Vì sao chưa tổ chức làn vượt trên cao tốc?
Trước tình trạng xe chạy 'rùa bò' bám làn trái trên cao tốc, gây nguy hiểm và khó chịu cho các phương tiện khác, một số ý kiến đề xuất, cần tổ chức làn vượt trên cao tốc, mọi người chỉ sử dụng làn đó để vượt xe khác rồi quay về làn mình đang đi.
Vậy, chúng ta có thể tổ chức làn vượt trên cao tốc hay không? Vì sao ngành đường bộ chưa tổ chức làn vượt trên cao tốc? PV VOV Giao thông đối thoại với ông Lê Hồng Điệp, Trưởng Phòng Quản lý tổ chức giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam xung quanh nội dung này.

Đoạn tuyến Cam Lộ-La Sơn đoạn phía Bắc nút giao tỉnh lộ 579 tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Người lao động)
PV: Hiện nay nhiều người tham gia giao thông băn khoăn vì sao Việt Nam chưa tổ chức làn vượt trên cao tốc? Ông có ý kiến như thế nào về điều này?
Ông Lê Hồng Điệp: Điểm thứ nhất, tổ chức làn vượt riêng trên đường cao tốc thì hiện nay quy tắc giao thông trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ chưa có quy định. Thứ hai, xuất phát từ việc ở Việt Nam, các tuyến đường cao tốc so với thế giới thì quy mô còn hẹp.
Chúng tôi quan sát ở một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức thì một số tuyến người ta có tổ chức làn vượt riêng ở sát tim đường, hay còn gọi là làn trong cùng, nhưng với điều kiện đường cao tốc của người ta mỗi chiều đi có ít nhất 4 làn. Còn nếu chỉ có 2 làn hoặc 3 làn thì không tổ chức. Còn ở Việt Nam đa số cao tốc có 2 làn, riêng cao tốc Hà Nội- Hải Phòng có 3 làn, nhưng do có một tuyến nên chưa đặc trưng. Vì vậy, quy định về pháp luật chưa có.
Ví dụ Hà Nội – Hải Phòng có 3 làn thì người ta đã bố trí 1 làn 120 cây số, 2 làn ngoài 100km/h. Nhưng đúng là có một hạn chế là nếu người tham gia giao thông chạy trong làn 120 km/h mà không có ý thức, người ta chỉ chạy 65-70 km/h, vì tốc độ tối thiểu là đồng nhất giữa các làn với nhau, đều 60km/h thì cũng cản trở cho người đi sau.
Tuy nhiên, tổ chức làn riêng để vượt thì vô tình lại bị ùn tắc trên làn chính, bởi vì lưu lượng ở ta quá lớn. Cho nên nếu tổ chức làn vượt thì tất cả đi vào làn kia và chỉ khi nào vượt mới sang làn kia thì vô tình việc khai thác sẽ không hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: Thanh niên
PV: Còn với những cao tốc đang quy định tốc độ theo làn, như cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, theo ông, làm thế nào để hạn chế tình trạng xe chạy “rùa bò” bám làn trái?
Ông Lê Hồng Điệp: Cái đó quy định hiện nay chưa có, bởi vì người ta chỉ quy định tốc độ tối thiểu, họ đi vào làn trái những vẫn đạt trên tốc độ tối thiểu thì họ cũng không vi phạm. Điều này phục thuộc vào ý thức tham gia giao thông, mỗi công dân khi tham gia giap thông phải có ý thức chung với cộng đồng. Luật pháp có thể chưa phạt, chưa xử lý đến anh, nhưng anh phải có trách nhiệm.
Ví dụ các nước, phần lớn người tham gia giao thông rất có ý thức, tức là chạy tốc độ thấp hơn thì nên đi vào làn gần với lề đường để ưu tiên cho các phương tiện người ta có thể chạy với tốc độ cao họ có thể vượt.
Điểm thứ hai, kể cả những xe chạy làn trong cùng, gần tim đường mà chỉ chạy trên tốc độ tối thiểu một chút thôi, không phải vượt người ta, nhưng mình đang chạy trên làn của mình, mà làn thoáng thì vẫn có thể chạy đến tốc độ tối đa để mình đi, đi trước người ta. Điều đó cũng không vấn đề gì cả.
PV: Có nhiều ý kiến đề xuất, chúng ta nên cấm xe tải, xe khách chạy làn trái. Ý kiến của ông ra sao?
Ông Lê Hồng Điệp: Cái này Luật không có quy định, nên ngành giao thông cũng không thể cấm được. Bởi vì nếu như thế thì có thể có những trường hợp người ta cần vượt nhưng lại không cho người ta đi thì cũng sẽ bất cập.
Khi đường cao tốc mà những đoạn đường mỗi chiều đi có 4-5 làn thì chúng ta mới tính toán đến chuyện đó được. Còn bây giờ, cao tốc mới có 2 làn, phần lớn cao tốc của chúng ta có 2 làn mà lại cấm người ta đi vào làn trái thì vô tình sẽ ùn tắc giao thông ngay trên chính đường cao tốc, và khai thác cũng không hiệu quả, dẫn đến ảnh hưởng cho chi phí vận tải, rồi không thuận lợi cho người đi đường thì có khi lại gây ra bức xúc hơn. Do vậy nên ngành giao thông và cơ quan quản lý đường bộ chúng tôi chưa tính đến việc đó.
PV: Vậy với những cao tốc như Hà Nội- Bắc Giang, chúng ta có thể quy định đồng nhất một tốc độ được không?
Ông Lê Hồng Điệp: Cao tốc Hà Nội – Bấc Giang thì vẫn có một số nút giao vòng, nên phải quy định tốc đọ cho từng làn khác nhau. Giống như Hà Nội – Hải Phòng có 3 làn thì chúng ta sẽ quy định làn trong cùng có thể chạy tới 120km/h, còn 2 làn ngoài chỉ chạy đến 100km/h. Đó là quy định tốc độ tối đa.
PV: Xin cảm ơn ông.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-chua-to-chuc-lan-vuot-tren-cao-toc-post1197854.vov