Vì sao đề xuất nắn đường sắt TP.HCM - Cần Thơ?

Theo quy hoạch đường sắt TP.HCM - Cần Thơ từ ga An Bình (tỉnh Bình Dương) sẽ đi song song Vành đai 2 đến ga Tân Kiên rồi vào địa phận Long An.

Các nhà ga gồm: An Bình, Thạnh Xuân, Tân Chánh Hiệp, Vĩnh Lộc, Tân Kiên và các trạm khách Vĩnh Phú, Bà Điểm. Đường sắt sẽ qua hàng loạt đô thị cũ rất đông dân như: TP Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn, Bình Chánh.

Chính vì vậy khi triển khai đầu tư sẽ rất tốn kém vì phải giải tỏa rất nhiều nhà dân.

Theo quy hoạch, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ từ ga An Bình (tỉnh Bình Dương) sẽ đi song song với Vành đai 2 đến ga Tân Kiên rồi vào địa phận Long An (Ảnh minh họa)

Theo quy hoạch, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ từ ga An Bình (tỉnh Bình Dương) sẽ đi song song với Vành đai 2 đến ga Tân Kiên rồi vào địa phận Long An (Ảnh minh họa)

Cụ thể, khu vực Dĩ An (Bình Dương), TP Thủ Đức, quận 12... (TP.HCM) đến nay mật độ đô thị hóa rất nhanh, nhiều khu vực dân cư ở đông, muốn giải tỏa rất mất thời gian và tốn kém nhiều chi phí. Nếu tuyến đường sắt đi theo đường Vành đai 2 sẽ rất khó khăn trong quá trình xây dựng.

Xuất phát từ thực tế này, nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu Vùng và đô thị đề xuất nhiều phương án nắn đường sắt đoạn qua TP.HCM và Bình Dương, trong đó có phương án đi hầu hết với Vành đai 3.

Và phương án tối ưu nhất là kết hợp gần như hoàn toàn đường sắt TP.HCM - Cần Thơ vào một phần bên trái của tuyến Vành đai 3 TP.HCM để mở tuyến đường sắt vành đai vòng cung.

Với đề xuất này, hướng tuyến sẽ từ ga An Bình theo hành lang đã quy hoạch về phía Bắc đến ga Dĩ An, ga Bình Chuẩn, sau đó rẽ trái và đi theo Vành đai 3 TP.HCM về phía Nam. Đến vị trí cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ đi tiếp xuống ĐBSCL.

Các chuyên gia cũng cho rằng hướng tuyến mới sẽ giúp mở ra tuyến đường sắt vòng cung, kết nối các cảng biển, tương lai có thể nối tuyến với Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khi mở đường sắt chạy dọc theo Vành đai 3 sẽ mở rộng không gian đô thị TP.HCM ra rất nhiều. Cùng đó, tại các khu vực tuyến đường sắt đi qua phần lớn là đất nông nghiệp nên sẽ giúp đô thị hóa một cách chủ động theo hình thức TOD xung quanh nhà ga.

Việc điều chỉnh nắn tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ theo Vành đai 3, một số ý kiến là sẽ có trở ngại, bởi quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Muốn điều chỉnh quy hoạch phải trình cấp Thủ tướng, điều chỉnh lại toàn bộ quy hoạch vùng nên mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, dự án này còn mất nhiều thời gian để thực hiện, kế hoạch cũng phải đến năm 2030, vì vậy trong quá trình triển khai nếu có điểm nào chưa hợp lý cũng có thể đề xuất điều chỉnh.

Cũng có ý kiến cho rằng, vì sao trước đây không đề xuất khi thành phố triển khai dự án Vành đai 3 giải phóng mặt bằng một lần, trong khi hiện nay thành phố đã giải phóng mặt bằng cho riêng tuyến Vành đai 3 và chuẩn bị khởi công?

Thực tế, trước đây khi quy hoạch tuyến Vành đai, lúc đó khu vực gần Vành đai 2 đô thị vẫn chưa phát triển nhiều. Vì vậy, thành phố vẫn giữ nguyên việc quy hoạch tuyến đường sắt theo Vành đai 2.

Nhưng hiện nay đô thị đã phát triển, nếu chạy dọc Vành đai 2 sẽ tốn chi phí giải phóng mặt bằng, lâu dài sẽ ô nhiễm tiếng ồn.

Về phần giải phóng mặt bằng, phương án đường sắt sẽ đi bên trái tuyến Vành đai 3, chỉ cần mặt bằng bổ sung thêm 20m là có thể triển khai được.

Hiện phương án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đi theo Vành đai 2 cũng chỉ mới ở giai đoạn quy hoạch, vẫn còn phải qua một bước nghiên cứu tiền khả thi, rồi đến nghiên cứu khả thi.

Vì vậy đề xuất điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt sang đường Vành đai 3 vẫn có thể xem xét.

PGS. TS. Nguyễn Văn Trình
Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu Vùng và đô thị

.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-de-xuat-nan-duong-sat-tphcm-can-tho-d587883.html