Vì sao giá vé máy bay tăng cao?

Lý giải việc giá vé máy bay tăng cao, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Đặng Anh Tuấn cho rằng, các hãng hàng không phải đối mặt chi phí nhiên liệu cao, chênh lệch tỷ giá, thiếu đội bay, việc bổ sung thuê/mua, bảo dưỡng máy bay...

Tăng giá vé bay để hãng hàng không bù đắp chi phí

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Vietnam Airlines vào sáng 21/6, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, trong những tháng đầu năm nay, giá vé máy bay có tăng, dao động từ 15-17% tùy vào đường bay, ngày bay và giờ bay.

Theo ông Tuấn, trước đây một tháng, giá vé chỉ đạt vào khoảng mức 76% so với khung giá trần do Nhà nước quy định, nhiều đường bay chỉ đạt 43% so với mức tối đa theo quy định. Thậm chí giá bán vé tiếp tục giảm xuống do Vietnam Airlines mở thêm nhiều chuyến bay đêm và sáng sớm, đây là cơ hội để điều chỉnh mức giá vé bay.

Quang cảnh buổi đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Vietnam Airlines.

Quang cảnh buổi đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Vietnam Airlines.

Lý giải về việc giá vé máy bay tăng, theo Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, các hãng hàng không phải đối mặt chi phí nhiên liệu cao, chênh lệch tỷ giá, thiếu đội bay, việc bổ sung thuê/mua, bảo dưỡng máy bay, vấn đề thiếu hụt nhân lực.

"Chỉ riêng Vietnam Airlines, các chi phí đầu vào nhiên liệu tăng 5.600 tỷ đồng chi phí, tỷ giá USD/Việt Nam đồng ảnh hưởng lớn, làm mất thêm 4.700 tỷ đồng. Nếu cộng hai con số này đã lên đến hơn 10.000 tỷ đồng lợi nhuận vốn của hãng", ông Tuấn nhấn mạnh.

Trả lời về việc tăng giá vé bay đã đủ bù đắp chi phí hay chưa, ông Tuấn cho biết trên thế giới, một số hãng bay như tại Trung Đông đã lãi khoảng 15 USD/khách, Bắc Mỹ là khoảng 6-8 USD/khách. Còn tại Việt Nam chỉ là lãi 1,2 USD/khách, thậm chí còn thấp hơn.

"Tăng giá vé bay để hãng hàng không bù đắp chi phí. Vietnam Airlines đã bắt đầu có lãi nhưng tích lũy mỏng và vẫn còn tiềm ẩn rủi ro với những biến cố có thể xảy ra trong tương lai. Vì thế, giá vé bay có tăng nhưng mức độ hợp lý, kiểm soát và nằm trong tính toán để đảm bảo hài hòa cho người dân, doanh nghiệp", ông Tuấn chia sẻ.

Lùi lịch bán 6 máy bay A321CEO

Liên quan đến thiếu đội bay do triệu hồi động cơ máy bay A320/321NEO của nhà sản xuất và diễn biến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết: Trên thế giới, hiện tại đã phải dừng 440 máy bay A320/A321 NEO do lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney, chiếm 30% tổng số máy bay NEO toàn thế giới (tổng cộng có 1.541 máy bay A320/A321 NEO).

Đối với đội bay A321NEO của Vietnam Airlines, hiện đang phải dừng 11 máy bay do lệnh triệu hồi này. Dự kiến số máy bay dừng khai thác sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới (có thời điểm lên tới 17 máy bay dừng), sau đó bắt đầu giảm dần trong năm 2025.

Vietnam Airlines lùi lịch bán 6 máy bay A321CEO.

Vietnam Airlines lùi lịch bán 6 máy bay A321CEO.

"Hiện tại Vietnam Airlines vẫn đang tích cực làm việc với nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney về vấn đề cung cấp động cơ dự phòng cũng như cung cấp lịch sửa chữa sớm nhất cho các động cơ của Vietnam Airlines bị ảnh hưởng", ông Thắng nói.

Do đó, Vietnam Airlines chủ động dừng một số máy bay trong giai đoạn thấp điểm để giữ giờ động cơ, nhằm giảm số lượng máy bay dừng trong giai đoạn cao điểm. Bên cạnh đó, hãng làm việc với nhà sản xuất động cơ để có được những hỗ trợ phù hợp đồng thời thuê thêm máy bay để đảm bảo nhu cầu vận tải.

Bổ sung thêm, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng để đảm bảo đội máy bay khai thác theo nhu cầu máy bay, Vietnam Airlines phải thực thực hiện điều chỉnh kế hoạch thanh lý máy bay A321CEO, bao gồm lùi lịch bán 6 máy bay A321CEO để đáp ứng nhu cầu máy bay của hãng, nhất là trong bối cảnh đi thuê máy bay rất khó.

"Tình huống này có thể kéo dài đến năm 2025, Vietnam Airlines đang có 11 máy bay Airbus 320NEO và 2 máy bay A350 phải nằm đất để đợi khắc phục các vấn đề liên quan đến động cơ", ông Hà nhấn mạnh.

Trước thông tin cho rằng Vietnam Airlines sẽ tiến hành thuê một số tàu bay Embraer E190 trong năm 2024 để khai thác chặng bay Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh đi Côn Đảo, ông Hà cho hay Vietnam Airlines căn cứ các kế hoạch nâng cấp các sân bay nhỏ đồng thời đang nghiên cứu máy bay khu vực phản lực thân hẹp, dự kiến đưa vào khai thác từ cuối năm 2025, trong đó có chặng bay Côn Đảo.

Trong thời gian từ nay đến khi có máy bay phản lực cỡ nhỏ, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục duy trì khai thác bằng máy bay ATR72 đối với các đường bay Côn Đảo, Rạch Giá.

Lê Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vi-sao-gia-ve-may-bay-tang-cao-10283828.html