Vì sao giá vàng không tăng khi Mỹ - Trung căng thẳng

Bất ổn kinh tế và địa chính trị leo thang khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tách rời kinh tế với Trung Quốc. Tuy nhiên, giá vàng - tài sản trú ẩn truyền thống - vẫn giảm.

Sau khi chạm ngưỡng kỷ lục 2.075 USD/ounce hồi đầu tháng 8, giá vàng lao dốc trong vài tuần qua. Tại phiên giao dịch sáng ngày 9/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới dao động quanh ngưỡng 1.930 USD/ounce. Vào phiên giao dịch ngày trước đó, giá kim loại quý có thời điểm rơi tự do xuống gần 1.905 USD/ounce.

Theo ông Edward Moya, chuyên gia phân tích cao cấp tại Công ty Giao dịch ngoại hối Oanda (Mỹ), giá vàng không bật tăng ngay cả khi xung đột Mỹ - Trung leo thang trong những ngày qua. Nguyên nhân là sức mạnh của đồng USD vẫn được duy trì.

Trước đó, từ đầu năm đến nay, bất ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị làm xói mòn niềm tin kinh doanh, khiến các nhà đầu tư đổ xô rót tiền vào những tài sản trú ẩn "an toàn" như vàng và bạc.

 Năm 2020, bất ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị được xem là một trong những trợ lực chính của giá vàng. Ảnh: Reuters.

Năm 2020, bất ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị được xem là một trong những trợ lực chính của giá vàng. Ảnh: Reuters.

Căng thẳng địa chính trị leo thang

"Có vẻ như Trung Quốc vẫn đang chờ đợi. Nếu cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 diễn ra vào hôm nay, Tổng thống Donald Trump có thể thua và đó là lý do ông này muốn leo thang xung đột với Trung Quốc", ông Edward Moya tại Oanda (Mỹ) trả lời Zing.

"Hồi năm 2016, ông Trump vận động tranh cử với lời khẳng định rằng cuộc chiến thương mại rất dễ thắng. Nhưng giờ cả hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều chịu thiệt hại nặng nề", ông Edward Moya nhấn mạnh.

Tại buổi họp báo được tổ chức ở Nhà Trắng hôm 7/9, ông Trump nhấn mạnh: "Khi đề cập tới 'tách rời', đó là một từ thú vị. Nếu không làm ăn với Trung Quốc, chúng ta sẽ không mất hàng tỷ USD. Nó được gọi là tách rời".

"Chúng ta sẽ đưa Mỹ thành siêu cường sản xuất của thế giới và chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc một lần và mãi mãi. Cho dù là tách rời hay áp thuế lớn như tôi đã làm, chúng ta cũng chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc", ông chủ Nhà Trắng khẳng định.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tách rời kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tách rời kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Hồi tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin từng cảnh báo rằng Washington và Bắc Kinh sẽ phân ly kinh tế nếu các công ty Mỹ không được phép cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng và công bằng tại Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế Yu Yongding thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định nếu căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, Washington có thể trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc, thậm chí sẵn sàng tịch thu tài sản của ngân hàng Trung Quốc ở nước ngoài.

"Nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu phân ly kinh tế diễn ra, nhất là đối với quá trình phục hồi hậu dịch Covid-19", chuyên gia phân tích cao cấp Edward Moya khẳng định.

"Sau cơn mưa, cầu vồng sẽ xuất hiện"

Tuy nhiên, giá vàng không hưởng lợi bất chấp xung đột chính trị và bất ổn kinh tế leo thang. Theo ông Moya, giá kim loại quý trượt dốc do sức mạnh của đồng USD phục hồi sau khi sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 28 tháng. Cùng lúc đó, nhiều tổ chức đầu tư đóng vị thế mua dài hạn để bù đắp các khoản lỗ trên thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây.

"Vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn và sẽ tăng giá khi bất ổn địa chính trị gia tăng. Nhưng trước tiên, nó phải chờ đến khi đà tăng giá của đồng USD chững lại", vị chuyên gia tại công ty giao dịch ngoại hối Mỹ bình luận.

Rủi ro lạm phát cũng là trợ lực đối với giá vàng. Tuy nhiên, theo ông Moya, tiêu dùng vẫn sẽ yếu ớt đến khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau làn sóng Covid-19 vào mùa đông sắp tới. Các ngân hàng trung ương vẫn đang kích thích kinh tế. Tuy nhiên, để lạm phát xảy ra, quá trình phục hồi phải tăng tốc.

"Quá nhiều người tiêu dùng không có việc làm. Họ chẳng có lý do gì để lạc quan trong ngắn hạn. Trên hết, cần sự phục hồi của thị trường lao động và điều đó đòi hỏi những gói kích thích tài chính và tiền tệ lớn hơn nữa", ông Moya nói với Zing.

 Sức mạnh của đồng USD là trở ngại chính đối với đà tăng giá của kim loại quý. Ảnh: Reuters.

Sức mạnh của đồng USD là trở ngại chính đối với đà tăng giá của kim loại quý. Ảnh: Reuters.

Giá đồng USD tiếp tục tăng. Dù vậy, giá vàng vẫn chưa sụt xuống dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce. Các chuyên gia coi đây là dấu hiệu tốt đối với những nhà đầu tư vàng. Bởi xung đột Mỹ - Trung leo thang và nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát lại vào mùa đông sẽ có lợi cho các tài sản "trú ẩn" an toàn như vàng.

"Các nhà đầu tư nên nhớ rằng sau cơn mưa, cầu vồng sẽ xuất hiện. Trợ lực từ những gói kích thích vẫn còn nguyên vẹn đối với giá vàng. Bởi triển vọng kinh tế toàn cầu rất ảm đạm. Vàng có khả năng được giao dịch trong vùng giá 1.900-2.000 USD/ounce vào tháng này", ông dự đoán.

Hiện tại, giới đầu tư đang dồn sự chú ý đến cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vào ngày 10/9 tới. Mọi quyết định của ECB về chính sách tiền tệ sẽ tác động trực tiếp đến đồng euro, qua đó tác động đến đồng bạc xanh và giá vàng.

Các chuyên gia dự báo nếu vẫn trụ vững trên 1.900 USD/ounce trong tuần này, giá vàng sẽ tiếp tục tăng dần tới ngưỡng 2.000 USD/ounce.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-gia-vang-khong-tang-khi-my-trung-cang-thang-post1129363.html