Vì sao bị sưng mắt sau khi ăn hải sản?

Hỏi: Mỗi lần ăn hải sản hoặc các món chế biến từ tôm, cua, vùng mắt của tôi thường bị sưng. Tình trạng này không quá nghiêm trọng và thường tự hết sau một đến hai ngày.

Xin hỏi bác sĩ, đây có phải là dấu hiệu dị ứng hải sản không? Tình trạng này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe về lâu dài? Nguyễn Văn Quang (phường Cửa Nam, Hà Nội)

Đáp: Hải sản là nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng, phổ biến trong bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên, không ít người sau khi ăn tôm, cua, mực... lại gặp phải hiện tượng sưng hoặc ngứa vùng mắt. Theo các chuyên gia, phản ứng này xảy ra khi hệ miễn dịch nhận nhầm các protein trong hải sản là “dị nguyên” (chất lạ có hại). Cơ thể sẽ phản ứng bằng cách sản sinh lượng lớn kháng thể IgE để chống lại, đồng thời kích hoạt giải phóng các chất trung gian như histamin, serotonin... gây ra triệu chứng dị ứng. Khi các chất này tác động lên da hoặc niêm mạc mắt, người bệnh có thể cảm thấy sưng, ngứa, đỏ mắt.

Sưng mắt sau khi ăn hải sản là biểu hiện khá phổ biến, nhưng không nên xem nhẹ. Ngoài mắt, dị ứng hải sản còn có thể gây sưng mặt, nổi mề đay, ngứa họng, buồn nôn hoặc tiêu chảy. Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng có thể tự thuyên giảm sau vài giờ đến vài ngày nếu ngừng ăn các loại thực phẩm gây dị ứng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp phản ứng nặng, dẫn đến sốc phản vệ, thậm chí có nguy cơ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Tình trạng sưng mắt do dị ứng hải sản không chỉ gây khó chịu mà còn có thể làm bùng phát các bệnh lý nền liên quan đến cơ địa dị ứng. Một số bệnh thường gặp bao gồm viêm kết mạc dị ứng, chàm, hen phế quản... Ngoài ra, dị ứng hải sản còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, gây rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi. Với trẻ nhỏ, tình trạng này có thể khiến trẻ chán ăn, kém hấp thu dinh dưỡng và ảnh hưởng đến quá trình phát triển.

Nếu hiện tượng sưng mắt xảy ra ngay sau khi ăn hải sản, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp sơ cứu tại nhà như gây nôn để loại bỏ phần thức ăn còn sót trong dạ dày, chườm lạnh vùng mắt để làm dịu cảm giác nóng rát, ngứa ngáy. Tuy nhiên, nếu tình trạng sưng mắt không thuyên giảm sau vài ngày hoặc kèm theo các biểu hiện nghiêm trọng khác, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu
Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2

PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/vi-sao-bi-sung-mat-sau-khi-an-hai-san-708248.html