Vì sao CPI quý I/2025 tăng 3,22%?

Theo Cục Thống kê, trong quý I/2025, giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát. Bình quân quý I/2025, CPI tăng 3,22% so với năm 2024.

Cơ quan thống kê cho biết, so với tháng trước, CPI tháng 3/2025 giảm 0,03% (khu vực thành thị tăng 0,02%; khu vực nông thôn giảm 0,07%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 3 nhóm hàng giảm giá và 8 nhóm hàng tăng giá.

CPI quý I/2025 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước (Ảnh minh họa)

CPI quý I/2025 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước (Ảnh minh họa)

Nhóm giao thông tháng 3/2025 giảm 1,41% so với tháng trước, góp phần làm CPI chung giảm 0,14 điểm phần trăm, trong đó giá xăng giảm 3,61%; giá dầu diezen giảm 4,67% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước; giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 1,75%, chủ yếu do nhu cầu đi lại của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05%, góp phần làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm, trong đó lương thực giảm 0,83% do nhóm gạo giảm 1,13% do sản lượng dồi dào khi đang vào chính vụ thu hoạch, đồng thời Ấn Độ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu gạo làm nguồn cung gạo trên thị trường quốc tế tăng; nhóm thực phẩm tăng 0,08% chủ yếu do giá thịt lợn tăng vì ảnh hưởng của dịch bệnh, hậu quả của cơn bão số 3 năm 2024, nhiều trang trại chăn nuôi chưa kịp tái đàn dẫn đến nguồn cung thiếu hụt trong khi cầu tăng vào các dịp lễ hội; nhóm ăn uống ngoài gia đình giảm 0,03%. Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,04% do nhu cầu tiêu dùng giảm.

Ở chiều ngược lại, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tháng 3/2025 tăng 0,5% so với tháng trước, tác động làm tăng CPI chung 0,09 điểm phần trăm, trong đó giá thuê nhà tăng 1,09% do nhu cầu thuê nhà tăng cao và nhiều chủ hộ tăng giá thuê để phù hợp với giá trị bất động sản đang ở mức cao; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,26% do giá xi măng, giá thép tăng theo chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công tăng. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13% làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm, trong đó nhóm dịch vụ y tế tăng 0,14% do có địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới; nhóm thuốc các loại tăng 0,07% do nhu cầu một số mặt hàng giảm đau, hạ sốt, thuốc chống dị ứng, thuốc dùng cho đường hô hấp tăng. Bên cạnh đó, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,05%; nhóm giáo dục và nhóm bưu chính, viễn thông cùng tăng 0,02%.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3/2025 tăng 3,13%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 08 nhóm tăng giá và 03 nhóm giảm giá.

Các nhóm hàng có chỉ số giá tháng 3/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước như sau: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 14,59%, làm CPI chung tăng 0,79 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,3%, tác động làm CPI chung tăng 01 điểm phần trăm, trong đó nhà ở thuê tăng 7,33% do nhu cầu thuê nhà tăng và các hộ kinh doanh cho thuê nhà tăng giá để phù hợp với chi phí đầu tư; điện sinh hoạt tăng 4,55%; vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,36%; giá gas và các loại chất đốt khác tăng 1,05%.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,83% tác động làm CPI chung tăng 1,29 điểm phần trăm, trong đó giá nhóm lương thực tăng 0,68%; thực phẩm tăng 4,54%; ăn uống ngoài gia đình tăng 3,45%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,16% làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,05%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,58%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,16%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,53%.

Ở chiều ngược lại, nhóm giao thông giảm 4,07%, góp phần làm CPI chung giảm 0,39 điểm phần trăm, trong đó giá xăng, dầu giảm 13,8%; ô tô giảm 1,08%; vận tải hành khách bằng đường sắt giảm 0,25%. Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,52%, góp phần làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm do giá điện thoại thế hệ cũ giảm. Nhóm giáo dục giảm 0,25%, góp phần làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm do trong năm học 2024-2025 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã miễn, giảm mức học phí.

Tính chung quý I/2025, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do:

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,78%, góp phần làm CPI chung tăng 1,27 điểm phần trăm, trong đó chỉ số giá nhóm thịt lợn tăng 12,49% do thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp Lễ, Tết, tác động làm CPI chung tăng 0,42 điểm phần trăm; chỉ số giá gạo tăng 0,97%, tác động làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm; chỉ số giá thịt gia cầm tươi sống tăng 1,06%.

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,11% do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá nhà thuê tăng, làm CPI chung tăng 0,96 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 5,11% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với từ ngày 11/10/2024, EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, góp phần làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 14,4%, làm CPI chung tăng 0,78 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế.

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,16%, góp phần làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm.

Ở chiều ngược lại, nhóm giao thông giảm 2,4%, góp phần làm CPI chung giảm 0,23 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu giảm 9,73%; dịch vụ vận tải hành khách bằng đường sắt giảm 6,06%. Nhóm giáo dục giảm 0,61%, góp phần làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm, do trong năm học 2024-2025 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã miễn, giảm mức học phí. Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,59%, góp phần làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm, do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đã được tung ra thị trường một thời gian.

Cũng theo Cục Thống kế, lạm phát cơ bản tháng 3/2025 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2025, lạm phát cơ bản tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,22%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

D.Q

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vi-sao-cpi-quy-i2025-tang-322-726124.html