biên khảo, hiệu đính ngạn ngữ phong dao.

Trong nhà trường là vậy, còn với đất nước với dân tộc Nguyễn Can Mộng đã dành trọn cuộc đời để biên khảo, hiệu đính, biên dịch, sáng tác tất cả với tâm nguyện để cho muôn dân hiểu về văn chương, lịch sử nước nhà.

 Nguyễn Can Mộng từng làm Đốc học, Giáo sư Trường Bưởi, là tác giả của nhiều bộ sách dùng trong trường học.

Nguyễn Can Mộng từng làm Đốc học, Giáo sư Trường Bưởi, là tác giả của nhiều bộ sách dùng trong trường học.

Học giả chú giải Truyện Kiều

Trong hồi ký “Kỷ niệm Trường Bưởi”, học trò Đàm Quang Thiện nhớ về thầy Nguyễn Can Mộng: “Một buổi, chúng tôi xin phép cụ đọc trong lớp bài của cụ nghè Tập Xuyên Ngô Đức Kế công kích ông Thượng Chi Phạm Quỳnh - ông đã đề cao Truyện Kiều của Nguyễn Du - và mạt sát tác phẩm của Tố Như, cho nó là một dâm thư, cho vai chủ động Vương Thúy Kiều là một con đĩ. Đọc xong, chúng tôi hỏi ý kiến của cụ. Cụ dạy:

Ông Phạm Quỳnh muốn đề cao chữ quốc ngữ. Cho rằng chữ quốc ngữ có đủ khả năng để làm chuyển ngữ trong bậc tiểu học, trung học cũng như đại học. Về phương diện ngôn ngữ và văn chương, ông Phạm Quỳnh hoàn toàn có lý. Còn cụ nghè Tập Xuyên lại đứng về phương diện luân lý, ngay cả về phương diện luân lý quan niệm của cụ nghè cũng hẹp hòi quá!

Truyện Kiều không phải là một dâm thư, trái lại văn Kiều rất thanh tao, ngay cả khi tả những sự thô bỉ tục tằn. Thúy Kiều không phải là một con đĩ, trái lại là người hiếu nghĩa đủ đường, thục nữ chí cao. Nếu không phải thế tôi đã không bắt các cậu học”.

Sự bất đồng quan điểm giữa Phạm Quỳnh với Ngô Đức Kế có lẽ chỉ một mình giáo sư Trường Bưởi là Nguyễn Can Mộng tỏ rõ ý kiến cho học trò của mình biết. Sở dĩ ông có những kiến giải sâu sắc về Truyện Kiều vì có nhiều năm phiên âm, chú giải Truyện Kiều từ chữ Nôm sang quốc ngữ. Hơn nữa, mười năm gió bụi lúc sinh thời của thi hào Nguyễn Du khi lánh nạn về quê vợ Thái Bình - chỉ cách làng Hoàng Nông của Nguyễn Can Mộng 10 cây số nên phần nào ông cũng biết danh tiếng Nguyễn Du, biết tới Truyện Kiều.

Theo nghiên cứu của giới Kiều học, tên riêng như Thúy Kiều, Thúy Vân, Đạm Tiên được các học giả như Trương Vĩnh Ký phiên âm theo cách hiểu chữ “h câm” hoặc ký tự “đ” không có trong tiếng Pháp là: Túy Kiều, Túy Vân, Dạm Tiên… Nguyễn Can Mộng lại khác, ông không chấm câu đầy đủ toàn bộ bản phiên âm Truyện Kiều, nhưng biểu hiện ngắt ý, có khi cũng là ngắt câu ở chữ đầu dòng 6 và 8; viết hoa thống nhất từ đầu đến cuối.

Tính theo dấu chấm hết câu thì toàn bộ văn bản Truyện Kiều phiên âm của Nguyễn Can Mộng rất đa dạng, nhưng đủ 3.254 câu. Có câu chỉ một dòng, có câu gồm hai dòng 6/8 và có nhiều câu kéo dài đến 4 - 6 dòng. Một số bản Kiều nôm mà Nguyễn Can Mộng dùng để phiên âm thành chữ quốc ngữ bằng hệ thống ký tự Latinh, có thể là kết hợp cả một bản kinh và bản Kiều Oánh Mậu (1902). Khi phiên âm đến câu: “Về sau chẳng biết vân - mồng 1 làm sao” (câu 2920), Nguyễn Can Mộng có ghi chú: “(1) Vân mòng là tin tức, Bản kinh viết là... sự công thế nào”.

