Theo truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian, để giáo hóa chúng sinh, Bồ Tát từng hóa thân thành người phụ nữ rao bán một bảo kính kỳ lạ. Câu chuyện này được cho là nói về nguồn gốc của bức tượng Quan Âm ba mặt hay còn gọi Tam Diện Quan Âm.
Bức tượng Quan Âm ba mặt hay còn gọi Tam Diện Quan Âm là một trong những pho tượng được các Phật tử biết đến. Thế nhưng, không phải ai cũng rõ nguồn gốc của bức tượng này. Nguồn gốc của bức tượng Tam Diện Quan Âm có liên quan đến một truyền thuyết.
Theo truyền thuyết, Quan Âm Bồ Tát có tất cả 33 hóa thân. Bên cạnh Dương Liễu Quán Âm, Thi Dược Quán Âm, Ngư Lam Quán Âm, Quan Âm Bồ Tát còn có hóa thân là Tam Diện Quán Âm.
Tương truyền, vào một ngày nọ, Quan Âm Bồ Tát hóa thân thành một phụ nữ cầm trong tay một chiếc hộp gấm. Bên trong hộp là một bảo kính bằng đồng xanh. Quan Âm Bồ Tát cầm chiếc hộp đứng ở đầu đường Lạc Dương rao bán. Một số người đến hỏi thăm giá của bảo kính, Bồ Tát nói: “Bảo kính này của tôi là bảo vật trên đời, muốn bán 1.000 lượng bạc, thiếu 1 đồng cũng không bán”.
Nghe Bồ Tát nói vậy, có người hỏi bảo kính này trân quý ở chỗ nào. Bồ Tát giải thích rằng: “Bảo kính này, một là có thể soi thấy thiện ác lòng người, hai có thể soi được hết thảy quá khứ. Chỉ 2 điểm này thôi cũng đáng giá 1.000 lượng bạc”. Có một người không tin, bèn hỏi: "Bảo vật như vậy, có thể cho tôi thử một lần được không?". Nghe xong, Bồ Tát trả lời: “Đương nhiên là được, nhưng muốn tôi cho mượn một lần, phải đưa tôi 3 đồng”.
Người kia nhanh chóng lấy từ trong túi 3 đồng tiền đưa cho Bồ Tát. Bồ Tát lấy bảo kính ra, nói với người này: “Khi soi bảo kính nhất định phải tập trung tinh thần, không nghĩ ngợi lung tung, mới có thể soi được hình ảnh chân thực”. Người kia đồng ý và bắt đầu chăm chú nhìn vào tấm kính. Sau một thời gian khoảng một khắc hơn, người này nhìn thấy một vài hình ảnh trong đó, đều là tất cả những việc làm trước đây của mình.
Cuối cùng, anh ta thấy bản thân sau khi chết rơi vào đường súc sinh, kiếp sau đầu thai thành một con chó cái. Xem đến điều này người đàn ông không khỏi sợ hãi. Thế nhưng, những người xung quanh đứng xem đều không nhìn thấy những gì mà người đàn ông trông thấy.
Sau khi xem xong, Quan Âm Bồ Tát thu lại bảo kính và hỏi người này: “3 đồng tiền soi tấm kính này 1 lần, có đáng giá không?”. Người đàn ông mặt mày biến sắc và nói: “Đáng lắm, đáng lắm!”. Mọi người xung quanh nghe nói vậy và muốn soi xem nhìn thấy điều gì. Sau khi xem xong, đa số lộ vẻ mặt hoảng sợ hoặc buồn bã, đăm chiêu. Chỉ có một số ít người vui vẻ, tinh thần lạc quan.
Thấy trời đã tối, Bồ Tát nói với mọi người: “Bảo kính này, bán 1.000 lượng bạc là không hề đắt. Nhưng tiếc thay tất cả đều là người phàm mắt tục, không có ai biết nhìn được vật báu”. Dứt lời, Bồ Tát đem cất bảo kính lại trong hộp gấm, rồi hiện ra Pháp tướng trước mặt mọi người. Đến đây, tất cả giờ mới hiểu đây chính là Quan Âm Bồ Tát đến điểm hóa chúng sinh. Chỉ có điều, cùng một chỗ, cùng trong con mắt người ta, hình ảnh Bồ Tát hiện ra lại có Pháp tướng khác nhau.
Trong mắt kẻ ác, Bồ Tát hiện ra là Kim Thần Thất Sát, vô cùng đáng sợ. Còn trong mắt người bình thường, Bồ Tát hiện ra tướng mạo giận dữ và làm cho lòng người run sợ. Đối với người lương thiện, Bồ Tát hiện ra là Quan Âm Bồ Tát với gương mặt hiền lành. Vì vậy, mọi người sau khi bàn bạc đã cùng bỏ ra số tiền mà Bồ Tát không lấy đi để xây dựng nên một ngôi chùa, thờ phụng tượng Quan Âm Bồ Tát. Tượng Bồ Tát có 3 mặt với mặt chính là khuôn mặt Bồ Tát, mặt trái là một khuôn mặt phẫn nộ giận dữ, mặt phải là khuôn mặt nén giận, trong tay cầm một bảo kính. Dân gian gọi là “Tam Diện Quán Âm” hay còn gọi là “Du Hí Tam Muội Quan Âm”.