Vì sao cây điều ở Phước Long bị chặt bỏ?

Cây điều có khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, vốn đầu tư chăm sóc ít, đã trở thành 'cây công nghiệp của người nghèo' ở Phước Long. Từ đầu những năm 80, các hộ dân đã tự phát đầu tư trồng mới cây điều trên diện rộng. Hàng năm, Phước Long có từ 300-500 ha điều trồng mới. Tuy nhiên, giá điều sụt, điều liên tiếp mất mùa, chính sách của Nhà nước đối với việc đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân không thỏa đáng… là nguyên nhân khiến dân Phước Long phải chặt điều để dành đất trồng các loại cây nông sản, cây công nghiệp khác có giá trị kinh tế cao hơn.

VÌ SAO CÂY ĐIỀU Ở PHƯỚC LONG BỊ CHẶT BỎ?

(Báo Bình Phước, 8-10-1997)

Tiến Nam

Cây điều là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Ở Việt Nam, cây điều được trồng nhiều ở miền Trung, miền Đông Nam bộ, trong đó tỉnh Bình Phước có diện tích điều lớn nhất (chiếm gần 40% diện tích trồng điều trong cả nước). Được chọn là một trong những điểm phát triển cây điều ở Bình Phước, qua nhiều năm huyện Phước Long đã mở rộng diện tích trồng điều lên 17.565 ha. Trung bình mỗi hộ dân ở Phước Long trồng từ 0,5-3 ha điều. Nhiều hộ dân ở Đăk-ơ, Đakia, Long Hà, Phước Bình… có diện tích điều 7-10 ha/hộ. Sản phẩm thu hoạch từ điều và các loại cây công nghiệp khác đã góp phần nâng cao đời sống các hộ dân ở Phước Long. Tính bình quân mỗi hộ dân đạt thu nhập 3-10 triệu đồng/năm từ hạt điều. Đặc biệt đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cây điều đã trở thành nguồn thu nhập chính của bà con.

Nhưng “vui chẳng tày gang”, cây điều ở Phước Long trong 2 năm trở lại đây đang lâm vào tình trạng lao đao, khốn đốn. Từ đầu năm 1996, lác đác trên địa bàn huyện, nông dân đã phá bỏ điều. Cuối vụ điều năm 1997, hơn 800 ha điều bị chặt hạ; đến cuối tháng 9-1997, hơn 1.000 ha điều hóa thành… củi. Đa phần các vườn điều còn lại không được làm cỏ, chăm sóc. Tìm hiểu tình hình chặt phá điều trên địa bàn huyện Phước Long, chúng tôi thấy nổi lên mấy vấn đề lớn:

Cây điều có khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, vốn đầu tư chăm sóc ít, đã trở thành “cây công nghiệp của người nghèo” ở Phước Long. Từ đầu những năm 80, các hộ dân đã tự phát đầu tư trồng mới cây điều trên diện rộng. Hàng năm, Phước Long có từ 300-500 ha điều trồng mới. Đến đầu năm 1996, trên địa bàn Phước Long đã có 17.565 ha điều, trong đó có hơn 2/3 diện tích điều cho thu hoạch. Việc tiêu thụ và chế biến sản phẩm do 2 doanh nghiệp tư nhân Thanh Tâm và Xí nghiệp chế biến hạt điều Mỹ Lệ đảm trách. Hạt điều của nông dân trên địa bàn đến với 2 đơn vị chế biến này thông qua mạng lưới hàng trăm “đại lý” ở 140 thôn, bản, tập đoàn sản xuất… Các “đại lý” sục sạo đến tận “đầu bờ, góc ruộng” để thu mua hạt điều của dân, với nhiều phương thức thanh toán; ứng tiền mua điều non, mua điều tại cây, mua điều sau thu hoạch… với một mục đích thu lời lớn và bất chấp mọi phương thức kể cả việc ép giá nông dân. Việc “khoán trắng” công đoạn bao tiêu sản phẩm cho tư thương “lộng quyền” ép giá nông dân. Giá hạt điều ở Phước Long thời điểm đầu vụ năm 1997 là 7.500 đồng/kg và tụt xuống chỉ còn 6.000 rồi 5.500 đồng/kg ở giữa và cuối vụ. Một nguyên nhân nữa là do nguồn vốn thu mua điều của các doanh nghiệp chế biến ít. Trong mùa điều 1996-1997, các đơn vị chế biến hạt điều trên địa bàn chỉ đủ đáp ứng kinh phí 60% nhu cầu thu mua điều trong nông dân đã tạo nên sức ép giả tạo, buộc nông dân đổ xô đi bán điều. Và vô hình chung tư thương được “tiếp tay” để ép giá nông dân. Có thời điểm chỉ trong vòng 20 ngày của vụ điều 1997, giá điều sụt từ 7.500 đồng/kg xuống 6.500 đồng/kg.