Nguyễn Can Mộng thuộc lớp trí thức sống ở buổi giao thời Âu - Á, khi mà nhu cầu văn hóa dân tộc đã và đang trao nhiệm vụ cho các ông khôi phục vốn cổ dân tộc, quảng bá vũ khí tư tưởng mới bằng chữ quốc ngữ, “ôn cố tri tân” sao cho trụ được trong thời buổi nước mất nhà tan.

Giới nghiên cứu cũng cho rằng, đọc văn bản Truyện Kiều do Nguyễn Can Mộng phiên khảo thấy dấu ấn phương ngữ - nơi sinh ra và lớn lên của ông còn in đậm nét. Có dạng phương ngữ do phát âm nặng nhẹ, dẫn đến cách viết như: giăng (trăng), giời (trời), giầu (trầu), chẩy (chảy), nhời (lời)…

Đối với Nguyễn Can Mộng, phiên âm, chú giải truyện Kiều đã trở thành một nhu cầu cần thiết trong giáo dục, quảng bá tinh hoa văn hóa. Năm 1925, khi soạn sách “Văn tuyển phổ thông độc bản diễn nghĩa”, ông đã dành 25/85 trang cho phần trích tuyển Truyện Kiều, làm mẫu cho thể loại thơ lục bát. Ông đặt chữ hiếu nặng hơn tình cho đoạn trích, đặt các dấu cho câu để góp phần chuẩn hóa cách viết chữ quốc ngữ: “Để nhời thệ hải minh - sơn/ Làm con trước phải đền ơn sinh thành”.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nguyễn Can Mộng tiếp tục phục vụ trong lĩnh vực báo chí. Năm 1946, ông làm chủ bút tạp chí “Nho y nghiên cứu” với tham vọng bảo tồn nho học và phát huy vốn cổ y học dân tộc. Ngày 7/11/1946, Nguyễn Can Mộng có thư gửi Hồ chủ tịch:

“Thưa cụ Chủ tịch. Nhân danh hội nghiên cứu Nam dược và những người làm thuốc Bắc Nam, chúng tôi kính dâng cụ những lời trung thành chào mừng chính phủ mới, và hết lòng tin cậy ở cụ và chính phủ đưa nước nhà đến hoàn toàn độc lập thống nhất, phú cường. Chúng tôi xin kính dâng cụ hai tập báo “Nho y nghiên cứu” là cơ quan bảo tồn Khổng học và khảo cứu đông y. Chúng tôi tin chắc chắn rằng nhờ cụ và chính phủ mới, ngành thuốc Bắc Nam sẽ được tổ chức và tiến bộ, hợp với nguyện vọng của dân chúng...”.

Theo chương trình của Bộ Quốc gia giáo dục, ngày 24/8/1949, Nguyễn Can Mộng cùng Vũ Trọng Yên soạn sách “Tập đọc học thuộc lòng” dành cho lớp nhì và lớp nhất.

Nguyễn Can Mộng không chỉ là người thầy trên bục giảng, tuyên truyền tinh thần dân tộc ở một trường học lớn tại Hà Nội, mà còn là tác giả của những tập sách giáo khoa như: Văn tuyển (1925), Phả ký nhà họ (1928) Văn chương Việt Nam (1936), Việt Hán thành ngữ (1936), Hán Việt từ điển lược khảo, Nam học Hán tự (1942), Lịch sử Bắc Kỳ (1941), Ngạn ngữ phong dao (1942), Lễ tục nước nhà (1943). Về sáng tác Nguyễn Can Mộng đã để lại: Gương liệt nữ (Ca kịch tổng hợp, năm 1927), Bức gương lòng son (Truyện thơ, năm ?) và gần một trăm bài thơ, tựa sách… đăng tải rải rác trên sách báo đương thời.

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-pho-bang-ra-suc-chan-hung-van-hoa-post727015.html