Vì sao cần bổ sung vitamin A cho bệnh nhân sởi?

Bệnh sởi nặng hoặc các biến chứng của sởi thường xảy ra ở trẻ suy dinh dưỡng, đặc biệt là trẻ thiếu vitamin A, trẻ có hệ thống miễn dịch suy giảm.

Lợi ích của vitamin A với bệnh nhân sởi

Do sức đề kháng của cơ thể suy giảm nên bệnh nhân dễ bị biến chứng, hầu hết trẻ bị sởi tử vong do các biến chứng của bệnh. Việc bổ sung vitamin A đã được một số nghiên cứu chứng minh làm giảm 50% trường hợp tử vong do bệnh sởi.

Bệnh sởi là tác nhân gây ảnh hưởng tới tinh trạng suy dinh dưỡng của trẻ. Trẻ bị sởi thường chán ăn, bỏ ăn hay từ chối không ăn do bị viêm loét ở miệng, do tình trạng nhiễm trùng, nôn và tiêu chảy không chỉ làm tăng nhu cầu một số chất dinh dưỡng mà còn tăng đào thải và giảm hấp thu chất dinh dưỡng.

Đặc biệt, bệnh sởi làm tăng nhu cầu vitamin A của cơ thể, dẫn đến thiếu vitamin A, kể cả ở những trẻ trước đó được nuôi dưỡng tốt và không thiếu vitamin A vẫn có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, thậm chí gây mù lòa. Ví dụ như quáng gà, vệt Bitot's (vệt màu trắng đục nằm trên giác mạc mắt)...

Ngoài ra, đối với bệnh sởi ở trẻ em, cung cấp vitamin A còn có tác dụng làm giảm độ nặng của các biến chứng nguy hiểm (ví dụ tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn hô hấp).

Chính vì thế Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam đã khuyến cáo sử dụng vitamin A liều cao trong điều trị bệnh sởi ở trẻ em nhằm giúp trẻ nhanh chóng hồi phục và tránh xảy ra biến chứng sau khi mắc bệnh. Tất cả trẻ em mắc sởi đều phải được uống vitamin A theo phác đồ của Bộ Y tế.

Tuy vậy, cha mẹ không tự ý bổ sung vitamin A cho trẻ, việc bổ sung liều lượng bao nhiêu phù hợp với từng người bệnh, nếu tùy tiện có thể sẽ gây hại cho trẻ.

Khi trẻ mắc sởi cần tăng cường thực phẩm giàu vitamin A.

Khi trẻ mắc sởi cần tăng cường thực phẩm giàu vitamin A.

Sử dụng nguồn thực phẩm giàu vitamin A trong các bữa ăn

Chế độ ăn đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm. Nhóm cung cấp chất bột đường, chất đạm, chất béo, giàu vitamin – khoáng chất thiết yếu.

Đối với trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ: Cha mẹ cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần hơn kết hợp với ăn bổ sung hợp lý. Thực hiện cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là biện pháp tốt nhất giúp trẻ tăng trưởng, phát triển tối ưu và góp phần phòng bệnh tốt nhất.

Cho trẻ ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm (đủ 4 nhóm thực phẩm), không quá kiêng khem để bù lại các chất dinh dưỡng mất đi (đặc biệt là năng lượng và protein) do quá trình nhiễm trùng và tiến triển bệnh.

Cần cho trẻ ăn đủ các thức ăn giàu đạm. Đặc biệt các thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá ba sa, cá bông lau, cá hồi, cá trích…), trứng, sữa, hải sản đồng thời cũng là nguồn cung cấp kẽm và sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm theo hướng dẫn của y tế bằng đường uống cho trẻ.

Cần cho trẻ ăn tăng rau, quả có màu vàng, đỏ (như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu…) và các loại rau có lá xanh sẫm (như rau muống, rau ngót, rau dền đỏ, cải bó xôi, xúp lơ xanh…). Trong các loại rau này có nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C… giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm nhanh lành các tổn thương, đặc biệt tổn thương ở mắt, chống mù lòa.

Các loại quả khác giàu vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng và cung cấp nước cho trẻ như bưởi, táo, lê… cũng rất tốt. Bên cạnh đó trẻ cần được uống bổ sung vitamin A theo phác đồ điều trị.

Sử dụng nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin A, kết hợp trong các bữa ăn: Gan động vật, chất béo từ thịt, lòng đỏ trứng là các thực phẩm có nguồn gốc động vật có chứa một lượng vitamin A đáng kể.

Bên cạnh đó, nên phối hợp cùng các nguồn thực vật giàu beta-carotene (tiền chất vitamin A), như các loại củ quả có màu vàng/đỏ và các loại rau có màu xanh đậm, như rau ngót, rau dền, rau cải xanh, rau mồng tơi, rau muống, rau đay, dầu cọ, dầu đậu nành và các loại dầu thực vật khác.

Vitamin A tan trong chất béo. Vì vậy chế độ ăn cần sử dụng đủ lượng dầu, chất béo để giúp vitamin được hòa tan và chuyển hóa từ dạng tiền vitamin A sang dạng vitamin A mà cơ thể hấp thu được.

Sau khi hết bệnh sởi, cơ thể trẻ trở nên yếu, cần được ăn nhiều hơn. Nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng ít nhất là trong 2 tuần, để trẻ nhanh chóng hồi phục, lấy lại sức khỏe bình thường.

BS. Trần Quang Đại

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-can-bo-sung-vitamin-a-cho-benh-nhan-soi-169240904082449004.htm