Vốn là “cây công nghiệp của người nghèo”, cây điều ở Phước Long được đầu tư chăm sóc không đáng kể và chủ yếu là “trồng chay”, lại bị sâu bệnh phá hại nặng, nên 3 năm trở lại đây năng suất điều trên địa bàn giảm từ 230kg/ha xuống 140kg/ha. Nhiều diện tích điều của nông dân mất trắng. Trong số 1.904 ha điều tại xã Đức Hạnh thì có 2/3 diện tích bị mất trắng, số còn lại cho năng suất 130-140 kg/ha.

Giá điều sụt, điều liên tiếp mất mùa, chính sách của Nhà nước đối với việc đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân không thỏa đáng… là nguyên nhân khiến dân Phước Long phải chặt điều để dành đất trồng các loại cây nông sản, cây công nghiệp khác có giá trị kinh tế cao hơn. Tại các xã được xem là “vùng điểm” phát triển cây điều ở Phước Long như: Bù Nho, Bình Thắng, Phước Tín, Long Tân mỗi xã có ¼ diện tích điều đã bị chặt, trong đó chủ yếu là điều 10-15 năm tuổi đang ở thời kỳ cho thu hoạch cao. Trong điều kiện của một huyện kinh tế khó khăn (5% dân số thuộc diện đói nghèo và 17% trong 23.200 đồng bào dân tộc thiểu số thiếu ăn) thì việc đầu tư để bảo tồn và thâm canh tăng năng suất cây điều là bài toán kinh tế nan giải ở Phước Long. Mặt khác, nhu cầu thúc bách của tình hình đói đang diễn ra trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng tác động không nhỏ đến việc chặt điều ở Phước Long. Chặt điều, ngoài thiệt hại kinh tế trước mắt còn kéo theo hậu quả dai dẳng không dễ giải quyết: Cái đói trong đồng bào dân tộc, nạn chặt phá rừng, làm rẫy mới, khai thác lâm sản trái phép, săn bắn thú quý hiếm…

Thay lời kết

Giá trị kinh tế của cây điều ở Phước Long đã được khẳng định, tuy nhiên phát triển cây điều theo hướng mở rộng diện tích là điều bất cập, bởi nó ảnh hưởng đến việc phát triển các loại cây công nghiệp khác trên địa bàn. Giữ vững vùng nguyên liệu điều hiện có, nhưng tăng sản lượng điều bằng đầu tư thâm canh tăng năng suất, kết hợp với việc khoanh vùng, quy hoạch vùng nguyên liệu và khả năng chế biến các sản phẩm từ cây điều trên địa bàn là một giải pháp tối ưu.

Đầu tư phát triển cây điều ở huyện Phước Long không thể thiếu vai trò của Nhà nước qua việc cho vay vốn với lãi suất thấp và chính sách trợ giá cho bà con nông dân trồng điều. Nguồn đầu tư cần tập trung một đầu mối cho các doanh nghiệp chế biến vay, sau đó đầu tư ứng trước trở lại cho nông dân để chăm sóc điều và thu hồi vốn vay thông qua sản phẩm hạt điều khi thu hoạch. Giải quyết đồng bộ việc đầu tư cho sản xuất và bao tiêu sản phẩm từ cây điều cho nông dân, tránh để tư thương tranh mua ép giá nông dân.

Việc tiêu thụ sản phẩm từ cây điều trên địa bàn Phước Long, cần chú trọng đầu tư các nhà máy chế biến quy mô nhỏ, cung ứng các sản phẩm từ cây điều, như: rượu điều, sirô, dưa chua, mứt, trái ướp đường, nước điều… cho thị trường nội địa. Như vậy, vừa tận thu được các sản phẩm từ quả và hạt điều, vừa tận dụng được lao động phụ trong gia đình các hộ dân trong công đoạn chế biến thủ công ban đầu, tăng thêm thu nhập cho nông dân Phước Long.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/173101/vi-sao-cay-dieu-o-phuoc-long-bi-chat-bo